Nhiều cuộc thương thảo diễn ra

Kasikornbank, SCB X PCL (Thái Lan) và Ngân hàng KB Kookmin (Hàn Quốc) đều là các ngân hàng lớn đang đàm phán mua lại Home Credit Việt Nam, theo thông tin từ hãng tin quốc tế Bloomberg. Giá trị thương vụ này được tiết lộ lên tới khoảng 700 triệu USD.

Đại diện Home Credit Việt Nam cho biết, vẫn chưa có thông tin cụ thể về các cuộc đàm phán nên không thể công bố trong thời gian này. Theo Home Credit Việt Nam, công ty gia nhập thị trường Việt từ năm 2008, hiện đang có khoảng 6.000 nhân viên và phục vụ cho khoảng 15 triệu khách hàng trên toàn quốc. Những sản phẩm tiêu dùng nổi bật là cho vay trả góp tiêu dùng (xe máy, ôtô, đồ gia dụng, điện tử, nội thất…), cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng.

M&A công ty tài chính bất ngờ sôi động giữa tâm bão
Một số ngân hàng lớn đang đàm phán mua lại Home Credit Việt Nam

Mới đây, SeABank thông báo bán 100% vốn Công ty tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service - Thành viên của Tập AEON (Nhật Bản) với giá 4.300 tỷ đồng.

Trong vài năm gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng đã thu hút thêm nhiều sự tham gia của những nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc. Đơn cử như thương vụ M&A của SMBC, thành công mua lại 49% vốn của FE Credit với giá 1,4 tỷ USD; Credit Saison mua lại 50% của HD Saison; Shinhan Card mua lại công ty tài chính Prudetial Việt Nam, Lotte Card và Techcom Finance, Shinshei và Mcredit…

Hiện tại, Việt Nam đang có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động. Có 3 đơn vị cho vay trong đó có những phân khúc khách hàng riêng, chẳng hạn như FE Credit mạnh về khoản cho vay tiền mặt, Home Credit mạnh về cho vay trả góp tại các điểm bán lẻ hàng hóa dịch vụ, HDSaison khai thác hệ sinh thái của tập đoàn Sovico.

M&A công ty tài chính bất ngờ sôi động giữa tâm bão
3 đơn vị cho vay có những phân khúc khách hàng riêng

Tuy nhiên, thị trường cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính gần đây đang bị thu hẹp, vì kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng siết chặt chi tiêu. Tổng dư nợ cho vay của 16 công ty tài chính tính đến hết tháng 8/2023 đạt 135.000 tỷ đồng, giảm 30% so với hồi cuối năm 2022, theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Trong khi đó, tổng thị trường cho vay phục vụ đời sống tăng nhẹ khoảng 3%, đạt gần 2,67 triệu đồng, chứng minh được thị trường này còn rất tiềm năng.

Cạnh tranh cho vay tiêu dùng

Theo giới quan sát, thị trường tài chính tiêu dùng không còn sôi động vì tình hình kinh tế đang khó khăn, song tiềm năng của thị trường còn rất lớn.

Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - Bà Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng, dư nợ cho vay tiêu dùng đang ở mức 2,8 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ ổn định ở mức 20 - 22% suốt nhiều năm nay.

Khoảng 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển bùng nổ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20%/năm. Nhưng thời gian này, thị trường lại gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn như Covid - 19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng.

Cuối tháng 8/2023, tín dụng tiêu dùng trên toàn hệ thống (gồm cả ngân hàng thương mại) chỉ tăng 0,35%. Tính riêng tín dụng của khối công ty tài chính giảm mạnh so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay của nhóm công ty này rơi vào khoảng 136.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên toàn hệ thống.

M&A công ty tài chính bất ngờ sôi động giữa tâm bão
Tín dụng tiêu dùng phát triển bùng nổ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20%/năm

Tổng giám đốc của HSBC Việt Nam - Ông Tim Evans đánh giá, Việt Nam hiện có 100 triệu dân số, trong đó số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Đây là cơ hội lớn cho các công ty quốc tế kỳ vọng tham gia vào thị trường này và biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030.

Ông Tim Evans nói: “Bất chấp những khó khăn hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài và chúng tôi tiếp tục chứng kiến sự quan tâm lớn đối với câu chuyện của Việt Nam từ khách hàng khắp nơi trong mạng lưới HSBC”.

Bên cạnh đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đóng vai trò là một trong 3 trụ cột phát triển nền kinh tế. Nhất là từ đầu năm 2023, khi xuất khẩu giảm, thị trường tiêu dùng nội địa có thời điểm trở thành cứu cánh quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. NHNN xác định cho vay tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của toàn nền kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân qua việc cung cấp những khoản tín dụng để thúc đẩy tiêu dùng tại Việt Nam.

Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN về quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Cụ thể, cho phép các công ty tài chính giải ngân trực tiếp cho khách hàng bằng tiền mặt với tỷ trọng 50% tổng dư nợ của một đơn vị, áp dụng tới ngày 31/12/2023; tỷ trọng này là 30% kể từ ngày 1/1/2024.

Không riêng gì các công ty tài chính, trong thời gian qua, nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào hệ thống bán lẻ cũng chuẩn bị cung cấp sản phẩm tài chính cá nhân trong chuỗi kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam. Nổi bật trong đó là các nhà đầu tư Thái Lan, Nhật Bản mang tham vọng mở rộng hệ sinh thái bán lẻ khép kín với tài chính số trong các đại siêu thị tại Việt Nam.

Dự kiến, xu hướng này góp phần tạo sức ép khiến các công ty tài chính phải áp dụng công nghệ mới, xây dựng hệ sinh thái tài chính nhằm thích ứng với áp lực cạnh tranh đang tăng dần khi xuất hiện thêm những công ty tài chính công nghệ (fintech), cho vay ngang hàng (P2P lending).