Tắc nghẽn trong khâu hoàn thuế cho doanh nghiệp

Thời gian qua vấn đề về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp đã xảy ra khá bất cập khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội xuất khẩu tinh bột sắn, Hiệp hội gỗ và lâm sản, Chi hội dăm gỗ phải gửi đơn thư kêu cứu đến các Bộ, ban, ngành có thẩm quyền giải quyết.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao lại việc thực hiện, giám sát vấn đề này cho Uỷ ban Tài chính, Ngân sách. Những đánh giá và kiến nghị được đề cập đến trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu” của Ủy ban Tài chính Ngân sách đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại biểu các tỉnh thành.

Cũng trong thời gian qua ngành thuế đã cố gắng đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm như gian lận hoá đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng… Thông qua đó đã đẩy mạnh và tăng cường nghiệp vụ quản lý thuế cho các cơ quan cấp địa phương.

Tuy nhiên, đối với một số nhóm ngành vẫn xảy ra tình trạng tắc nghẽn trong khâu hoàn thuế với nhóm ngành hàng xuất khẩu (đặc biệt là 3 nhóm ngành hàng: Tinh bột sắn; gỗ, dăm gỗ, sản phẩm gỗ và cao su). Nguyên nhân chính được cho là do những văn bản ban hành hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng Cục thuế vẫn tồn tại một số điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên ngành.

Ách tắc trong hoàn thuế VAT doanh nghiệp đối mặt khó khăn
Việc hoàn thuế giá trị gia tăng với các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Ví dụ được các đại biểu đưa ra như với ngành sản xuất gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn, chỉ đạo các Cục thuế thực hiện rà soát, xác minh qua các khâu mua hàng từ F1, F2,… là hợp lý nhưng rà soát đến khâu thu mua từ người dân là quá thừa thãi vì theo quy định của Luật Thuế Giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng chỉ bắt đầu phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến (có hoá đơn giá trị gia tăng).

Đại biểu nhận xét: “Với các khâu chưa có thuế, chưa có hoá đơn giá trị gia tăng thì không phát sinh việc hoàn thuế giá trị gia tăng và gian lận hoàn thuế, vì vậy, việc yêu cầu xác minh cả đối với những khâu này là không cần thiết và không có cơ sở”.

Một doanh nghiệp khi xuất khẩu dăm gỗ sẽ phải thu mua gỗ từ nhiều địa hộ trên nhiều địa bàn nên mất thời gian dài để xác minh. Trong khi đó, Chi cục Thuế địa phương cũng không đủ chức năng, quyền hạn và nguồn nhân lực để xác minh điều này, nên cần phải nhờ đến đơn vị thứ 3 là cơ quan công an sẽ mất thời gian hơn rất nhiều.

Trong nhóm những mặt hàng liên quan đến gỗ những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như gỗ điêu khắc, gỗ dán, viên gỗ nén, doanh nghiệp xuất khẩu có thể kiểm tra dễ dàng ở khâu đầu vào từ các nhà máy chế biến và đầu ra là các đối tác xuất khẩu lâu năm,…

Nhưng trong những văn bản hướng dẫn của ngành lại yêu cầu phải rà soát, xác minh không phân biệt giữa các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chưa chế biến và các sản phẩm đã qua chế biến là điều không có tính khả thi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẳng định việc Tổng cục thuế xác minh đến tận nguồn gốc thu mua từ người dân là chưa phù hợp và thiếu tính nhất quán với các quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, một mặt hàng khác là tinh bột sắn cũng đang gặp một số vấn đề. Theo đại biểu đoàn Quảng Ninh, việc Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của đối tác Trung Quốc và coi đây là căn cứ để cho rằng doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoàn thuế là chưa đủ thuyết phục.

Vì thế, Tổng cục Thuế cần xem xét, đánh giá, chấp nhận tính pháp lý của Tờ khai hải quan để đảm bảo tính xác thực của khối lượng xuất khẩu.

Ách tắc trong hoàn thuế VAT doanh nghiệp đối mặt khó khăn
Để giải quyết vấn đề hoàn thuế cho doanh nghiệp cần có sự kết hợp của nhiều cơ quan liên quan

Nhanh chóng giải quyết tắc nghẽn cho doanh nghiệp

Theo các đại biểu ngành thuế đã nhấn mạnh quá nhiều vào yếu tố rủi ro mà không xem xét lịch sử tuân thủ nộp thuế của doanh nghiệp: “Những quy định bất cập của ngành thuế đã khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy dòng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

Theo báo cáo tổng hợp của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đến hết ngày 7/6/2023, số tiền thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn đến thời điểm đó là 6.100 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo của ngành thuế thì lĩnh vực gỗ và sản phẩm của gỗ có những tồn đọng như sau: Số hồ sơ còn đọng lại, chưa giải quyết hoàn thuế của năm 2022 và nửa đầu năm 2023 là 149 hồ sơ, chiếm khoảng 9% tổng số hồ sơ đề nghị.

Tuy nhiên trên thực tế số tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp bị tồn đọng còn cao hơn rất nhiều vì doanh nghiệp nộp hồ sơ hoàn thuế lần đầu vướng mắc nên không nộp hồ sơ để giải quyết tiếp. Có những doanh nghiệp đã phải đóng cửa, đơn hàng bị huỷ, nợ quá hạn tại ngân hàng phát sinh, người lao động phải nghỉ việc nhưng số tiền thuế giá trị gia tăng còn chưa được hoàn lại.

Do đó, các đại biểu đã đưa ra đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, rà soát và cải cách các thủ tục hành chính để rút bớt thời gian giải quyết. Đồng thời, Bộ Tài chính cần phải tháo gỡ những khó khăn từ các văn bản chuyên ngành phát hành, giải quyết những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp. Đối với mỗi lĩnh vực riêng có đặc thù riêng cần phải có những chỉ đạo đặc thù để giải quyết triệt để các vướng mắc đang tồn tại.