“Bom nợ” trái phiếu: Nỗi niềm không của riêng ai (Bài 1)

Bài 1: Mua trái phiếu, bị mắc kẹt

Cuộc sống của hàng nghìn gia đình rẽ sang bước ngoặt khác khi những khoản đầu tư mua trái phiếu không được thanh toán, từ những ngày đầu tháng 10.2022, khi sự kiện Vạn Thịnh Phát xảy ra.

Khi tổ chức phát hành không đủ khả năng chi trả

Những ngày này, gia đình chị L.A sống trong tâm trạng mệt mỏi, chán nản. Khoản nợ ngân hàng hơn 3,6 tỷ đồng đã quá hạn 3 tháng nay mà vợ chồng chị chưa biết xoay xở nguồn tiền ở đâu để thanh toán.

Cuối năm 2021, nghe tư vấn của một người bạn làm việc tại Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), chị dồn tiền mua trái phiếu doanh nghiệp do TVSI làm đại lý phân phối với kế hoạch đến tháng 2/2023 sẽ rút ra để trả khoản vay mua căn hộ chung cư.

Lô trái phiếu chị mua do Công ty cổ phần Bông Sen phát hành. Trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phiếu một số khách sạn đang hoạt động, cổ phiếu của cá nhân đứng ra bảo lãnh làm tài sản đảm bảo. Bên tư vấn nói rằng định giá tài sản đảm bảo gần gấp đôi số tiền huy động.

Hơn nữa, TVSI còn có hợp đồng cam kết mua lại, ký sẵn vào ngày chị ký hợp đồng mua trái phiếu nên vợ chồng chị yên tâm, ngỡ rằng đây như một khoản tiền gửi tiết kiệm có bảo đảm.

Tuy vậy, thực tế lại khác xa. Sau sự kiện Vạn Thịnh Phát, TVSI mất khả năng mua lại trái phiếu trước hạn như cam kết ban đầu. Không rút được vốn, mà ngay cả khoản lãi định kỳ gia đình chị A cũng không nhận được vì tổ chức phát hành không có khả năng chi trả. Cơ quan điều tra phong tỏa Bông Sen trong danh sách hơn 700 doanh nghiệp dính đến vụ án Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng liên tục giục nợ, gia đình đứng ngồi không yên, vợ chồng lục đục vì phải tính bán rẻ căn hộ chung cư đang ở đi thuê trọ do không kham nổi gốc lãi khoản vay.

Gia cảnh ông T.N.B năm nay 71 tuổi còn khốn khó hơn. Hiện ông mắc bệnh ung thư, toàn bộ tiền tiết kiệm nghe theo tư vấn của nhân viên ngân hàng và công ty chứng khoán đã dùng để mua trái phiếu doanh nghiệp các mã Tân Thành Long An, Bông Sen, Saigon Glory. “Trong xóm có anh là nhân viên TVSI đi quảng cáo, chèo kéo người trong ngõ, lãi suất tiết kiệm thời điểm đó thấp quá. Họ cứ nói chắc như đinh là TVSI có hợp đồng mua lại, ông không sợ mất, thấy nhiều hàng xóm trẻ khỏe, hiểu biết cũng để tiền vào đó, nên tôi đã nghe theo”, ông B. nghẹn ngào kể.

Nhận lãi được một kỳ duy nhất, rồi sau đó ông sững sờ khi biết tin Tân Thành Long An, Bông Sen có tên trong danh sách 700 doanh nghiệp liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát bị công an phong tỏa. Trông chờ vào tiền lãi doanh nghiệp chi trả để có tiền chữa bệnh kéo dài sự sống nhưng kể từ cuối năm ngoái đến nay, ông chưa nhận được đồng nào. Tiền thuốc không có, nỗi đau như dày thêm mỗi khi có người nhắc đến chuyện.

Ông L.N.K năm nay 84 tuổi, tích cóp cả đời được 2 tỷ đồng, mang ra ngân hàng SCB gửi tiết kiệm. Nhân viên ngân hàng giới thiệu gửi theo hình thức “trái phiếu” để được lãi suất cao chứ bản thân ông không hiểu gì về cách thức đầu tư này. Tin tưởng cán bộ ngân hàng, ông để hết vào đây.

Những hoàn cảnh tương tự như trên không ít, khi các số liệu thống kê cho thấy, sau 3-4 năm bùng nổ kể từ năm 2020, trái phiếu doanh nghiệp, trong đó đa phần là trái phiếu phát hành riêng lẻ đã nở rộ thu hút dư nợ tới gần 1,5 triệu tỷ đồng (tính đến cuối quý 3/2022).

Lách luật phân phối ra đại chúng

Hiện chưa có một thống kê chính thức nào về việc có bao nhiêu ngân hàng thương mại, CTCK tham gia vào phân phối trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng nếu không có những cánh tay nối dài này, sẽ không thể phát hành riêng lẻ đến từng cá nhân với số lượng lớn.

Trước khi trái phiếu len lỏi đến các khu phố, ngõ xóm, kênh huy động vốn này chỉ giới hạn ở một bộ phận các nhà đầu tư, đa phần là tổ chức. Luật Doanh nghiệp 2014. Điều 127 quy định: “Công ty cổ phần có quyền phát hành trái phiếu.

Công ty không thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành, không thanh toán hoặc thanh toán không đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đó sẽ không được quyền phát hành trái phiếu, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác”.

Luật cũng quy định “doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào”, đồng thời luật không quy định về việc phát hành trái phiếu của Công ty TNHH.

Từ năm 2020 khi lãi suất ngân hàng xuống thấp chỉ 5-6%/năm, các công ty chứng khoán và ngân hàng phát hiện ra kênh gọi vốn mới, đó là trái phiếu doanh nghiệp. Dữ liệu ghi nhận lượng huy động vốn qua kênh trái phiếu năm 2020, 2021, nửa đầu năm 2022, tăng vọt (xem bảng).

“Bom nợ” trái phiếu: Nỗi niềm không của riêng ai (Bài 1)

Chủ tịch một doanh nghiệp niêm yết nhận định, huy động vốn từ trái phiếu dễ quá nên nhiều doanh nghiệp cứ phát hành, có tiền sinh ra đầu tư dễ dãi.

Rào chắn được cho là nhằm làm giảm rủi ro của kênh trái phiếu doanh nghiệp khi chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp được mua trái phiếu riêng lẻ đã bị các tổ chức trung gian lách luật. Tại CTCK TCBS, nhà đầu tư được hướng dẫn xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng cách đặt lệnh mua một số lượng trái phiếu do TCBS tính toán và gợi ý nhằm đạt tổng số dư nắm giữ sau khi mua là 2 tỷ đồng. Sau 2 ngày làm việc, hệ thống sẽ tự động bán lại trái phiếu chứng nhận đã mua ở trên để hoàn lại tiền cho khách hàng. Vậy là nhà đầu tư có xác nhận chuyên nghiệp.

Tại TVSI, tư vấn cho doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu, TVSI tham gia ôm luôn lô trái phiếu sơ cấp ban đầu, sau đó xé lẻ cả giá trị, kỳ hạn ra bán cho các nhà đầu tư. Ví dụ, lô trái phiếu Tân Thành Long An có giá trị phát hành 5.000 tỷ đồng, được TVSI mua toàn bộ, có kỳ hạn đến năm 2027. Công ty sau đó xé lẻ ra vài chục triệu, vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/hợp đồng bán cho các nhà đầu tư với đủ các kỳ hạn 1-12 tháng, TVSI ở giữa hưởng lãi suất chênh lệch, 3-4%/năm, chưa kể các loại phí.

(Còn tiếp)