Bài 3: Những người thua cuộc

Khi bỏ tiền mua trái phiếu doanh nghiệp, chắc hẳn không có nhà đầu tư nào mường tượng một ngày mình phải kêu cứu khắp nơi, đòi lại từng đồng trong phấp phỏng, lo âu kéo dài.

Cách nào lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu? (Bài 3)

Chán chường, lo lắng

Từ vài tháng nay, một nhóm 12 nhà đầu tư sở hữu trái phiếu Tân Thành Long An liên tục gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí. Nhà đầu tư phản ánh “TVSI bán Trái phiếu TTLA cho chúng tôi và có cam kết mua lại trong một thời gian nhất định (3/6/9/12 tháng). Đến nay tất cả các Hợp đồng mua trái phiếu của chúng tôi đã đến hạn mua lại song TVSI không thực hiện mua lại như đã cam kết. TVSI đưa ra lý do là TVSI đang bị Ngân hàng Nhà nước phong tỏa tài khoản của TVSI tại Ngân hàng SCB với số tiền 1.611 tỷ đồng”.

Nhà đầu tư đề nghị cơ quan chức năng xem xét khởi tố CTCP Tân Thành Long An, Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt và các cá nhân tổ chức liên quan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để nhà đầu tư tham gia với tư cách người bị hại. Trong trường hợp không có dấu hiệu hình sự đề nghị Bộ Công An cho gỡ ngăn chặn đối với CTCP đầu tư Tân Thành Long An để tổ chức phát hành có trách nhiệm với các nhà đầu tư về trái phiếu đã phát hành”.

Chị N.B.T, một nhà đầu tư trong nhóm trên mệt mỏi cho biết “Toàn bộ tích cóp của gia đình chị và tiền dưỡng già của bố mẹ bị mắc kẹt tại đây, mà tin tức thì bặt vô âm tín. Để có tiền lo cho bố chữa bệnh, có thời điểm chị phải vay lãi ngoài. Cuộc sống đầy áp lực và bế tắc”.

Tháng 9/2022, các cổ đông của Tân Thành Long An đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới, đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đã thể hiện tên nhóm nhà đầu tư mới, TVSI cũng cung cấp cho các trái chủ bản thông báo của Tân Thành Long An về việc chuyển chủ nhưng đến nay nhóm nhà đầu tư mới vẫn "biệt tăm”, không chịu đối thoại với nhà đầu tư.

Trái chủ của lô trái phiếu BNPCH2123001 trị giá 500 tỷ đồng do Công ty cổ phần Bất động sản BNP Global (tại địa chỉ 139 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận, TP. HCM) phát hành vào năm 2021, lại rơi vào cảnh oái ăm khác.

Đây là lô trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 3 năm, lãi suất trung bình 10 - 11%/năm, có tài sản đảm bảo là 58.727.926 cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank - SGB) được bảo đảm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Cuối năm 2022, BNP mất khả năng thanh toán. Ngày 27/12/2022, TVSI (với tư cách là đại diện người sở hữu trái phiếu) đã ra Nghị quyết của người sở hữu trái phiếu yêu cầu giải chấp tài sản đảm bảo là số cổ phần SGB nói trên để bán, lấy tiền trả cho trái chủ.

Sau nhiều lần thương lượng, đầu năm 2023, BNP đã thông qua đề nghị giải chấp và xóa đăng ký giao dịch bảo đảm đối với toàn bộ số cổ phần SGB đang được giữ tại SCB. Tuy nhiên, Ban Kiểm soát đặc biệt tại SCB lại có văn bản thông báo: Tổ chức phát hành phải tất toán, trả hết gốc, lãi gói trái phiếu thì họ mới giải chấp tài sản đảm bảo.

Trái chủ kêu cứu lên Ngân hàng Nhà nước thì Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước trả lời: “Nội dung mà trái chủ phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước thuộc trách nhiệm giải quyết của SCB, TVSI và các bên liên quan. Vì vậy, trái chủ cần làm việc với các đơn vị này, nếu không giải quyết được thì có thể khởi kiện ra tòa án”.

“Bóng được đá đi, chuyền lại”, không biết đến ngày nào trái chủ mới đòi được tiền. Chị T.H, một trái chủ đang có con học ở nước ngoài đang mất khả năng đóng học phí và tài trợ cho con tiếp tục học. Không khí gia đình nặng nề, còn con chị đang chuẩn bị về nước, chịu cảnh dở dang.

Cách nào lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu? (Bài 3)

Trả nợ tùy tâm, doanh nghiệp khất lần nghĩa vụ

Vẫn BNP phát hành thêm gói trái phiếu 2.100 tỷ đồng mã BNPCH2123002 kỳ hạn 20 tháng, đáo hạn tháng 6/2024. Kỳ trả lãi 3 tháng/lần và gần nhất vào tháng 4/2023, doanh nghiệp đã mất khả năng trả lãi chỉ thanh toán được 20%.

Công ty này đơn phương đưa ra các điều kiện để lấy ý kiến trái chủ như kéo dài 1 năm kỳ hạn trái phiếu, ngày đáo hạn mới được điều chỉnh thành ngày 4/6/2024, không tuyên bố sự kiện vi phạm đối với trái phiếu, không áp dụng tiền lãi phạt chậm trả của phần tiền lãi trái phiếu chưa được thanh toán. Chỉ trả 20% lãi mỗi kỳ, 80% dồn lại trả vào thời điểm đáo hạn mới. Nếu khách hàng không đồng ý với phương án trên có thể đổi sang bất động sản là Novaworld Phan Thiết.

Không đàm phán, không đối thoại với khách hàng mà đơn phương áp đặt các điều kiện mới như trên khiến trái chủ vô cùng bức xúc. Kết quả là, nhiều trái chủ bỏ phiếu không tán thành và phương án BNP đưa ra không được thông qua. Chưa rõ các bên sẽ tiếp tục "đấu nhau" ra sao nhưng nếu bị tuyên vỡ nợ trái phiếu, BNP có khả năng gặp không ít rắc rối trong quan hệ với các bên liên quan, các tổ chức tín dụng do quy định về “vi phạm chéo” (nếu doanh nghiệp bị tuyên vỡ nợ với chủ nợ này đồng nghĩa mất khả năng trả nợ với các chủ nợ khác).

Trả nợ tùy tâm cũng là tình cảnh mà các trái chủ của Hưng Thịnh Land đang phải nếm trải. Tháng 3/2023, Hưng Thịnh Land đáo hạn 2 lô trái phiếu và đã tổ chức hội nghị trái chủ để xin gia hạn thanh toán gốc, lãi 2 lô trái phiếu trên. Kỳ thanh toán tháng 3 với tỷ lệ trả gốc thấp nhất là 5% được thực hiện đúng cam kết, đến kỳ thanh toán tháng 4 với tỷ lệ chi trả 20%, doanh nghiệp lấy lý do khó khăn và chỉ trả 2%, xin khất sang cuối tháng 5.

Từ tháng 6 đến tháng 8/2023, Hưng Thịnh Land có nhiều gói trái phiếu khác đáo hạn. Với kiểu “bóc ngắn, cắn dài” của Công ty, nhiều trái chủ lo lắng, Công ty này sẽ viện cớ để thoái thác trách nhiệm của mình.

Trái chủ Công ty TNHH Nam Land cũng mất ăn mất ngủ nhiều tháng nay khi Công ty liên tục khất thời hạn trả lãi. 900 tỷ đồng trái phiếu đã chảy vào Dự án Shizen Home (quận 7. TP HCM) nhưng đến nay dự án chưa có giấy phép bán hàng vì vướng thủ tục pháp lý nguồn gốc đất nhà nước.

Trái phiếu phát hành riêng lẻ giới hạn dưới 100 nhà đầu tư nhưng có mặt tại các đại hội trái chủ gần đây mới thấy, hình thức này đã được biến tướng, phù phép tới rất đông người dân, trong đó có nhiều người khó có khả năng hiểu biết về kênh đầu tư vốn phức tạp và đòi hỏi trình độ cao về đánh giá, phân tích này. Rất nhiều mái đầu bạc phơ xuất hiện tại các hội nghị trái chủ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những hệ lụy xã hội đang nảy sinh.

Hai nhà đầu tư hơn 80 tuổi đã phát biểu tại Hội nghị trái chủ của Tập đoàn BB Group cho biết, họ không biết gì về sản phẩm đầu tư này, hoàn toàn bị dẫn dụ, mời chào bởi nhân viên ngân hàng SCB và CTCK TVSI. Mắc bệnh hiểm nghèo, không có tiền chạy chữa, họ không biết có sống được đến lúc đòi được tiền.

Hàng nghìn nhà đầu tư bất đắc dĩ đang khắc khoải dõi theo khoản tiền tích cóp cả đời, đáng thương khi họ ở độ tuổi “không thể làm lại”.

(Còn tiếp)