Bảo hiểm nhân thọ: Hiểu đúng để tránh thua thiệt

Bài 1: Ai đọc hết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ?

Khi hỏi người tham gia bảo hiểm nhân thọ có đọc đầy đủ hợp đồng hay không, nhiều người sẽ trả lời: Không. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng: Hợp đồng bảo hiểm dài tới 100 trang, rất ít người dân đọc hết.

Sở hữu trong tay hợp đồng tiền tỷ của một công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) nhưng anh L.N.H. cho biết anh chỉ đọc hợp đồng tóm tắt. Anh H. vẫn là một trong số ít người chịu khó, còn có những người mua BHNT khác "dễ tính" tới độ chỉ cần nghe tư vấn của đại lý đã quyết định mua. Từ đó mới dẫn đến việc nữ diễn viên NL cho rằng bị lừa tiền tỷ.

Chính vì chỉ nghe tư vấn viên, không xem kỹ, thậm chí không đọc hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), nên nhiều khách hàng "dễ tính" không biết được, luật pháp đã có những quy định rất rõ ràng để bảo vệ quyền lợi người mua BHNT. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm như sau: Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.

Theo kết cấu, các HĐBH đều có 21 trang đầu là nội dung các điều khoản của hợp đồng, còn lại gần 80 trang là phụ lục, giải thích rõ từng câu chữ, khái niệm, điều khoản, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm... HĐBH được soạn thảo theo thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và Bộ Tài chính phê duyệt. Công ty BHNT chỉ có thể thay đổi phần minh họa quyền lợi hoặc các sản phẩm bổ trợ, chứ không thể sửa đổi hợp đồng cho đúng ý từng cá nhân như cách một số khách hàng đang hiểu.

Để giúp người dân hiểu hơn về BHNT, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính (Cục QLBH) nhiều năm nay đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm đều phải có bản tóm tắt HĐBH để khách hàng nắm hết tinh thần cơ bản của hợp đồng, nhất là các khái niệm cơ bản như mức phí, thời hạn đóng phí, thời hạn bảo hiểm, thời điểm đáo hạn, phương thức đóng phí...

Một chuyên gia kinh tế phân tích: Để được kinh doanh BHNT ở Việt Nam, việc đầu tiên các doanh nghiệp phải “làm đúng luật”. Hệ thống luật pháp về bảo hiểm có hai phần rõ rệt: phần cứng do Bộ Tài chính quy định, như cái khung ràng buộc tất cả mọi hoạt động của ngành bảo hiểm trong đó. Và phần mềm, do doanh nghiệp “định nghĩa”. Phần do doanh nghiệp được định nghĩa linh hoạt và gián tiếp tạo ra sự “khác biệt” trong sản phẩm của mỗi doanh nghiệp, nhưng cũng không “vượt” qua được cái khung mà phần cứng đã quy định. Sự linh hoạt của các doanh nghiệp đa phần liên quan đến sản phẩm.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV - cho rằng, hợp đồng bảo hiểm lên cả trăm trang rất ít người đọc và hiểu. “Sau những vụ việc gây xôn xao dư luận vừa qua, chúng ta cần làm kỹ lại khâu chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn. Doanh nghiệp bảo hiểm cần rà roát chính sách, quy trình nội bộ cũng như xem lại quy trình đào tạo, quản lý mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm”, ông Lực kiến nghị.

Trả lời vấn đề này, ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng: Khi mua BHNT, khách hang cần xác định, cân nhắc giữa yêu cầu và khả năng của mình để chọn mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chính và các sản phẩm phụ thích hợp. Đồng thời, yêu cầu đại lý tư vấn đầy đủ, rõ ràng về các điều khoản trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, quy tắc và điều khoản bảo hiểm của sản phẩm mình muốn mua..

“Nếu chưa rõ, người mua cần yêu cầu đại lý bảo hiểm giải thích chính xác các điều khoản trong hồ sơ, HĐBH, nhất là các điều khoản đặc thù của hợp đồng BHNT như: Điều khoản loại trừ bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm, bảng minh họa chi tiết quyền lợi bảo hiểm, phí bảo hiểm, điều khoản chấm dứt HĐBH … Ngoài ra, người mua cần kê khai đầy đủ và chính xác các thông tin về nhân thân và tình trạng sức khỏe mà công ty bảo hiểm yêu cầu trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm” - ông Dũng khuyến nghị.

Trên thực tế, với những HĐBH dày hàng trăm trang, nếu như các công ty BHNT không siết chặt việc quản lý đại lý, tư vấn viên mà chỉ thúc đẩy họ tăng số lượng hợp đồng, tăng giá trị hợp đồng thì tất yếu sẽ dẫn đến những vụ việc ồn ào không đáng có, khi người dân nói chung chưa hiểu nhiều về BHNT. Đã có những trường hợp để giữ vị trí ở một công ty BHNT, đại lý phải tự bỏ tiền ra hoặc nhờ người khác, kể cả bạn bè của con cái, đứng tên hợp đồng.

Box: Điểm 3, Mục V về Đại lý bảo hiểm trong Thông tư 98/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 19/10/2004 nghiêm cấm đại lý bảo hiểm có các hành vi sau: Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm; Ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến HĐBH hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến HĐBH; Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác; Khuyến mại khách hàng dưới hình thức bất hợp pháp như hứa hẹn giảm phí bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm hoặc các quyền lợi khác mà doanh nghiệp bảo hiểm không cung cấp cho khách hàng; Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ HĐBH hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới./.