VHM đang dẫn dắt cổ phiếu BĐS

Phiên giao dịch ngày 22/3,VN-Index tăng 8,11 điểm (+0,79%), lên 1.040,54 điểm với 203 mã tăng và 170 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 458,8 triệu đơn vị, giá trị 8.647,7 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng nhẹ về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 76 triệu đơn vị, giá trị 1.584 tỷ đồng. Và cổ phiếu bất động sản (BĐS) tiếp tục có diễn biến tích cực, trong đó cổ phiếu VHM tăng 5% và đóng góp điểm số nhiều thứ 2 cho VN-Index, sau VCB (Vietcombank). Thanh khoản của VHM cũng khá tốt với gần 4,4 triệu đơn vị, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài tích cực gom vào khi mua ròng 1,6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu bất động sản đứng trước cơ hội lớn để bứt phá

Ngoài VHM, chiều tăng giá còn có sự góp mặt của những cổ phiếu BĐS xây dựng như VRE (Vincom Retail), NVL (Novaland), SSH (Sunshine Homes), THD (Thaiholdings), DIG (DIC Corp), CEO (C.E.O), PDR (Phát Đạt), BCG (Bamboo Capital)…

Trước đó, trong phiên 21/3, VN-Index đã tăng điểm trở lại sau 3 phiên giảm liên tục với điểm sáng là cổ phiếu VHM đóng vai trò nâng đỡ thị trường.

Mặc dù để mất mức tăng trần vào cuối phiên nhưng nhìn chung cổ phiếu VHM vẫn đi lên rất mạnh khi tăng 2.850 đồng/cp, tương đương 6,7% lên 45.400 đồng/cp, chỉ thấp hơn giá trần 100 đồng/cp. Không chỉ vậy, VHM cũng là cổ phiếu dẫn dắt các cổ phiếu BĐS khác cùng hồi phục mạnh như: DXG (Đất xanh), DIG, DRH (DRH Holdings), IDI (I.D.I), TIG (Đầu tư Thăng Long), GEX (Gelex), CEO (C.E.O), KDH (Khang Điền), VRE…

Tính chung, thị giá VHM đã tăng vọt 12%, kéo theo vốn hoá Vinhomes đạt 207.000 tỷ đồng, tăng hơn 22.000 tỷ đồng (gần 1 triệu USD) chỉ sau 2 phiên giao dịch. Còn nếu tính từ đầu tháng 3 đến nay, VHM đã tăng gần 18%, mức tăng khá tốt trong bối cảnh thị trường trong xu hướng đi ngang.

Có thế thấy, cổ phiếu VHM giao dịch rất tích cực sau những thông tin liên quan xoay quanh thương vụ M&A lớn trị giá hơn 1 tỷ USD.

Vinhomes hiện là công ty con của Tập đoàn Vingroup - doanh nghiệp BĐS lớn nhất Việt Nam với giá trị vốn hóa 8 tỷ USD. Năm 2022, công ty ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 62.392 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ gần đạt kế hoạch ở mức 28.628 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong năm 2022 đạt 6.575 đồng.

Kỳ vọng gì từ các thương vụ M&A?

Có thể thấy, đà tăng giá mạnh mẽ từ "đầu tầu" VHM đang hé mở về một đà tăng giá mới cho nhóm cổ phiếu BĐS. Trong đó, những thông tin M&A được đánh giá như ngòi nổ cho nhóm cổ phiếu BĐS nói chung và VHM nói riêng, sau cú hích từ Nghị định 08 liên quan đến vấn đề trái phiếu.

Phải thừa nhận một điều rằng, trên thị trường chứng khoán, M&A không còn quá xa lạ và thường xuyên thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư mỗi khi có tin tức. Không chỉ những doanh nghiệp kinh doanh khả quan mà ngay cả giá cổ phiếu của những doanh nghiệp hoạt động yếu kém cũng có thể bỗng chốc từ “vịt hoá thiên nga” nhờ kỳ vọng được "tái sinh" sau M&A.

Ông Peter Chi Lok Woo, Chủ tịch MAA Capital cho rằng, năm 2023, khi lạm phát và lãi suất gia tăng, suy thoái lan rộng khắp thế giới sẽ mang đến nhiều thách thức hơn. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội cho M&A, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS. Việc khan hiếm nguồn vốn cũng là tiền đề cho nhiều thương vụ M&A được xúc tiến hơn, thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có vốn mạnh và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Thực tế, trong 3 tháng đầu năm, mặc dù dòng tiền bị nghẽn nhưng thị trường BĐS Việt Nam vẫn chứng kiến nhiều thương vụ M&A âm thầm diễn ra.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 25% vốn điều lệ của Công ty TNHH Paragon Đại Phước. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, cơ cấu cổ đông của Paragon Đại Phước gồm Nam Long (75%), Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình (21,6%) và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp (3,4%). Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ gần 1.678 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng đã thông qua quyết định mua thêm 29,7 triệu cổ phần Bắc Cường, với tổng giá trị ước tính khoảng 297 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục mua thêm, Phát Đạt sở hữu 49,5 triệu cổ phần, chiếm 99% vốn điều lệ Bắc Cường, tức gần như có thể toàn quyền quyết định việc đầu tư phát triển và kinh doanh dự án trên khu đất vàng rộng 2.700 m2 ở TP Đà Nẵng.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, khối ngoại cũng đã rục rịch "xuống tiền" thời gian qua. Trong vòng hai tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính đã có gần 397 triệu USD vốn ngoại đổ vào ngành BĐS, đóng góp 12,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Với những con số này, BĐS vẫn là lĩnh vực thu hút FDI lớn thứ hai.

Một số ý kiến cho rằng, những thương vụ M&A được kỳ vọng sẽ tiếp tục trợ lực, “thổi luồng gió ấm” vào nhóm cổ phiếu BĐS khi nhóm này đang cần những chất xúc tác mạnh mẽ.

Dù vậy, theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, không thể dự báo chính xác thời điểm bùng nổ của các hoạt động M&A, bởi tiến trình đàm phán phụ thuộc phần lớn vào các động thái tháo gỡ pháp lý từ phía cơ quan chức năng.

Tương tự, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam đánh giá, dù giai đoạn khó khăn hiện nay là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư thâm nhập ngành và mở rộng danh mục đầu tư, nhưng chỉ khi các vấn đề về tín dụng, trái phiếu và thanh khoản được tháo gỡ, thị trường M&A mới có thể thực sự sôi động.

Như vậy, trong bối cảnh tín dụng chưa được “tháo van”, phát hành trái phiếu còn gặp khó, áp lực trả nợ lớn dần… kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp BĐS chính là M&A. Mặc dù việc này được đánh giá là động lực hồi phục cho thị trường BĐS, từ đó tác động tích cực lên giá cổ phiếu nhóm ngành này, song với các “nút thắt” vẫn còn đó, e rằng để nhóm cổ phiếu BĐS hồi phục trở lại như giai đoạn cuối năm 2021 có lẽ vẫn còn cần thời gian khá dài.