“Nên giảm thuế GTGT cho toàn bộ hàng hóa dịch vụ”

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP trong đó giao Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2023 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023, trong đó nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế GTGT.

Trên cơ sở đó, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án giảm 2% thuế GTGT năm 2023.

Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất GTGT đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).

Phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về thời gian thực hiện, Vụ Chính sách thuế đề xuất kể từ khi chính sách được ban hành (dự kiến 1/7) đến hết ngày 31/12/2023.

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, tại thời điểm này chính sách giảm thuế GTGT là rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân khi trong quý 1 tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên… thì việc tiếp tục giảm thuế GTGT như năm 2022 sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất.

“Nên giảm thuế GTGT cho toàn bộ hàng hóa dịch vụ”

Bà Cúc lý giải, thuế GTGT nằm trong giá, khi giảm 2% thuế GTGT sẽ giảm giá bán hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế GTGT sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất.

Đối với đề xuất giảm thuế GTGT, theo bà Cúc, quan điểm của Hội Tư vấn Thuế Việt Nam thiên về phương án giảm toàn bộ thuế GTGT 2% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%.

Bởi lẽ, với phương án giảm thuế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, không gặp khó khăn khi phân biệt thuế suất đối với hàng hóa dịch vụ có thuế suất khác nhau được giảm và không được giảm; giảm thiểu các trường hợp sai sót viết hóa đơn chứng từ, điều chỉnh hóa đơn chứng từ.

Mặt khác, thời điểm đề xuất giảm thuế GTGT năm 2023 là ngắn hơn năm 2022 nên việc giảm toàn bộ cho các mặt hàng đang áp dụng thuế suất 10% xuống 8%, ngoài việc tạo thuận lợi còn là cú hích cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Bên cạnh lợi ích về số tiền được giảm, chính sách giảm thuế GTGT cũng góp phần động viên khích lệ tinh thần cho doanh nghiệp cùng chính phủ vượt qua khó khăn.

Trước đó, rất nhiều Hiệp hội, doanh nghiệp cũng đề nghị tiếp tục chính sách giảm thuế GTGT 2%.

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế GTGT 2% tới hết năm 2023.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tin tưởng chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đã có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đối phó với những tác động tiêu cực và đại dịch, từng bước phục hồi đà tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Chủ tịch EuroCham khẳng định, việc gia hạn giảm thuế GTGT 2% sẽ giúp doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện tại. Quý IV năm nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI đã phải sản xuất cầm chừng vì thiếu đơn hàng. Do đó, việc tiếp tục giảm thuế GTGT sẽ góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, chia sẻ khó khăn với người thu nhập thấp và kích thích sản xuất tiêu dùng.

Theo Bộ Tài chính, năm 2022, quy mô việc giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP là lớn nhất, lên đến khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng.

Châu Giang