Giá vàng hôm nay 17/4/2024: Vàng “tuột dốc không phanh” sau tín hiệu bình ổn từ Nhà điều hành

Cập nhật: 02:31 | 17/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Giá vàng miếng SJC giảm mạnh không chỉ đến từ việc các nhà đầu tư có xu hướng chốt lời, mà nguyên nhân chính đến từ việc thị trường trong nước vừa nhận thêm tín hiệu bình ổn từ phía Nhà điều hành.

Giá vàng trong nước

Theo ghi nhận tại thị trường trong nước, giá vàng giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 16/4, trong bối cảnh thị trường có thêm tín hiệu mới.

Theo giới chuyên gia, giá vàng miếng SJC giảm mạnh không chỉ đến từ việc các nhà đầu tư có xu hướng chốt lời khi giá đang giao dịch ở ngưỡng cao kỷ lục, mà nguyên nhân chính đến từ việc thị trường trong nước vừa nhận thêm tín hiệu bình ổn từ phía Nhà điều hành.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước vừa thông tin cho biết sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng ngay trong tuần này (15 - 19/4) tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối với mục đích nhằm tăng nguồn cung vàng cho thị trường.

Giá vàng hôm nay 17/4/2024: Vàng “tuột dốc không phanh” sau tín hiệu bình ổn từ Nhà điều hành
Hình minh họa.

Được biết, lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước có động thái tương tự đã cách đây hơn 10 năm (từ năm 2013), động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh mức chênh giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn quá nhiều so với giá vàng thế giới quy đổi.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu nguồn cung vàng được cải thiện, giá vàng miếng SJC gần như chắc chắn sẽ hạ nhiệt, thậm chí sẽ giảm mạnh.

Việc cung ứng vàng ra thị trường kỳ vọng sẽ đạt được 2 mục tiêu, vừa giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC vừa hạ nhiệt tỷ giá. Việc bán vàng hút tiền VND về cũng được xem là một biện pháp thắt chặt tiền tệ, giúp thanh khoản bớt dư thừa, qua đó giúp tỷ giá USD/VND bớt căng. Giá vàng trong nước cũng sẽ giảm mạnh hơn do nguồn cung vàng được cải thiện, theo đó thu hẹp khoảng cách so với giá vàng thế giới.

Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tăng cường thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp vàng và ngân hàng ngay trong tháng 4.

Mặc dù vậy, vẫn chưa thể khẳng định giá vàng miếng SJC có thể về ngưỡng 73 triệu đồng/lượng ngang bằng với giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước vẫn có thể sẽ tăng nếu giá vàng thế giới tăng và ngược lại. Nguyên nhân do giá vàng thế giới ảnh hưởng khoảng tới 80% đến giá vàng trong nước. Ngoài ra, các yếu tố còn lại có ảnh hưởng đến giá vàng trong nước như chính sách, đặc thù thị trường, tâm lý thị trường...

Theo dữ liệu thực tế, vào năm 2013, sau những động thái quyết liệt từ Chính phủ, giá vàng đã giảm từ mức 43 triệu đồng/lượng có lúc về 36 triệu đồng/lượng, tương đương giảm khoảng 23%.

Chốt phiên giao dịch ngày 16/4, giá vàng miếng SJC đồng loạt giảm tại các cửa hàng kinh doanh trong nước, trong đó Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) có mức giảm lớn nhất, ghi nhận giảm 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước đó, niêm yết ở mức 81,7 - 83,72 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trong khi đó, giá vàng nhẫn, giá vàng trang sức gần như không bị ảnh hưởng sau tín hiệu của Nhà điều hành, tuy vậy cũng biến động nhẹ nhàng hơn, không còn biến động mạnh như các phiên trước đó, theo đó giá vàng nhẫn vẫn neo ở vùng giá cao kỷ lục.

Chốt phiên 16/4, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ở mức 75,33 - 77,03 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng trang sức 9999 thương hiệu Vàng rồng Thăng Long giao dịch tại 74,30 - 76,50 triệu đồng/lượng.

Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 16/4:

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 81,70 - 83,72 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 81,70 - 83,80 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết ở mức 81,70 - 83,70 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 81,50 - 83,50 triệu đồng/lượng.

Bảo tín Minh Châu niêm yết ở mức 81,60 - 83,45 triệu đồng/lượng.

Giá vàng quốc tế

Trên thị trường quốc tế, kim loại quý biến động lên xuống trái chiều trong phiên 16/4. Theo ghi nhận tại thời điểm 21h00 ngày 16/4 (theo giờ Hà Nội), giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 2.368,10 - 2.369,10 USD/ounce, giảm 12,30 USD so với phiên giao dịch liền trước.

Quy đổi theo tỷ giá hiện tại, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện tại là gần 12 triệu đồng/lượng, thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ đỉnh điểm có mức chênh lên tới 18-20 triệu đồng/lượng, ghi nhận hồi cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Diễn biến biến động trái chiều của giá vàng thế giới trong phiên chiều 16/4 trong bối cảnh lo ngại căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư tận dụng giá neo gần mức kỷ lục những phiên gần đây để chốt lời. Vàng tiếp tục nhận được hỗ trợ từ các diễn biến mới nhất ở Trung Đông, nhưng nó thậm chí còn tăng trước đó nhờ hoạt động mua hàng của ngân hàng trung ương và kỳ vọng lạm phát gia tăng.

Dữ liệu từ Mỹ đã làm dấy lên câu hỏi về triển vọng hạ lãi suất, với thị trường hiện đặt cược vào ít hơn hai lần giảm 25 điểm vào cuối năm, so với 3 lần giảm cách đây một tháng, theo Reuters.

Citi dự kiến giá vàng sẽ giao dịch ở mức 3.000 USD/ounce trong 6 - 18 tháng tới.

Vàng trong nước thường biến động theo xu hướng giá vàng thế giới, theo đó giá vàng có thể giảm nhẹ vào phiên giao dịch sáng 17/4.

Giá vàng hôm nay 14/4/2024: Đột ngột đảo chiều lao dốc, chuyên gia dự báo bất ngờ

Giá vàng bất ngờ đảo chiều lao dốc trong phiên giao dịch ngày cuối tuần. Mặc dù vậy, giá vàng vẫn nhận được dự báo ...

Giá vàng chiều nay 16/4/2024: Vàng nhẫn tiếp tục đi lên, vàng miếng SJC lao dốc sau tin đấu thầu vàng miếng trở lại

Trong khi giá vàng miếng SJC đồng loạt giảm mạnh sau động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức đấu ...

Vân Anh