Những lần từ thiện chẳng thể nào quên

Nếu nghĩ rằng nghệ sĩ luôn khoác lên mình vẻ hào nhoáng thì chắc hẳn người nào gặp Quang Đạt cũng phải bất ngờ, anh mang trên mình phong thái bụi bặm, dạn dĩ của một người từng trải nhiều hơn. Sẽ thật thiếu sót nếu như nói về anh mà không kể về hơn 100 thước phim lớn, nhỏ khác nhau như: Đồng tiền xương máu, Cảnh sát hình sự, Người đàn bà không hóa đá, Cô gái đất đỏ… Nhưng anh lại bảo rằng, thấy ngại nếu như người viết kể về những tác phảm nghệ thuật của mình quá nhiều. "Nếu chỉ nói về điều đó thì mình cảm thấy như đang quảng cáo cho bản thân. Tôi muốn nói về những chuyến đi, về cuộc sống, về Mẹ Việt Nam anh hùng, hay trẻ em... nhiều hơn", nghệ sĩ Quang Đạt thẳng thắn.

Cuộc đời anh bước sang tuổi 61, cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho nền điện ảnh nước nhà nhưng điều mà người nghệ sĩ này đam mê nhất là từ thiện. Bảy lần hành trình xuyên Việt và vô vàn những lần chung tay cùng với nhà hảo tâm khắp cả nước giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn mới là điều khiến nghệ sĩ Quang Đạt tự hào.

Chuyến xuyên Việt đầu tiên của anh vào năm 2006, khi ấy Việt Nam đang đấu tranh để đòi lại sự khốc liệt của chất độc màu gia cam mà cuộc chiến chống đế quốc Mỹ để lại. Trong con người anh thôi thúc, phải làm điều gì đó có ý nghĩa, để tập hợp sức mạnh của dân tộc nói lên tiếng ai oán mà chiến tranh để lại. Từ đó, cuộc hành trình "Vì nạn nhân chất độc màu da cam" bắt đầu.

3350-6
Nghệ sĩ Quang Đạt bên "bạn đường" mang trên mình 869 chữ ký của nhiều nhà báo nổi tiếng của Việt Nam.

Chuyến đi đầu tiên của nghệ sĩ Quang Đạt đâu có dễ dàng, từ người thân cho tới bạn bè đều ngăn cản. Bởi trong tay anh chẳng có gì ngoài lòng quyết tâm, phương tiện xuyên Việt cũng chỉ là chiếc xe cà tàng mà có thể "bất đắc kỳ tử" lúc nào không hay. Thế mà, anh vẫn cứ đi. Càng đi anh lại được càng nhiều người ủng hộ, chung tay. Cuộc hành trình ấy, anh quyên góp được hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh.

Hai năm sau, nghệ sĩ Quang Đạt đau đáu với trẻ em - mầm non tương lai của đất nước và chuyến đi xuyên Việt với chủ đề "Vì tuổi thơ Việt Nam" được ra đời. Rồi tiếp đến là hành trình tuyên truyền người dân Việt Nam ý thức đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Kể về những chuyến đi đó, trong anh vẫn còn nguyên sự bồi hồi, xúc động như đang diễn ra trước mắt anh vậy. Điều khiến người nghệ sĩ này nhớ mãi là hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng trong chuyến hành trình kéo dài nhiều năm. Trong thâm tâm anh hiểu rằng "nào có ai muốn mình trở thành Mẹ Việt Nam anh hùng đâu? Bởi, có người mẹ nào lại muốn con mình ra đi mãi mãi" nhưng chiến tranh buộc những người con của mẹ phải lên đường chiến đấu giành lại độc lập tự do của Tổ quốc. Các con của Mẹ ngã xuống dưới lằn ranh của bom, đạn là điều đau xót nhưng cũng đáng tự hào.

Dẫu vậy, sự mất mát nào về mặt con người cũng là quá lớn mà giờ đây nghệ sĩ Quang Đạt như thấy mình phải có một phần nghĩa vụ, trách nhiệm để thực hiện việc mà các chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh còn dang dở. Đi từ Bắc và Nam, anh tìm đến Mẹ Việt Nam anh hùng động viên. Mỗi vùng miền mà nghệ sĩ Quang Đạt đi qua, hình ảnh bà mẹ lại được thể hiện rõ nét bởi những đồ vật đặc trưng. Chẳng hạn, người mẹ miền Bắc thì đội khăn xếp, người mẹ miền Trung đội nón cời, còn người mẹ miền Nam lại thắt khăn rằn ở cổ... anh trân trọng, cảm ơn những con người ấy đã cho anh có được cuộc sống như ngày hôm nay.

3438-aynh-chuyp-mayn-hiynh-2022-06-20-luyc-143800
Những người Mẹ Việt Nam anh hùng luôn khiến nghệ sĩ Quang Đạt cảm thấy như mình có một phần trách nhiệm, nghĩa vụ chăm sóc.

Trong lúc kể về những điều ấy, nghệ sĩ Quang Đạt để lộ ra một hình xăm chân dung Bác Hồ trên dỉnhd đầu. Anh mới vui vẻ khoe rằng: "Bác Hồ là hình ảnh đẹp nhất, là tấm gương sáng nhất cho mọi người noi theo. Vì vậy tôi xăm hình Bác lên trán để mỗi khi soi gương thấy Bác là nhắc nhở mình bất cứ việc gì cũng phải suy nghĩ chín chắn, đúng đắn rồi hãy làm”.

Nói về Bác, nghệ sĩ Quang Đạt lại nhớ tới hành trình "đưa Bác vào Nam". Anh kể rằng, khi còn sống, điều Bác mong muốn nước nhà được độc lập, thống nhất hai miền. Khi đó, bác sẽ vào miền Nam thăm nhân dân và những người bạn. Nhưng tuổi cao sức yếu nên Bác không đợi được đến ngày đó. "Vì vậy, mình muốn làm theo tâm nguyện của Bác. Tự mình đưa tượng của Bác từ Bắc vào Nam...", anh nói.

Hành trình này anh âm thầm làm nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn biết. Anh kể, khi đưa ảnh Bác tới sân bay, mặc dù đã được bảo quản rất kỹ trong thùng kín nhưng không hiểu sao các nhân viên ở sân bay đều biết bên trong đó là tượng Bác. Rồi đến đến tỉnh, thành nào người dân và chính quyền địa phương cũng đón chào. Điểm tới Nghệ An, người dân còn đứng dọc hai bên đường một hàng dài như vô tận, cùng anh đưa tượng Bác tới các địa điểm linh thiêng dâng hương, dâng hoa. Rồi khi tới Đồng Tháp, chính quyền địa phương còn tổ chức cả xe dẫn đoàn, cờ hoa đón Bác về thăm.

Nhìn thấy đời và người trong mỗi chuyến đi

Từ thiện dường như đã là sứ mệnh mà cuộc đời giao phó cho nghệ sĩ Quang Đạt. Anh không phô trương, anh nói về các chuyến đi ấy với sự hứng khởi như bản thân mình nhận lại được nhiều hơn mặc dù ai cũng biết rằng, chẳng dễ dàng gì với người tự phải bỏ công sức, tiền bạc để lan toả sự yêu thương. Từng chuyến đi với nghệ sĩ Quang Đạt đều đem tới cho anh vô vàn câu chuyện. Anh xúc động, rung rinh tâm hồn mình với điều đó. Mắt anh rớm lệ mà nói rằng: "Tôi yêu những con người mà tôi đã gặp, tôi biết ơn Mẹ Việt Nam anh hùng và tôi thương những đứa trẻ...".

3311-4
Những bằng khen cho mỗi cuộc hành trình là tài sản mà nghệ sĩ Quang Đạt luôn luôn trân quý, cất giữ như kho báu của đời mình.

Có lần anh đến Đắk Lắk, biết được một người chủ tiệm vàng nổi tiếng với những lần làm từ thiện số tiền lớn. Anh tìm đến xin 2 nải gạo. Số gạo này anh cũng chẳng xin cho riêng mình mà để anh đưa đến giúp người nghèo khó. Nhưng người chủ tiệm vàng này nói "phải về hỏi vợ". Khi ấy anh cười hiền... rồi đi.

Nhưng cũng có lần anh vào miền Trung - nơi chứng kiến sự khốc liệt nhất của chiến tranh, gặp nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng. Đa phần những người Mẹ ấy không có điều kiện, nhà cửa đơn sơ, đồ đạc thì cũ kỹ nhưng lại vô cùng hào phóng. Mẹ sẵn sàng lấy những bát gạo cuối cùng trong nhà đưa anh, Mẹ thì cầm tay anh, dúi cho anh vài ba tấm bánh...

Lần tới thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Bình, khi nghệ sĩ Quang Đạt hỏi thăm mẹ rằng: “Mẹ ơi con mẹ tên gì, mất năm bao nhiêu tuổi?”. Mẹ bảo: “Con mẹ tên Đạt, Nguyễn Văn Đạt”. Biết tên của anh trùng với tên con trai mình, bỗng dưng Mẹ ôm, siết chặt lấy anh rồi cấu xé tưởng như người con của mình trở về. Hai Mẹ - con cùng khóc! Khóc vì xúc động khi người Mẹ ấy gọi mình một tiếng “Con!” và khóc trước nỗi nhớ nhung khôn xiết, tình cảm thiêng liêng của những bà Mẹ Việt Nam anh hùng...

Từ thiện luôn là vấn đề nhạy cảm, biết trước được điều đó nên nghệ sĩ Quang Đạt luôn ý thức rằng, dù có như thế nào cũng phải công khai, minh bạch và thông qua chính quyền địa phương. Trong các chuyến đi của mình, anh hạn chế sự giúp đỡ quá nhiệt tình của những nhà hảo tâm. Anh chia sẻ: "Mình đi làm từ thiện mà nên mình sao dám ăn một bữa cơm ngon, ngủ ở nơi sang trọng. Bản thân mình không có điều kiện, rồi khi người khác có ngỏ ý giúp đỡ chỗ ăn, chỗ ngủ mình cũng không dám vì như thế phản cảm lắm".

3256-1
Những chuyến hành trình thiện nguyện từ Bắc vào Nam luôn đem đến cho nghệ sĩ Quang Đạt sự lắng đọng của cảm xúc và lòng yêu mến của người dân mỗi nơi anh đi qua.

Anh cứ đi, đến tối anh lại ở nhờ các chùa anh gặp dọc đường. Đôi khi cũng là ngủ ngoài đường. Đến bữa, anh chọn cho mình quán ăn bình dị với những món đơn sơ nhất có thể. Một lần, anh vào ăn cơm gọi ra đĩa cơm với thức ăn lèo tèo, một tài xế đi đường nhận ra anh, gọi cho anh một bát canh chua cá. Dù đã từ chối, nhưng người tài xế này vẫn cố mời anh bằng được.

Vừa ăn, nghệ sĩ Quang Đạt vừa khóc! Anh khóc vì lòng tốt của người lạ, dù mới gặp anh 1 lần mà đã mời ăn. Anh khóc vì những hoàn cảnh khó khăn ngoài kia đang phải chịu nhiều khổ cực, cay đắng, đôi khi là cơm chẳng đủ no chứ chưa nói gì đến việc ăn ngon mặc đẹp.

Mong muốn tuổi xế chiều

Gắn bó cả đời với điện ảnh nhưng điều mà nghệ sĩ Quang Đạt đau đáu nhất vẫn là những hoàn cảnh khó khăn ngoài xã hội. Với người nghệ sĩ, cảm xúc tâm hồn là điều không thể thiếu nhưng như thế vẫn là chưa đủ, với Quang Đạt cốt lõi trong tâm hồn anh vẫn là sự chân thành và lòng trắc ẩn. Anh đã 61 tuổi, phần lớn cuộc đời lang thang phiêu bạt, xa gia đình, xa người vợ thân yêu. Giờ đây anh muốn mình quãng đời còn lại được ở bên nửa kia của mình, bù đắp lại phần nào đó mà anh còn “nợ” chị. Mặc dù vậy, sứ mệnh từ thiện vẫn là phần việc mà anh phải làm.

Trước khi “về già”, anh muốn đấu giá chiếc xe Vespa cổ đạt kỷ lục Việt Nam với 869 chữ ký. Trong đó có rất nhiều chữ ký của các Tổng Biên tập các tờ báo lớn và cả chữ ký của cố giáo sư Trần Văn Khê. Chiếc xe Vespa này anh có được cũng do một người tặng. Khi đó, anh đi qua Ninh Bình, với tài nghệ vẽ tranh của mình, anh giúp một doanh nhân vẽ quảng cáo trên đường dài cả km. Họ muốn gửi anh chút kinh phí, anh không nhận. Thấy xe anh đi đã quá cũ, họ tặng anh chiếc xe Vespa này để anh thuận tiện hơn trong việc di chuyển.

Anh chia sẻ thật: “Tính theo giá thị trường, chiếc xe ấy chả có giá trị gì. Là xe cổ nên không được như xe mới, thường xuyên hỏng hóc và khó sửa chữa. Nhưng với mình đó là kỷ niệm, mỗi chữ ký trên chiếc xe ấy là chứng nhân của con người đã thấu hiểu việc làm của anh. Nhìn vào nó, mình có thêm động lực, nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống này và nó cũng là người bạn đường tin cẩn!”.

3428-aynh-chuyp-mayn-hiynh-2022-06-20-luyc-145159
Chiếc xe Vespa cổ mang trên mình nhiều bút tích của các nhà báo, luật sư... là bạn đường của nghệ sĩ Quang Đạt trên mỗi cuộc hành trình.

Anh nhớ lần ra Hà Nội, tới toà soạn báo Công an Nhân dân, anh được 2 lãnh đạo báo tiếp đón lồng hậu. Chẳng phải vì anh đã giúp đỡ được họ điều gì mà họ chỉ cảm phục việc làm của anh. Muốn được đón anh như một vị “sứ giả” thiện tâm rồi ký lên chiếc xe Vespa cổ đó để chứng tích cho cả 2 bên về nghĩa cử cao đẹp. “Mình luôn trân trọng sự đóng góp của mọi người. Bạn biết không, ví như trên chiếc xe này có rất nhiều chữ ký và nhiều người đã không còn trên cõi đời này. Khi hay tin họ qua đời, mình đánh một dấu chấm trên chữ ký của họ”, nghệ sĩ Quang Đạt chia sẻ.

Anh dự tính sẽ đưa chiếc xe này ra đấu giá dịp 27/7 – Ngày Thương binh Liệt sĩ. Toàn bộ số tiền thu được từ đấu giá sẽ được anh trích ra 50% giúp đỡ Mẹ Việt Nam anh hùng, phần còn lại anh dự tính sẽ hỗ trợ nghệ sĩ thông qua các Hội, nhóm và một phần nhỏ anh giữ lại để thực hiện ước mơ hoàn thành bảo tàng điện ảnh trong chính ngôi nhà của mình ở Bình Thuận.

3659-8
Nhà báo Đặng Xuân Dũng khi ký tên kỷ niệm trên chiếc xe Vespa cổ của nghệ sĩ Quang Đạt đang là Tổng Bên tập báo Công an TP.HCM.

Nghệ sĩ Quang Đạt - tên thật là Nguyễn Đức Đạt, sinh năm 1962, quê gốc ở Đà Nẵng, gia đình cư trú tại ngã ba 46, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận nhưng lại làm việc ở TP.HCM.

Nghệ sĩ Quang Đạt 7 lần đi xuyên Việt trong các chương trình như “Vì nạn nhân chất độc da cam” (năm 2006), “Vì trẻ thơ Việt Nam” (năm 2008), “Vì an toàn giao thông” (năm 2010), “Hành trình rước Bác vào Nam” (năm 2011); “Chiếc áo nghĩa tình về với Mẹ Việt Nam Anh hùng” (năm 2012)… Với chương trình này, anh đã vinh dự được xác lập kỷ lục Guiness là người đi xuyên Việt nhiều nhất Việt Nam bằng xe cổ.

Ngoài ra, Quang Đạt còn được xác lập thêm một kỷ lục nữa với bộ sưu tập 99. Bộ sưu tập này bao gồm một cây bút có 99 chữ ký của phóng viên, nhà báo; một chiếc áo có 99 chữ ký của các võ sư trong nước; một chiếc máy quay phim với 99 chữ ký của các nhà quay phim; 99 chiếc giày của 99 nghệ sĩ; 99 con dao của 64 tỉnh, thành… Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, Quang Đạt cũng là người lưu giữ nhiều kỷ vật điện ảnh nhất Việt Nam với 100 huân chương của các NSND, NSƯT trong nước; hơn 2.000 cuốn băng phim các thời đại; hơn 5.000 tờ báo điện ảnh các thời đại… cùng nhiều kỷ vật điện ảnh khác.