Báo cáo đã tập hợp ý kiến phản hồi của 3.048 doanh nghiệp đang tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, logistics… và 46 bộ ngành, cơ quan liên quan đến Cơ chế một cửa quốc gia và lĩnh vực quản lý kiểm tra chuyên ngành. Báo cáo lần này không chỉ phản ánh chi tiết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia; các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, mà còn cung cấp các ý kiến đề xuất từ chính các bộ, ngành, cơ quan nhà nước có liên quan, nhằm hoàn thiện hơn nữa Cơ chế một cửa quốc gia và hoạt động quản lý kiểm tra chuyên ngành. Từ đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong lĩnh vực này, nâng cao hiệu quả thực thi và góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và cải cách thủ tục tạo thuận lợi thương mại
Hội thảo công bố Báo cáo

Theo Báo cáo vừa được công bố hôm nay, cần có cơ chế minh bạch và trao đổi thông tin rõ ràng hơn để cải thiện hoạt động tạo thuận lợi thương mại thông qua Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam.

Báo cáo trình bày chi tiết các phát hiện từ “Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2022”. Đây là kết quả của sự hợp tác sâu rộng giữa USAID, VCCI và Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa và áp dụng số hóa triệt để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Việc sớm có cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng yêu cầu thông tin không cần thiết đối với các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 2 phần nội dung chính: Đối với nội dung khảo sát việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tính đến tháng 4/2022, có 12 thủ tục hành chính của 5 bộ, ngành đang được thực hiện; việc thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành được khảo sát chung với các thủ tục của 10 bộ quản lý chuyên ngành.

Nhiều chuyển biến tích cực về thủ tục hành chính

Theo kết quả báo cáo được công bố, Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam cho phép doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan nhà nước trên một nền tảng duy nhất, hợp lý hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Tính đến ngày 17/10/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn doanh nghiệp.

Công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như sau: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; các bộ, ngành đã bước đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành ở các mức độ, hình thức khác nhau; nhiều bộ, ngành chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm; nhiều thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành được điện tử hóa; các quy định chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành cũng đã được xử lý.

Cụ thể, Báo cáo cho thấy, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhìn chung đem lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Về thời gian, 10 trong số 12 thủ tục hành chính trong diện đánh giá ghi nhận thời gian giảm bớt khi làm thủ tục qua Cổng thông tin một cửa quốc gia so với khi tiến hành thủ tục theo phương thức nộp hồ sơ truyền thống. Số giờ thực tế dành cho việc thực hiện các thủ tục giảm trung bình từ 26% đến 54%. Trong đó, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu/xuất khẩu tiền chất công nghiệp là thủ tục giảm thời gian thực hiện nhiều nhất.

Trong khi đó, hai thủ tục của Bộ Y tế là những ngoại lệ khi không đi theo xu hướng chung đó. Số giờ xin cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu qua cơ chế Một cửa quốc gia tăng lần lượt 15% và 17%.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp ở hầu hết các thủ tục so với hình thức làm thủ tục truyền thống trước đây. Kết quả khảo sát cho thấy, 10 trong số 12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia so với khi tiến hành thủ tục với phương thức truyền thống, với mức giảm chi phí trung bình từ 18% đến 82%. Mức giảm chi phí nhiều nhất thuộc về các thủ tục: Cấp giấy phép xuất/nhập khẩu tiền chất công nghiệp (giảm 82%), Cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O (giảm 81%), Kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu (giảm 75%), Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (giảm 70%). Trong khi đó, trái với xu hướng chung, hai thủ tục gồm: Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dụng và Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu lại ghi nhận mức tăng chi phí trung bình lần lượt là 47% và 53%.

Về tiếp cận thông tin về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, Báo cáo cho thấy thông tin về thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành được nhiều doanh nghiệp chủ động tìm hiểu. Trong số các doanh nghiệp trả lời khảo sát, 86,1% doanh nghiệp đã tìm hiểu ít nhất một thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong vòng 12 tháng qua. Ba phương thức tìm hiểu thông tin phổ biến nhất là khai thác thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, khai thác thông tin trên cổng thông tin điện tử của các bộ ngành và đến làm việc trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, Cổng thông tin một cửa quốc gia nhìn chung được doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn hai phương thức còn lại. Các doanh nghiệp cũng hài lòng với thông tin cung cấp qua Cổng hơn so với các phương thức cung cấp thông tin khác.

Các doanh nghiệp tìm hiểu thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương đánh giá tích cực nhất về phương thức Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong khi đó, tỷ lệ hài lòng với Cổng thấp nhất ở nhóm các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế. Các bộ, ngành quản lý thủ tục kiểm tra chuyên ngành thông thường là đơn vị mà doanh nghiệp sẽ liên hệ đầu tiên nếu gặp vướng mắc về thủ tục. Khoảng 60% doanh nghiệp hài lòng với kết quả phản hồi thông tin thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với mức độ hài lòng với các đơn vị tư nhân (như các công ty, văn phòng luật hay các hội/hiệp hội doanh nghiệp).

Vẫn còn nhiều dư địa để tăng cường cải cách

Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra rằng, vẫn có khoảng 59% doanh nghiệp đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Những khó khăn phổ biến nhất là “nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp”, “thái độ của công chức không đúng mực”, và “bị yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định”. Khoảng 8% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết, họ có mặt hàng bị kiểm tra bởi từ 2 bộ, ngành trở lên. Khoảng 81,5% trong số các doanh nghiệp có mặt hàng bị kiểm tra từ 2 bộ, ngành trở lên cho rằng, tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành gây tốn kém về thời gian, chi phí thủ tục cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đối với câu hỏi về hành vi trả chi phí ngoài quy định, 59,1% doanh nghiệp cho biết không trả khoản chi phí này. Trong khi đó, 35,8% doanh nghiệp không muốn cung cấp không tin hoặc không chắc về hành động mà doanh nghiệp đã thực hiện và 5,1% doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận đã từng thực hiện hành vi trả chi phí ngoài quy định.

Để cải thiện hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin một cửa quốc gia, báo cáo khuyến nghị Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành có thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia cần tiếp tục những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại đã thực hiện trong thời gian qua. Việc công khai, minh bạch thông tin về những vấn đề kỹ thuật, những vướng mắc người dùng thường gặp phải trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, cũng như giải pháp và kết quả xử lý là cần thiết để những vấn đề này không lặp lại.

Việc thông báo, trao đổi thông tin thường xuyên giữa Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành rất quan trọng nhằm đảm bảo Cổng hoạt động liền mạch và tăng cường sự chủ động ứng phó các sự cố cho các bên liên quan. Các thông tin về tiến độ tiếp nhận và xử lý hồ sơ cần được công khai chi tiết, đầy đủ, dễ tiếp cận với người sử dụng. Các bộ, ngành cũng cần thường xuyên cập nhật các chính sách, quy định mới trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng các chức năng hỏi – đáp và các chức năng chỉnh sửa hồ sơ sẽ được chú trọng cải thiện hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về Cơ chế một cửa quốc gia cần được thực hiện thường xuyên đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập và mới sử dụng Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Đại diện VCCI cho biết, các khuyến nghị, bao gồm hướng dẫn tăng cường cho doanh nghiệp, cập nhật thường xuyên về chính sách và chức năng hỏi đáp, sẽ được trình lên Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi Thương mại, cũng như các bộ, ngành có liên quan để xem xét.

Theo ông Bradley Bessire, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam, việc đối thoại giữa các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng.

“Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân sẽ mang lại sự minh bạch và các cải cách hiệu quả hơn. Nếu được thực hiện, các kết quả của cuộc Khảo sát sẽ giúp đẩy mạnh cải cách hơn nữa ngành Hải quan. Chúng ta cần phải chúc mừng cơ quan Hải quan Việt Nam vì những cải cách này đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, thương nhân và nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, ông Bradley Bessire nhấn mạnh./.