Mới đây, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức chấp thuận cho doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang thị trường này. Tròn 1 năm kể từ khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu, tổ yến cùng với các sản phẩm từ tổ yến của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân. Dự kiến vào ngày 16/11 tới, Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc sẽ được diễn ra tại Lạng Sơn.

Đây là thông tin tích cực đối với Việt Nam, bởi yến sào là sản vật có giá trị lớn, được Trung Quốc vô cùng ưa chuộng. Từ trước đến nay, sản phẩm yến sào Việt Nam chỉ được xuất khẩu sang thị trường này theo đường tiểu ngạch và du lịch với sản lượng không nhiều. Do đó, việc yến sào Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước gia tăng sản lượng và giá bán yến sào một cách bền vững, giống như những nông sản từng xuất khẩu chính ngạch trước đó như khoai lang, sầu riêng hay thanh long…

Chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, doanh nghiệp yến sào những năm qua làm ăn ra sao?
Từ trước đến nay, sản phẩm yến sào Việt Nam chỉ được xuất khẩu sang thị trường này theo đường tiểu ngạch và du lịch với sản lượng không nhiều. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp kinh doanh yến sào đã niêm yết làm ăn ra sao?

Thực tế cho thấy, ngành yến sào Việt Nam trong những năm qua đã phát triển khá mạnh mẽ. Trên cả nước ghi nhận khoảng 42/63 tỉnh thành nuôi chim yến. Tính đến cuối năm ngoái, số lượng nhà yến được ghi nhận là gần 24.000, so với năm 2017 đã cao gấp 3 lần.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp yến sào trong nước vẫn hoạt động khá manh mún, chất lượng sản phẩm cũng chưa được đồng đều. Trong ngành yến sào Việt Nam, doanh nghiệp đang ‘dẫn đầu’ thời điểm hiện tại chính là Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa. Doanh nghiệp này được quản lý bởi UBND Tỉnh Khánh Hòa.

Hiện nay, Yến sào Khánh Hòa cũng đã đưa một số công ty thành viên lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Điển hình là 2 doanh nghiệp chuyên về sản xuất và kinh doanh yến sào, đó là CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (mã chứng khoán: SKV) và CTCP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (mã chứng khoán: SKH). Trong số đó, SKV là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm yến sào với 2 thương hiệu quen thuộc là Sanest và Sanvinest; còn SKH chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Sanest.

Chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, doanh nghiệp yến sào những năm qua làm ăn ra sao?
SKV trong năm 2022 đã đạt kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu là 2.152 tỷ đồng

Công ty mẹ Yến sào Khánh Hòa đã giao cho SKV nhiệm vụ thực hiện xuất khẩu sản phẩm yến sào Sanest, Sanvinest sang thị trường Trung Quốc. Tính đến nay, doanh nghiệp này đã hoàn tất những khâu cuối cùng. Đáng chú ý, vào ngày 7/11, bà Trịnh Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị SKV đã tham dự buổi ra mắt sản phẩm Sanvinest Khánh Hòa tại Trung Quốc, động thái này đánh dấu bước đầu của doanh nghiệp trong hành trình chinh phục thị trường lớn nhất thế giới.

Trong thời gian qua, SKV đã nỗ lực chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp này đã tiến hành triển khai xây dựng chuỗi nhà yến đạt quy chuẩn và có chất lượng cao; đồng thời thực hiện chuỗi liên kết sản phẩm, xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc Yến sào, mục đích nhắm đến cho việc phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, SKV còn xây dựng nhà máy nước giải khát cao cấp yến sào Khánh Hòa ở Khu công nghiệp Sông Cầu, mục đích nâng cao năng suất sản phẩm. Theo dự kiến, giai đoạn 1 của nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng 11 năm nay.

Xét về hoạt động kinh doanh, 2 doanh nghiệp yến sào trên sàn chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng khá đều đặn trong những năm qua.

Chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, doanh nghiệp yến sào những năm qua làm ăn ra sao?
Trong năm 2022, lợi nhuận của SKH là 94 tỷ đồng, so với năm 2021 đã tăng trưởng 33%

Cụ thể, SKV trong năm 2022 đã đạt kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu là 2.152 tỷ đồng và gần 103 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, so với cùng kỳ năm trước đã tăng trưởng lần lượt ở mức 215 và 29%. Đến 9 tháng đầu năm nay, sức mua suy yếu đã kéo doanh thu công ty sụt giảm 10% so với cùng kỳ, xuống còn 1.520 tỷ đồng. Tuy nhiên, SKV vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022, đạt 81,2 tỷ đồng.

Trong năm 2022, lợi nhuận của SKH là 94 tỷ đồng, so với năm 2021 đã tăng trưởng 33%. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty yến sào này có kết quả kinh doanh khá tích cực với 1.426 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 15% và đạt 77,7 tỷ đồng.

Do đó, SKV và SKH được coi là những doanh nghiệp yến sào sở hữu quy mô lớn nhất cả nước nhờ ghi nhận doanh thu hàng năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tiềm năng ‘khủng’ từ sản phẩm yến sào

Xét trong ngành nông nghiệp, yến sào là mặt hàng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Hiện tại, sản lượng yến sào Việt Nam đạt khoảng 200 tấn/năm. Chỉ tính riêng việc bán sản phẩm thô đã có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Do đó, nếu đẩy mạnh quá trình chế biến sản phẩm đã tinh chế và dẫn xuất, giá trị mang lại có thể sẽ lớn hơn rất nhiều. Điều này càng thêm ý nghĩa khi yến sào Việt Nam luôn được khách hàng quốc tế đánh giá là sở hữu chất lượng hàng đầu.

Mới đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM tại Hội thảo khoa học “Công tác quản lý nuôi chim yến” đã lấy ví dụ rằng, nếu bán tổ yến thô thu về khoảng 1 tỷ đồng, nhưng nếu bán nước yến - cũng là sản phẩm yến - có thể thu về 15 tỷ đồng. Vị này cũng cho biết, cùng một chai đựng tổ yến thô bán trong cửa hàng Trung Quốc, giá bán yến của Indonesia là 270 USD, yến của Thái Lan là 470 USD, trong khi đó yến Việt Nam có giá 840 USD. Nếu xây dựng được thương hiệu, giá yến Việt Nam có thể sẽ tăng cao hơn nữa.

Chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, doanh nghiệp yến sào những năm qua làm ăn ra sao?
Xét trong ngành nông nghiệp, yến sào là mặt hàng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, bà Trịnh Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội đồng quản trị SKV cho rằng, việc thị trường Trung Quốc đón nhận là cơ hội vô cùng lớn đối với ngành yến sào Việt Nam. Đáng chú ý, Trung Quốc vốn là một thị trường tiềm năng, am hiểu nhiều về yến sào nên các doanh nghiệp cần đảm bảo giá trị cốt lõi, đó là việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo uy tín cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thời gian gần đây, ngành yến sào trong nước ngày càng nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ các cấp, ban ngành. Mới ngày 30/6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 595/CĐ-TTg đối với việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Công điện này cũng nêu rõ, Chính phủ kỳ vọng sẽ hoàn tất việc đánh giá, xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc trong năm 2023; đồng thời xúc tiến mở rộng xuất khẩu chính ngạch yến sào sang các thị trường khác trên thế giới.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030, trong đó nêu rõ, sản lượng tổ yến của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 350-400 tấn. Những con số này đã phần nào thể hiện quyết tâm của Chính phủ đối với nghề khai thác, nuôi, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm yến sào, đồng thời bảo tồn đàn chim yến - một mặt hàng nông sản được kỳ vọng sẽ mang về doanh thu tỷ USD khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn như Trung Quốc.

Ngành yến Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh kể từ năm 2010, sản lượng chiếm khoảng 3% sản lượng tổ yến trên toàn thế giới. Loài cho tổ chim yến đảo thiên nhiên có chất lượng cao hàng đầu chính là chim yến Hàng, phân bố dọc từ Quảng Bình đến Côn Đảo, Phú Quốc của Việt Nam. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa chính là địa phương tập trung số lượng quần thể chim yến Hàng phát triển ổn định và nhiều nhất cả nước, tổ yến cũng có đủ các chất dinh dưỡng với hàm lượng cao nhất. Do đó, yến sào Khánh Hòa được tấn phong là tổ yến vua, đồng thời là thương hiệu yến nổi tiếng của Việt Nam.