Vừa qua, Bộ Tài chính trình lên Thủ tướng Chính phủ báo cáo mới nhất về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021. Trong đó đã điểm tên 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm. Theo nội dung báo cáo, khối lượng trái phiếu phát hành của 20 doanh nghiệp này đạt trên 100.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng giá trị phát hành của cả nhóm bất động sản.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2021 đạt 639.766 tỷ đồng, tăng 38,8% so với 466.826 tỷ đồng năm 2020. Trong đó TPDN phát hành riêng lẻ đạt 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020, tổng khối lượng TPDN chào bán ra công chúng trong năm 2021 đạt 34.146 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020.

Cần có “Vaccine” đủ mạnh trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Đối với phát hành ra thị trường quốc tế, năm 2021 có 06 doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành là 1,74 tỷ USD. Trong đó có 04 doanh nghiệp bất động sản phát hành 1,15 tỷ USD, chiếm 66,1% tổng khối lượng phát hành, còn lại là doanh nghiệp thương mại dịch vụ và tổ chức tín dụng.

Những bất thường trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Đáng chú ý theo nội dung báo cáo của Bộ tài chính, trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành khi kết quả kinh doanh lỗ; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 lần và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ giá trị phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu. Một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn. Có doanh nghiệp phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng đối với một khách hàng hay một nhóm khách hàng.

Một số doanh nghiệp có thể điểm tên ra đây về tỷ lệ phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty TNHH Kinh danh bất động sản Mediterranena Revival Villas có vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng TPDN, gấp hơn 47 lần vốn chủ sở hữu; Công ty Cổ phần Osaka Garden phát hành 7.700 tỷ đồng TPDN, so với 270 tỷ đồng vốn chủ sở hữu thì con số này gấp tới 28,5 lần. Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Residence đều phát hành gấp 6 lần vốn chủ sở hữu. Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần...v.v.

Cần có “Vaccine” đủ mạnh trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Nếu tính chung 20 doanh nghiệp phát hành TPDN lớn nhất năm 2021 thì có tới 13/20 đại diện của nhóm này là các ngân hàng, trong đó dẫn đầu là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 22.200 tỷ đồng; Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam (BIDV) 18.847 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) 17.500 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) 17.100 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) 15.990 tỷ đồng; Ngân hàng Phương Đông và Ngân hàng An Bình 11.000 tỷ đồng…

Rủi ro cũng tiềm ẩn ở nhóm các tổ chức tín dụng nắm giữ lượng lớn TPDN như Techcombank với 76.583 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2021; TPBank 27.589 tỷ đồng, tăng 49% so với hồi đầu năm 2021, trong khi tổng lưu chuyển tiền thuần trong quý 1/2021 của ngân hàng này âm hơn 11.012 tỷ đồng; SHB 6.600 tỷ đồng, trong đó số dư đầu tư TPDN ngành bất động sản lên tới 4.100 tỷ đồng. Số dư đầu tư TPDN tại các ngân hàng trong quý 1 cũng tăng mạnh, như SeABank tăng 35%, đạt gần 6.200 tỷ đồng.

Điểm tên 20 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021

Top 10 của nhóm đứng đầu bao gồm CTCP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát 8.000 tỷ đồng; CTCP Osaka Garden 7.700 tỷ đồng; CT TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas 7.200 tỷ đồng; TCT Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) 6.000 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Golden Hill 5.760 tỷ đồng; CTCP đầu tư Tân Thành Long An (5.000 tỷ đồng); TCT CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) 4.700 tỷ; CTCP Hoàng Phú Vương 4.670 tỷ đồng.

Top 10 thuộc nhóm xếp sau gồm CT TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Minh Tân 4.050 tỷ đồng; CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân 4.000 tỷ đồng, CT TNHH Đầu tư Big Game 3.900 tỷ đồng; TCT CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC) 3.500 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn R&H 3.150 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Phát triển Residence 3.000 tỷ đồng; CTCP Vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang 2.736 tỷ đồng.

Theo thống kê, trong năm 2021 TPDN riêng lẻ có tài sản đảm bảo chiếm 49,7%. Đối với riêng nhóm bất động sản và xây dựng, số trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán chiếm 88,2% khối lượng phát hành. Tuy nhiên theo Bộ Tài chính đánh giá, tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp này chủ yếu là dự án, cổ phiếu, bất động sản hình thành trong tương lai, trong trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán nợ gốc và lãi vay của trái phiếu.

Những điều chỉnh cần thiết

Từ số liệu báo cáo và đánh giá của Bộ Tài chính về thị trường phát hành TPDN năm 2021 và đầu năm 2022 cho thấy, những yếu tố như biến động của thị trường (mang tính khách quan) và điều tiết tài chính từ chủ doanh nghiệp (mang tính chủ quan) tác động ngược trở lại quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoàn toàn có thể đẩy rủi ro vào tay các nhà đầu tư. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán năm vừa qua cũng chứng kiến hàng loạt các “bàn tay” thao túng thị trường. Vậy giải pháp nào trong thời gian tới giúp lành mạnh thị trường huy động vốn?

Một số nghịch lý xuất hiện thời gian vừa qua như đối với thị trường hút vốn khổng lồ là bất động sản (BĐS), chúng ta coi BĐS là hàng hóa nằm trong một thị trường trao đổi mua bán nhưng lại chưa kiểm soát được việc đầu cơ, dẫn đến sự xuất hiện những hành vi thao túng thị trường, giá trị lợi ích bị hút theo ý muốn của một nhóm người đủ tiềm lực kiểm soát thị trường; hay doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu nhưng không đủ công cụ pháp lý để bảo vệ cho nhà đầu tư. Trường hợp phát hành trái phiếu gấp vốn chủ sở hữu tới 7 lần; 28 lần, thậm chí tới 47 lần, giống như chúng ta mang ra thị trường những thứ “vô vọng” nhưng vẫn bán được và thu về vô số tiền thật.

Rồi đây ai sẽ chịu trách nhiệm với những thứ “vô vọng” khi nó hiện nguyên hình, nếu không phải là các nhà đầu tư?

Về bản chất, vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp là phần vốn do chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư góp vốn hoặc có thể được hình thành từ kết quả kinh doanh, đây được xem như một nguồn tài trợ thường xuyên cho doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản, các khoản nợ của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên trả trước, phần giá trị còn lại sẽ được chia đều cho các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp. Như vậy về thực chất, phần tài sản mà chủ doanh nghiệp đầu tư và thuộc quyền định đoạt của chủ doanh nghiệp là vốn chủ sở hữu. Muốn tìm ra phần vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp ta lấy chỉ tiêu Tổng tài sản trừ đi Nợ phải trả, phần còn lại chính là vốn chủ sở hữu.

Khi khoản vốn huy động thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sử dụng tài sản đảm bảo là cổ phiếu hoặc hồ sơ của dự án, chủ đầu tư hoàn toàn có thể dịch chuyển dòng vốn huy động được sang một mục tiêu đầu tư khác và bỏ lại rủi ro cho nhà đầu tư. Bởi giá cổ phiếu có thể giảm sút khi hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả; dự án cũng phụ thuộc vào dòng tiền thu về trong tương lai. Đây được coi là một hình thức “rửa tiền” nhờ vào công cụ điều tiết của tài chính, nếu chủ doanh nghiệp mong muốn.

Sử dụng đòn bẩy tài chính là điều cần thiết đối với bất kể doanh nghiệp nào, trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một tỷ lệ phù hợp bảo đảm an toàn giữa giá trị huy động và vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư, giúp minh bạch và thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định, lành mạnh.

Chúng ta vẫn đang phải chấp nhận tình trạng chuyển giá một phần của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; lỗ hổng thất thoát ngân sách từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được phát hiện quá muộn; chấp nhận rút kinh nghiệm từ một số “bàn tay” thao túng thị trường chứng khoán thời gian vừa qua; muộn nhưng vẫn phải sửa sai khi hàng loạt đất vàng bị thâu tóm; sự can thiệp thô bạo vào thị trường bất động sản khi giá trị bị đẩy lên hơn 2 tỷ đồng/m2; giờ đây là phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị gấp tới 47 lần vốn chủ sở hữu.

Một điều hiển nhiên là không thể mang vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp mỏng manh như chiếc đòn gánh bằng tre, để gánh 2 chiếc xe hơi ở 2 đầu đòn gánh, rồi bước đi trên hành trình phát triển của đất nước với mong muốn một tương lai tươi sáng của nền kinh tế sẽ mở ra trước mắt. Sự bất hợp lý đó cần sớm có điều tiết bằng các công cụ pháp lý, mang lại sự cân bằng và ổn định cho nền kinh tế nước nhà.