Hình minh họa
Hình minh họa

Phiên giao dịch ngày 18/8, VN-Index rung lắc nhẹ ở hầu hết phiên sáng với biên độ hẹp trong khoảng 1.273 – 1.277 điểm. Áp lực bán bắt đầu gia tăng từ cuối phiên sáng và ngay khi bước vào phiên chiều, qua đó đẩy chỉ số về mức thấp nhất tại 1.268 điểm. Tại đây, lực cầu mua lên khá tốt đã kéo chỉ số đi lên để lấp lại khoảng trống gap ở 1.283 điểm. Tuy nhiên, chỉ số lại bị đạp lần nữa trong phiên ATC và quay về đóng cửa ở ngưỡng 1.273 điểm.

Mặc dù chỉ giảm nhẹ hơn 1 điểm nhưng thị trường có tới 311 mã giảm, trong khi chỉ có 132 mã tăng do nhà tạo lập tập trung kéo các cổ phiếu Trụ như SAB, VIC, GAS, VNM, MSN để nâng đỡ thị trường, phục vụ cho việc Đáo hạn phái sinh trong ngày 18/8.

Còn tại sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nới đà giảm ngay khi bước vào phiên chiều và thu hẹp điểm số đã mất sau đó nhờ lực bán chững lại. Đóng cửa phiên giao dịch, sàn HNX có 79 mã tăng và 107 mã giảm, HNX-Index giảm 1,4 điểm (-0,46%), xuống 301,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,5 triệu đơn vị, giá trị 1.386,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,4 triệu đơn vị, giá trị 70,7 tỷ đồng.

Tại thị trường UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã chìm sâu hơn ngay khi phiên chiều trở lại và cũng như sàn HNX, chỉ số này đã bật lên và thu hẹp đà giảm sau đó. Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,24%), xuống 92,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị 516,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,66 triệu đơn vị, giá trị 289,1 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là hơn 6,9 triệu cổ phiếu KLB, trị giá hơn 188 tỷ đồng.

Cũng trong phiên 18/8, đa số cổ phiếu các nhóm ngành đều giảm điểm, cụ thể như: Ngân hàng, Bất động sản, Bán lẻ, Xây dựng – Vật liệu xây dựng, Cảng biển,... Ngoại trừ nhóm Chứng khoán bùng nổ mạnh nhờ thông tin cuối tháng này sẽ triển khai giao dịch T+1.5; nhóm Thực phẩm & Đồ uống, Phân bón & Hóa chất cũng tăng tốt và là động lực nâng đỡ cho thị trường không bị giảm sâu.

Thanh khoản thị trường trong phiên 18/8 giảm khoảng 1.500 tỷ đồng so với phiên trước đó, với 558 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE tương ứng giá trị giao dịch khớp lệnh khoảng 14.000 tỷ đồng.

Khối ngoại hôm nay quay lại mua ròng 126 tỷ đồng, tập trung mua chủ yếu VNM, SSI, HDB và điều này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang có triển vọng tích cực.

Theo phân tích kỹ thuật từ TCBS, VN-Index về cơ bản đã lấp xong khoảng gap trống ở 1.283 điểm trong phiên 18/8 và quay đầu trở lại, tạo cây nến Doji, đóng cửa dưới 1/2 thân nến cho thấy áp lực bán bắt đầu tăng lên. Khả năng trong phiên giao dịch cuối tuần (19/8), thị trường sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.260 – 1.265 điểm để lấp hết khoảng gap up và sẽ có lực cầu mua lên. Nếu tích lũy lại tốt trong vùng 1.260 – 1.270 điểm, chỉ số có thể tiếp tục hướng lên test lại kháng cự quanh 1.285 điểm thêm một lần nữa.

Lưu ý là chỉ báo Stoch RSI trên khung đồ thị ngày đã bắt đầu cắt xuống trong phiên 18/8, cho thấy có thể thị trường sẽ rung lắc trong một vài phiên tới. Tuy nhiên, trên khung đồ thị 1h thì Stoch RSI đã về vùng quá bán, nếu tạo được đáy 2 đi lên, thị trường vẫn có nhịp hồi phục trở lại. Chỉ báo SMIO trên khung ngày mặc dù đã suy yếu nhưng vẫn đang đi lên và chưa cắt xuống đường tín hiệu nên thị trường không quá tiêu cực.