Bài 2: Trái phiếu kém chất lượng, tài sản đảm bảo bấp bênh

Trên thế giới, trái phiếu dưới chuẩn (trái phiếu rác) thường đi kèm với lãi suất cao được phát hành bởi các doanh nghiệp có thực trạng tài chính không chắc chắn. Còn ở Việt Nam, không ít trái phiếu lãi suất không cao mà chất lượng tín dụng lại là điều đáng phải quan tâm.

Cách nào lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu? (Bài 2)

Pháp lý kém minh bạch

Tháng 5/2021, Công ty CP Tân Thành Long An công bố huy động thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu, dù vốn chủ sở hữu thời điểm đó chỉ có 1.913 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu riêng lẻ có lãi suất không thấp hơn 10%/năm, kỳ hạn 5 năm, được đảm bảo bằng tài sản là 200 ha đất tại Khu công nghiệp Việt Phát tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Số tiền huy động được dùng để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp giai đoạn 1 với 290 ha.

Khu đất này nằm trong Dự án Khu công nghiệp và Đô thị Việt Phát, có tổng diện tích hơn 1.832 ha, được quy hoạch theo mô hình kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị. Tổ hợp dự án này được UBND tỉnh Long An chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2005, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2010 với tiến độ quy định là hoàn thành việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật vào tháng 10/2015. Tuy nhiên, dự án không đảm bảo tiến độ, giấy chứng nhận đầu tư dự án phải điều chỉnh nhiều lần.

Sau đó, UBND tỉnh Long An có văn bản đồng ý cho gia hạn tiến độ, đến năm 2020 phải hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp và tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp vào KCN từ ngày 1/1/2021. Đến ngày 17/5/2020, dự án được khởi công, sau đó doanh nghiệp làm một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn chưa thể đón khách vào thuê.

Điều đáng nói là đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu các cơ quan liên quan thanh tra toàn diện dự án Khu công nghiệp và Đô thị Việt Phát. Đồng thời, UBND tỉnh Long An có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chưa thống nhất cho giãn tiến độ đối với dự án này.

Trước đó, kết luận thanh tra toàn diện dự án do UBND tỉnh Long An ban hành ngày 13/9/2019 cũng đề cập một loạt yếu kém, sai phạm tại dự án, thậm chí còn kiến nghị nếu doanh nghiệp không thực hiện theo đúng quy định thì các sở ban ngành xem xét đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án.

Đơn vị tư vấn là TVSI thừa nhận trong các cuộc làm việc với nhà đầu tư gần đây: đã thông tin không chính xác về doanh nghiệp và dự án. Tháng 5/2021, Tân Thành Long An dùng 200 ha đất trong dự án làm tài sản đảm bảo để phát hành lô trái phiếu nói trên. TVSI là nhà đầu tư ôm toàn bộ 5.000 tỷ đồng trái phiếu đợt này, sau đó xé lẻ phân phối cho nhà đầu tư cá nhân.

Sau khi trả lãi được kỳ đầu tiên, Tân Thành Long An đã mất khả năng chi trả kỳ lãi tiếp theo.

Bên cạnh đó, Công ty này còn dùng quyền sử dụng 177 ha đất nông nghiệp được tự xưng “quy hoạch” vào mục đích xây dựng khu dân cư, trong Dự án Khu đô thị Việt Phát làm tài sản đảm bảo cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (Vạn Trường Phát) phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu.

Từ tháng 6/2021 tới tháng 11/2021, Vạn Trường Phát phát hành 5 đợt trái phiếu, mỗi đợt 2.000 tỷ đồng. TVSI tiếp tục là đơn vị tư vấn phát hành, SCB là ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo, quản lý dòng tiền.

Điều đáng nói là Dự án Khu đô thị Việt Phát mới tồn tại trên giấy, đến nay chưa được cấp phép chủ trương đầu tư và khu đất trên còn chưa có trong quy hoạch làm nhà ở của tỉnh Long An.

Trong khi đó, sức khỏe tài chính của 2 tổ chức phát hành trên ra sao? Trong năm 2019 và 2020 Công ty CP Đầu tư Star Zone (tiền thân của Vạn Trường Phát), có doanh thu 0 đồng, lỗ ròng 105 triệu đồng và 165 triệu đồng. Cuối năm 2020, nợ phải trả của Công ty là 2.724 tỷ đồng - cao gấp 8,5 lần vốn chủ sở hữu.

Tân Thành Long An cũng chẳng khá khẩm hơn khi doanh thu năm 2018 đạt 1,4 tỷ đồng, năm 2019 đạt 1,16 tỷ đồng và năm 2020 là 0 đồng. 3 năm liền kề trước phát hành lỗ lần lượt là 11,9 tỷ đồng; 2,1 tỷ đồng và 4,2 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, Công ty vay nợ 4.949 tỷ đồng.

Đến nay, do nằm trong danh sách 700 doanh nghiệp bị phong tỏa có liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, hàng nghìn trái chủ của Tân Thành Long An và Vạn Trường Phát gửi đơn kêu cứu đến nhiều nơi.

Cách nào lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu? (Bài 2)

Bấp bênh tài sản đảm bảo

Chỉ đến khi tổ chức phát hành mất trả năng trả lãi gốc trái phiếu, nhà đầu tư tìm hiểu kỹ và ngã ngửa về tài sản đảm bảo mà doanh nghiệp đưa vào các bản công bố thông tin.

Công ty CP Kinh doanh đá quý và trang sức Đức Tiến phát hành lô trái phiếu 500 tỷ đồng mã DTCCH2122001, mất khả năng thanh toán gốc đến hạn vào 15/10/2022. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tư vấn phát hành. Ngân hàng Vietcombank quản lý tài sản đảm bảo.

Tài sản đảm bảo cho trái phiếu bao gồm 20 triệu cổ phần Công ty In sách giáo khoa Hòa Phát (mã chứng khoán: HTP); quyền sử dụng đất của thửa đất số 352, 371, 372, 397, 398, 419, 736, 737, 739, 740, 741, 744 tờ bản đồ số 12; thửa đất số 558, 559, 562, 553, 585, 555, tờ bản đồ số 8, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Theo phản ánh của trái chủ, tổ chức phát hành đã không thế chấp quyền sử dụng đất của các thửa đất nói trên (các thửa đất này là đất đấu giá, doanh nghiệp sử dụng tiền huy động từ trái phiếu để tham gia đấu giá đất, sau đó gặp rắc rối về pháp lý). Ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo cũng không thông báo cho người sở hữu trái phiếu về việc tài sản bảo đảm không được thế chấp theo quy định.

Trái chủ đã làm đơn tố cáo các bên liên quan đến cơ quan công an T.p HCM về các vi phạm trên.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi đã bình luận, đối với biện pháp bảo đảm này, trước hết là sự tiềm ẩn lớn về rủi ro tài chính. Bởi nếu nghĩa vụ thanh toán phát sinh trước khi tài sản được hình thành, thì sẽ chẳng lấy đâu ra tài sản để xử lý, nhằm hoàn thành nghĩa vụ dân sự.

Luật sư Đức cũng nhấn mạnh, giao dịch bảo đảm chỉ thực sự có ý nghĩa sau khi tài sản đã hình thành xong, thậm chí còn phải có đầy đủ giấy tờ công nhận quyền sở hữu, vì rất có thể tài sản lại thuộc sở hữu của người khác hoặc của nhiều người.

Năng lực tài chính yếu kém của tổ chức phát hành sẽ dễ dẫn đến không có khả năng thanh toán nợ lãi và gốc.

Dữ liệu của Finn Group cho thấy, tính đến ngày 17/3/2023, đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94.430 tỷ đồng.

Trong số 69 doanh nghiệp có nợ xấu trái phiếu nói trên, có 25 doanh nghiệp khó có thể đáp ứng tiếp các nghĩa vụ nợ còn lại. Trong trường hợp cần thanh lý tài sản, tỷ lệ thu hồi nợ nhóm này ở mức dưới 30% nếu dựa theo giá trị sổ sách.

Danh sách doanh nghiệp mất khả năng trả lãi, gốc trái phiếu được Finn Group dự báo sẽ tiếp tục nối dài.

(còn tiếp)