Thị trường chứng khoán trong nước có tuần giao dịch khá thận trọng do đây là tuần đáo hạn phái sinh, các quỹ ETF thực hiện đảo danh mục, bên cạnh đó thông tin lạm phát của Mỹ trong tháng 8 cao hơn dự kiến… cũng tác động tới tâm lý chung của nhà đầu tư. Mặc dù VN-Index giảm nhẹ trong phiên 14/9, tuy nhiên áp lực bán gia tăng trong phiên đảo danh mục ETF cuối tuần đã khiến cho chỉ số có tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp, xuống mốc 1.234,03 điểm, (tương đương mức giảm 1,18%). Trong khi đó, chỉ số HNX-Index chốt tuần tại mốc 272,88 điểm, tương ứng mức giảm tới 4,13%. Không nằm ngoài xu hướng chung, Upcom-Index dừng tại mốc 89,46 điểm, giảm 1,3% so với tuần trước.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 75.057 tỷ đồng, tương ứng 15.000 tỷ đồng/phiên, giảm 15,5% so với tuần trước. Khối lượng giao dịch tại sàn HOSE giảm 19,4% và giá trị giao dịch giảm 15,4%, tại HNX khối lượng giao dịch giảm 15,1% và giá trị giao dịch giảm 7,8%, sàn Upcom cả khối lương giao dịch và giá trị giao dịch cùng giảm mạnh lần lượt 50% và 29,3%.

Với mức giảm điểm trên cả hai sàn trong tuần qua thì toàn bộ các nhóm ngành đều có mức sụt giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất 2,1% giá trị vốn hóa với các mã tiêu biểu như HPG giảm 3,36%, HSG giảm 4,18%, NKG giảm 3,48%... Trong đó, HPG và HSG trong kì review ETF phiên cuối tuần đã bị bán ra lần lượt 7,8 và 5,6 triệu cổ phiếu.

Tương tự, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng cũng có mức giảm 1,7% giá trị vốn hóa với các mã tiêu biểu như TCB giảm 4,4%, SHB giảm 4,2%, VPB giảm 4,1%, BID giảm 4,1%, ACB giảm 3,5%, CTG giảm 2,4%,...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức giảm 1,2%, nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thế giới tuần qua vẫn tiếp tục sụt giảm, với các mã giảm tiêu biểu như BSR giảm 2,7%, OIL giảm 1,9%, PLX giảm 2,6%...

Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin cũng mất 1,4% giá trị vốn hóa, chủ yếu là do ảnh hưởng của cổ phiếu FPT với mức giảm 2,1%...

Ngoài diễn biến tiêu cực về điểm số, khối ngoại tuần qua cũng bán ròng trên cả hai sàn với giá trị bán ròng đạt 901,19 tỷ đồng. Xét theo khối lượng, STB là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 15,5 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là FUEVFVND với gần 7,9 triệu cổ phiếu và VND với 7,6 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, PVD là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với khối lượng 12,0 triệu cổ phiếu.

Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi Quí III/2022 gần kết thúc, các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP... cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện để xem xét gia tăng thêm tỉ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Theo nhận định từ các công ty chứng khoán, thị trường hiện vẫn có xu hướng điều chỉnh giảm khi phiên cuối tuần (16/9) mất đến gần 12 điểm với thanh khoản lớn. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 18/19 ngành giảm điểm. Hiện tại, chỉ số đã giảm xuống ngưỡng hỗ trợ quanh vùng 1.230 điểm. Trong những phiên tới, chỉ số có thể sẽ giằng co tại vùng này, hoặc có thể sẽ tiếp tục lùi xuống vùng 1.220 điểm.

Trên thị trường thế giới, chứng khoán Mỹ có tuần giảm mạnh nhất trong ba tháng qua. Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần (16/9), Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 139,4 điểm, tương đương mức giảm 0,45%, và đóng cửa ở 30.822 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,72% xuống còn 3.873 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,9% còn 11.448 điểm. Tính chung cả tuần qua, Dow Jones và Nasdaq Composite mất lần lượt 4,1% và 5,5%. S&P 500 cũng mất gần 4,8%. Theo CNBC, đây là tuần giảm sâu nhất của S&P và Nasdaq kể từ tháng 6.

Cổ phiếu hãng giao vận FedEx “lao dốc” tới 21,4% trong phiên 16/9, đánh dấu mức giảm sâu nhất trong lịch sử cổ phiếu này sau khi ban lãnh đạo hủy bỏ mục tiêu kinh doanh cả năm và thông báo sẽ áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí để đối phó với nhu cầu trên toàn thế giới suy giảm.

Tại châu Á, hầu hết các thị trường giảm điểm phiên cuối tuần do các nhà đầu tư lo ngại về lạm phát toàn cầu không ngừng tăng cao và khả năng các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu tiếp tục tăng lãi suất.

Cụ thể, kết phiên cuối tuần 16/9, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 308,26 điểm (tương đương mức giảm 1,11%), xuống 27.567,65 điểm.

Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,79%, tương đương 19,05 điểm, xuống 2.382,78 điểm, qua đó nối dài chuỗi giảm điểm sang phiên thứ ba liên tiếp.

Không nằm ngoài xu hướng, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đỏ lửa, do mối quan ngại lạm phát dai dẳng và xu hướng tăng lãi suất. Chốt phiến, chỉ số Hang Seng giảm 168,69 điểm (0,89%), xuống 18.761,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite mất 73,52 điểm (2,3%), xuống 3.126,40 điểm.

Các thị trường khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Đài Bắc, Mumbai và Sydney cũng đồng loạt điểm, khi giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước cuộc họp của Fed.