Yêu cầu các trường đại học không tăng học phí năm học 2021-2022

Cập nhật: 14:30 | 20/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Bộ GD&ĐT vừa gửi công văn đề nghị các bộ ngành, địa phương, cơ sở GD&ĐT chỉ đạo các trường phải giữ nguyên học phí năm học tới như năm nay.

Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

4 chính sách tiền lương mới sắp có hiệu lực cần biết

Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên thay đổi ngày thi vào lớp 10

Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ (GD&ĐT), hiện nay, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến hết năm học 2020 – 2021 (Nghị định số 86).

Tại Nghị định số 86 đã quy định rõ khung, mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (Khoản 1 Điều 5) và cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (khoản 2 Điều 5), mức tăng học phí bình quân 10%/năm.

2845-hocphi
Bộ GD&ĐT lên tiếng việc các trường đại học tăng học phí năm học 2021 – 2022 (Ảnh minh họa)

Các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện đổi mới thí điểm cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP thì thực hiện theo Đề án thí điểm cơ chế hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho từng cơ sở giáo dục đại học.

Về mức thu học phí của các cơ sở giáo dục ngoài dân lập, tư thục: Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, không quy định khung, mức trần học phí.

Tất cả cơ sở giáo dục phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác cho cả lộ trình, khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục quy .

Trước việc nhiều học sinh bày tỏ lo lắng không thể theo học một số trường như dự định vì mức học phí vượt quá khả năng tài chính của gia đình, Bộ GD&ĐT cho hay: Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.

Bộ GD&ĐT đã có nhiều công văn, trong đó có công văn số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16.4.2021 chỉ đạo các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 và tăng cường trách nhiệm giải trình trước người học về các mức thu.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi, lộ trình tăng học phí, xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý học phí theo Nghị định 127/2018/NĐ-CP.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, hiện nay, Bộ GD&ĐT đã phối hợp các bộ ngành, lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, các cơ sở GD&ĐT trên cả nước để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 (sẽ hết hiệu lực khi năm học 2020-2021 kết thúc).

Dự thảo Nghị định quy định đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng, thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần nhà nước quy định; các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2-2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.

Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên, đạt kiểm định chất lượng thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội. Đồng thời, cơ sở này phải thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Linh Linh