Công ty CP Sông Đà 1.01 sẽ làm gì với "tàn tích bết bát" trong quá khứ?

"Thay máu"

Cái tên Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (mã cổ phiếu: SJC) bất ngờ gây chú ý với dư luận khi nam ca sĩ Khánh Phương (tên thật Phạm Khánh Phương) từng mua lượng lớn cổ phiếu, hiện lãi hàng chục tỷ đồng. Ông Phương chia sẻ với báo giới rằng mục đích không phải đầu tư lướt sóng mà để thâu tóm quyền quản trị doanh nghiệp.

Hiện tại, nam ca sĩ Khánh Phương đang là thành viên HĐQT của Công ty Sông Đà 1.01. Trước đó, vào năm 2022, nam ca sĩ trở thành cổ đông lớn của Công ty Sông Đà 1.01 sau khi mua vào gần 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 45,51%. Sau khi trở thành cổ đông lớn, ca sĩ Khánh Phương tiếp tục có nhiều giao dịch mua/bán. Đến ngày 25/11/2022, ông Phương đã bán 1.631.622 cổ phần SJC, giảm sở hữu xuống còn 1.603.396 cổ phần, chiếm tỷ lệ 23,12% trên tổng số 7,2 triệu cổ phần lưu hành.

Đáng chú ý, cùng ngày 25/11/2022, bà Vũ Thị Thuý đã mua vào 1.631.622 cổ phần SJC – đúng bằng khối lượng mà ông Phương bán ra, trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ 23,53% vốn điều lệ.

Với tỷ lệ vốn điều lệ như vậy, ông Phạm Khánh Phương và bà Vũ Thị Thuý đã trở thành cổ đông lớn.

Vào ngày cuối cùng của năm 2022, Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (mã SJC) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường với nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là việc tái cấu trúc toàn bộ HĐQT.

Tại Đại hội, cổ đông SJC đã thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ 3 thành viên HĐQT gồm ông Phạm Thanh Phong (Chủ tịch HĐQT), ông Tạ Văn Trung (kiêm Giám đốc) và ông Nguyễn Bình Đông (kiêm Phó Giám đốc).

Bên cạnh đó, số thành viên HĐQT của SJC nhiệm kỳ 2022 - 2027 cũng được tăng từ 3 lên 5 thành viên. HĐQT mới của SJC gồm bà Vũ Thị Thúy (sinh năm 1983, thường trú tại Hà Nội), ông Phạm Khánh Phương (sinh năm 1981, TP.HCM), ông Trịnh Văn Tôn (sinh năm 1984, Thái Bình), ông Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1982, Hà Nội) và ông Tạ Văn Trung (sinh năm 1956, Hà Nội). Sau cuộc họp, HĐQT mới đã bầu bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật SJC, đồng thời là người thực hiện công bố thông tin.

Đáng chú ý, tại thời điểm diễn ra Đại hội đồng đông, có 3/5 thành viên HĐQT mới của Sông Đà 1.01 lại đang nắm giữ những vị trí chủ chốt tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam. Cụ thể, bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam, ông Trịnh Văn Tôn - Phó Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam, ông Nguyễn Văn Đức – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Nhật Khang, thành viên Ban chiến lược Bất động sản Nhật Nam.

Về Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01, đây là một đơn vị trực thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Sông Đà 1 - Tổng công ty Sông Đà, được thành lập theo luật doanh nghiệp trên cơ sở Xí nghiệp Sông đà 1.01 thuộc Công ty Xây dựng Sông Đà 1 mà tiền thân là Đội xây dựng số 1. Công ty niêm yết trên sàn HNX từ năm 2007. Doanh nghiệp này sở hữu nhiều dự án chung cư như EcoGreen số 1 Giáp Nhị, cao ốc Hanoi Landmark 51...

Nhóm cổ đông mới sẽ làm gì với doanh nghiệp trượt dài trong "kịch bản lỗ"?

Liệu nhóm cổ đông mới có đủ sức khôi phục Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 sau thời gian làm ăn “bết bát” hay không là câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh “đổi chủ” đầy nhanh chóng của doanh nghiệp này, bởi thực tế, để vực dậy một doanh nghiệp trượt dài trong "kịch bản lỗ" là điều không hề dễ dàng.

Muốn làm được điều đó, yếu tố đầu tiên chính là đội ngũ lãnh đạo. Nhìn vào thực lực nhóm cổ đông mới, 2 thành viên đáng chú ý trong HĐQT mới đang được dư luận quan tâm là nam ca sĩ Khánh Phương và bà Vũ Thị Thuý.

Về nam ca sĩ Khánh Phương, ông thừa nhận chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản cũng như quản trị doanh nghiệp. Nam ca sĩ mới chỉ đầu tư nhỏ lẻ chung cư và đất nền. Theo nam ca sĩ từng chia sẻ trên truyền thông, đó chỉ là trải nghiệm cho vui. Hiện ông đang “như học sinh” phải học lại kiến thức liên quan đến dự án, quản trị.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Thuý được biết đến là Chủ tịch của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Bất động sản Nhật Nam). Thế nhưng mới đây, thông tin từ Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 cho biết, bà Vũ Thị Thuý - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất Động sản Nhật Nam - đã bán 1.631.600 cổ phiếu SJC để giảm tỷ lệ cổ phiếu đang nắm giữ tại SJC từ 23,5% về còn 0%, qua đó không còn là cổ đông lớn tại Sông Đà 1.01 từ ngày 31/3.

Về Công ty Nhật Nam được thành lập tháng 07/2019, hiện có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm bà Vũ Thị Thúy, ông Vũ Đức Tại, ông Mai Thanh Tùng. Trước đó, ca sĩ Khánh Phương cũng từng xuất hiện bên cạnh bà Thúy tại buổi lễ kỷ niệm 2 năm thành lập Nhật Nam Group. Như vậy, nhóm cổ đông mới đều có mối liên quan đến Công ty Nhật Nam.

Nhưng, tên “Công ty Nhật Nam”, lại gắn liền với lùm xùm liên quan đến hoạt động huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh”, mở nhiều chi nhánh tại các tỉnh thành để lôi kéo nhà đầu tư với mức trả lợi nhuận lên đến 60 - 84%/năm kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản. Cách thức hoạt động tương tự mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau” hay còn là hình thức đa cấp bất động sản. Trước đó, Bộ Công an và công an tỉnh Lào Cai đã có thông báo rộng rãi cảnh báo về hoạt động huy động vốn rủi ro của Công ty Bất động sản Nhật Nam.

Thứ hai, không thể phủ nhận "quỹ đất vàng" mà Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 đang sở hữu nhưng nhìn vào nội tại kinh doanh những năm qua, doanh nghiệp này như đang tụt xuống “hố sâu” của sản xuất kinh doanh.

Kể từ năm 2005 đến năm 2019, dù sở hữu quỹ đất lớn nhưng doanh thu thuần thu về không có sự khả quan, chỉ tăng trưởng đột biến trong giai đoạn 2007 - 2013. Đến năm 2014, doanh thu thuần thu về tụt mạnh, giảm tới 10 lần. Lợi nhuận sau thuế của Công ty Sông Đà năm 2016 âm tới hơn 3,6 tỷ đồng. Đến năm 2018, lỗ luỹ kế lên tới 1,7 tỷ đồng.

Từ năm 2019 đến năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh của SJC cũng không có nhiều khả quan. Chỉ riêng trong năm 2021, SJC ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới hơn 240 tỷ đồng. Đến quý IV/2022, Công ty Sông Đà ghi nhận khoản lỗ luỹ kế lên tới 5,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến quý IV/2022 chỉ ở mức hơn 94 tỷ đồng.

sông đà 1.01Là doanh nghiệp nhà nước, sở hữu quỹ đất vàng, nhưng ngay cả khi thời điểm thị trường sôi động giai đoạn 2014 - 2020 – một giai đoạn ví như “chỉ cần đầu tư bất động sản là thắng” thì Công ty CP Sông Đà 1.01 vẫn làm ăn thua lỗ.

Đáng chú ý, giữa năm 2021, mã cổ phiếu SJC của Công ty Cp Sông Đà 1.01 còn bị hủy niêm yết do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp từ 2018 - 2020 và buộc phải xuống sàn UpCOM. Sau đó, SJC còn đang nằm trong diện hạn chế giao dịch trên UpCOM và chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần. Nguyên nhân do chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với quy định chung đối với báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán và không có biện pháp khắc phục.

Rõ ràng với mức lãi “cỏn con” trong khi có giai đoạn lỗ liên tục, dù sở hữu nhiều "quỹ đất vàng" đắc địa là dấu hỏi đáng lo ngại về năng lực tài chính, năng lực quản trị và hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp này.

Đến nay, dù doanh nghiệp thay đổi đội ngũ lãnh đạo nhưng với lịch sử hoạt động kinh doanh bất động sản có tính đa cấp và bị cơ quan chức năng cảnh báo, đồng thời chưa có dự án nào tạo ấn tượng cho thị trường thì có lẽ chiến lược vực dậy Công ty Cp Sông Đà 1.01 dựa vào các dự án có lẽ rất mong manh.

Chưa kể, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, các dự án đang vào diện thanh tra và rà soát, việc đẩy nhanh tiến độ pháp lý, đi vào xây dựng, triển khai là bài toán đầy thách thức. Đó còn chưa kể, chủ trương thu hồi lại các dự án chậm tiến độ cũng sẽ là trở ngại lớn cho bộ máy lãnh đạo tại đây.

Năm 2022, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) có thông báo cảnh báo về sai phạm Công ty Nhật Nam. Theo đó, Công ty Nhật Nam, trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM; Người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (sinh ngày: 14/02/1983, HKTT: Khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), cổ đông góp vốn gồm: Vũ Thị Thúy, Mai Thanh Tùng (sinh năm: 1987, chồng Vũ Thị Thúy), Vũ Đức Tại (sinh năm: 1985) có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Tại Công văn số 518/ĐK ngày 4/8/2022, UBND tỉnh Hoà Bình cảnh báo, công ty này thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 - 7%/ tháng tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản).

Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thúy (Giám đốc) để chuyển tiền, hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp Công an tỉnh tổ chức rà soát các chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty Nhật Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; rà soát các cá nhân: Vũ Thị Thúy (Giám đốc), cổ đông góp vốn: Mai Thanh Tùng, Vũ Đức Tại có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 18/8/2022, Công an huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã có Thông báo số 1569/TB-CAH gửi nhiều cơ quan, doanh nghiệp địa phương với nội dung cảnh báo về hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam với những nội dung tương tự.