1140-lsdht10
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Lãi suất sẽ giảm sâu hơn

NHNN vừa quyết định giảm thêm các mức lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất huy động VND ngắn hạn và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đây là lần cắt giảm lãi suất lần thứ ba của nhà điều hành kể từ đầu năm với mức cắt giảm tổng cộng lên tới 1,5% - 2%/năm. Đơn cử sau 3 lần cắt giảm, trần lãi suất huy động VND các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm 1%/năm xuống còn 4%/năm; trong khi trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND giảm 1,5%/năm xuống 4,5%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái cắt giảm thêm các mức lãi suất điều hành lần này của NHNN sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn với chi phí rẻ hơn, từ đó giảm sâu thêm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ người dân, DN vượt qua đại dịch Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trên thực tế, các ngân hàng đang có cơ hội để giảm thêm lãi suất khi mà thanh khoản của hệ thống hiện đang rất dồi dào. Điều đó được thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng đang đứng ở mức rất thấp. Đơn cử trong phiên ngày 2/10, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ ở mức 0,11%/năm; 1 tuần là 0,25%/năm; 2 tuần là 0,21%/năm và 1 tháng là 0,44%/năm, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thanh khoản dồi dào, trong khi tín dụng vẫn đang gặp khó do cầu tín dụng của nền kinh tế yếu đã khiến các ngân hàng đẩy mạnh mua vào trái phiếu Chính phủ, đẩy lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng giảm sâu. Số liệu thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 9 vừa qua, Kho bạc Nhà nước tiến hành tổng cộng 22 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ thông qua HNX, huy động được 60.141 tỷ đồng, tăng 163% so với tháng trước đó; tỷ lệ trúng thầu bình quân lên tới 98%. Đặc biệt lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ bình quân các kỳ hạn có mức giảm từ 0,02-0,35%/năm, đáng chú ý là kỳ hạn 5 năm lãi suất giảm đến 0,35%/năm so với tháng 8.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, cái khó hiện nay của các ngân hàng là phải cân đối bài toán lãi suất cho phù hợp với diễn biến lạm phát cũng như để cạnh tranh với kênh trái phiếu DN khi mà hiện nhiều DN đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu với lãi suất khá cao, lên tới 10 - 11%/năm đối với kỳ hạn 3 năm. Bởi nếu giảm lãi suất xuống quá thấp sẽ không đảm bảo thực dương cho người gửi tiền và khó bề cạnh tranh với kênh trái phiếu DN.

Bởi vậy theo Công ty Chứng khoán KBSV, lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng giảm sau lần hạ lãi suất điều hành lần này, tuy nhiên tốc độ sẽ không rõ rệt như trước đó do mặt bằng hiện đã duy trì ở mức thấp.

Doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư

Mặc dù vậy, theo dự báo của giới chuyên môn, lãi suất giảm sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng, nhất là khi dịch bệnh trong nước đã cơ bản được kiểm soát, sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi. Theo đó, những DN đang cân nhắc phương án sản xuất kinh doanh làm ăn lúc này sẽ có động lực để kích hoạt trở lại trong những tháng tới. Đặc biệt, nhu cầu sản xuất kinh doanh mùa vụ cuối năm tăng cao sẽ kích thích các DN mạnh tay vay vốn đầu tư sản xuất hàng hóa, dịch vụ cho các lễ Noel, Tết Nguyên đán. Hơn nữa, thời điểm tháng 10 hàng năm là chu kỳ thường niên ký các hợp đồng xuất nhập khẩu nguyên liệu hàng hóa cho sản xuất quý I năm sau.

Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân, như vay mua nhà trong bối cảnh giá nhà đang ở mức thấp so với trước khi dịch bệnh Covid xảy ra. Hiện lãi suất cho vay mua nhà của nhóm NHTM có vốn nhà nước như Vietcombank, BIDV đang chỉ từ 7-8%/năm trong 12 tháng đầu; sau thời gian này, lãi suất cho vay được các ngân hàng tính bằng lãi suất huy động 12 tháng cộng thêm từ 3-3,5%. Theo giới chuyên môn, việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cũng có tác động gián tiếp hỗ trợ sản xuất kinh doanh khi mà tiêu dùng phục hồi sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Mặt khác, các ngân hàng cũng đang lên kế hoạch giảm lãi suất đối với những khoản vay cũ giữ chân khách hàng, không riêng lãi suất mới thấp đối với các khoản vay mới. Hầu hết các lãnh đạo ngân hàng dự báo lãi suất trong năm sau sẽ không thể cao hơn năm nay do hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ trên thị trường cần có thời gian phục hồi.

Lãi suất cho vay thấp sẽ tác động lan tỏa ra các lĩnh vực hàng hóa khác, tạo động lực gia tăng sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng dốc túi ra cho vay bằng mọi giá, khi mà trong điều kiện khủng hoảng dịch bệnh các DN cần chứng minh phương án kinh doanh tốt nhất để dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng. Đối với những DN nhỏ năng lực tài chính hạn chế, theo một lãnh đạo NHNN, cần tìm đến cơ chế bảo lãnh của các cơ quan liên quan để có điều kiện tốt hơn cho ngân hàng cho vay bảo đảm an toàn vốn cho ngân hàng.

Đề xuất thêm quy định về bảo mật đối với trang thiết bị thanh toán thẻ ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông ...

Ảnh hưởng của giảm lãi suất điều hành ngày càng thu hẹp

Theo giới phân tích, tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng ...

Đề xuất nghiên cứu luật hóa xử lý nợ xấu

Công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được ...