Bảo hiểm nhân thọ: Hiểu đúng để tránh thua thiệt (Bài 2)

Bài 2: Bancassurance - lợi ích bị biến tướng

Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) là một hoạt động kinh tế bình thường được Nhà nước cho phép. Bancassurance phát triển từ lâu trên thế giới và cho thấy những lợi ích nó mang lại cho 3 bên: ngân hàng, công ty bảo hiểm và người mua bảo hiểm.

Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ khách hàng bancassurance mới chiếm 5-8% lượng khách hàng của ngân hàng, đây cũng chính là dư địa để các ngân hàng tăng tốc. Khi nền tảng số ngày càng cải thiện, các ngân hàng dễ dàng mở rộng kênh phân phối bảo hiểm hơn nữa, thông qua tệp khách hàng sẵn có. Năm 2023, thị trường bancassurance được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 30%.

PGS.TS tài chính Đinh Trọng Thịnh phân tích: “Kinh doanh bảo hiểm đã và đang giúp các ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu. Các ngân hàng còn có thể khai thác thêm nhiều dịch vụ khác từ tệp khách hàng của bảo hiểm. Đây là nguồn thu bền vững và ít rủi ro hơn với việc thu từ hoạt động tín dụng. Còn khách hàng thì có cơ hội tiếp cận sản phẩm với nhiều kênh phân phối hiện đại, tiện lợi, ưu đãi hơn khi có nhiều lựa chọn”.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ngân hàng chiếm khoảng 39% tổng doanh thu phí khai thác mới và chiếm bình quân 37% tổng thu nhập phí của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán. Thế nhưng, hoạt động bancassurance hiện nay đang cho thấy những khía cạnh tiêu cực...

Bảo hiểm nhân thọ: Hiểu đúng để tránh thua thiệt (Bài 2)

Là đại lý của một hãng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) lớn, mỗi lần đến văn phòng công ty để nộp phí hay làm thủ tục cho khách, anh Nguyễn Đức Nam thường phải chờ rất lâu để các nhân viên văn phòng làm thủ tục hủy hợp đồng cho các khách hàng. Đây hầu hết là những khách hàng bị "ép" mua BHNT trước khi vay vốn hoặc gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Đó là những khách hàng còn đọc hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) để biết có thể hủy hợp đồng trong vòng 21 ngày. Còn có những khách hàng do không đọc kỹ HĐBH thì đành chấp nhận duy trì hợp đồng cả năm với sự tư vấn của những nhân viên ngân hàng không thực sự am hiểu về chính sản phẩm BHNT mà mình tư vấn.

Trong những ồn ào về BHNT thời gian gần đây, có đến hàng trăm khách hàng tố cáo nhân viên ngân hàng SCB và nhân viên Manulife tư vấn cho khách về sản phẩm “Tâm An Đầu Tư” - liên kết giữa SCB và Manulife.

Theo tư vấn, đây là sản phẩm mới, giống như gửi tiết kiệm 12 tháng, không phải như những hợp đồng BHNT truyền thống trước đây. Người mua chỉ mất một khoản phí rất ít để duy trì hợp đồng bảo hiểm còn lại là đem đi đầu tư sinh lời. Thậm chí, sản phẩm Tâm An Đầu Tư cam kết lãi suất thấp nhất lên đến 8,7%/năm (12 tháng) và chỉ có thời hạn 5 năm là kết thúc hợp đồng.

Chỉ riêng báo Dân trí đã nhận và chuyển tới hơn 320 đơn cho cơ quan điều tra liên quan tới loại hình hợp đồng này. Nhiều nhất là của người dân tại Hà Nội, sau đó đến TPHCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An, Bắc Ninh, Hải Dương...

Trước thực tế này, bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính - khẳng định: Nếu đã có yếu tố ép buộc thì sẽ đi ngược lại với mục đích ra đời của BHNT, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của BHNT. "Giao dịch bảo hiểm cũng là giao dịch dân sự, phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng lợi ích các bên. Thời gian qua còn tồn tại hiện tượng một số nhân viên tín dụng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia BHNT khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm mất đi tính tự nguyện tham gia bảo hiểm của khách hàng, khiến cho khách hàng cảm thấy ấm ức không thoải mái. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm" - Bà Phương phân tích.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - cho biết: "Ngân hàng Nhà nước quy định không được ép mua bảo hiểm. Gần đây xuất hiện một số nhân viên bị giao chỉ tiêu, vì ngân hàng, tổ chức tín dụng đó có hợp đồng độc quyền với bên bảo hiểm. Mà độc quyền thì phải bổ trợ cho nhau nên mới có chuyện áp lực doanh số. Tuy nhiên, rõ ràng vấn đề này chỉ là một số ngân hàng mà thôi. Ví dụ, một số hoạt động đặc thù như vay thấu chi với độ rủi ro cao nên chúng ta cần khuyến khích việc phát triển bảo hiểm. Tôi cho rằng đây là thời điểm chúng ta cần phải sốc lại thị trường bảo hiểm".

Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội bảo hiểm Việt Nam chia sẻ: "Khi nhận được thông tin về các sự việc khiếu nại, bất bình của khách hàng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội đã đề nghị các DN nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin do khách hàng phản ánh để kịp thời xử lý, đảm bảo quyền lợi của khách hàng trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Những trường hợp nào có bằng chứng về việc tư vấn viên đã tư vấn sai cho khách hàng, doanh nghiệp đã thực hiện hủy hợp đồng và hoàn lại khoản phí đã đóng cho khách hàng, đồng thời các tư vấn viên đó phải chịu hình thức xử lý kỷ luật phù hợp"./.

Bảo hiểm nhân thọ: Hiểu đúng để tránh thua thiệt (kinhtechungkhoan.vn)