Giảm áp lực thị trường!

Đặt câu hỏi với ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công Ty TNHH Thủy sản Việt Âu (Đồng Nai) xung quanh việc room tín dụng vừa được nới, lãnh đạo Công ty có lên kế hoạch vay vốn ngân hàng? Ông Tịnh cho biết, hiện chưa có nhu cầu vay vốn, lý do bởi doanh nghiệp vay tiền của ngân hàng là phải có mục đích sản xuất - kinh doanh nhưng nhu cầu thị trường giảm mạnh, đầu ra của doanh nghiệp không có, mua sắm nguyên vật liệu nhập khẩu lại rất đắt đỏ nên không dám phát triển dự án mới hay mở rộng phạm vi hoạt động...

Với 1,5-2% room tín dụng được nới, sẽ có khoảng 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Ảnh: Dũng Minh
Với 1,5-2% room tín dụng được nới, sẽ có khoảng 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Ảnh: Dũng Minh

“Nếu đầu ra tốt thì vay vốn với lãi suất 13-14%/năm không phải là vấn đề với doanh nghiệp, nhưng thời điểm hiện nay, Ban lãnh đạo Công ty đang cố gắng để không phải cho nhân viên nghỉ việc hay cho nghỉ Tết sớm trước 2 tháng như nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác. Trước tình hình khó khăn hiện nay, không thể đi vay tiền ngân hàng mà phải tìm cách phòng thủ”, ông Tịnh bộc bạch, đồng thời chia sẻ thêm, trước Tết 1 tháng thường là giai đoạn cao điểm bán hàng, mà hiện tại gần như không có gì. Tháng 11 năm ngoái dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng doanh thu trong tháng được hơn 7 tỷ đồng, còn năm nay chỉ được 2 tỷ đồng. Cùng thời điểm này năm ngoái, từ lãnh đạo đến nhân viên bận tối mặt với 4-5 xe hàng trong một ngày, nhưng năm nay cả tuần mới được 2-3 xe.

Còn chủ một doanh nghiệp sản xuất bao bì cũng tại Đồng Nai chia sẻ, trước đây, giới nhà giàu thuê du thuyền từ sông Sài Gòn về Vũng Tàu thường xuyên, nhưng giờ cũng cắt giảm khoản chi phí này. Gia đình có 2 ô tô, trước kia, vợ chồng mỗi người lái một chiếc đi làm, nay đi chung trên 1 ô tô, hay gia đình có 1 ô tô thì chuyển sang đi xe máy… cũng là để tiết giảm chi phí.

“Rõ ràng, nhu cầu tiêu dùng đang giảm mạnh nên nếu đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động ở thời điểm này sẽ rất rủi ro, nên mọi việc tạm dừng lại. Hiện tôi đang sử dụng nguồn tiền dự phòng để cầm cự qua giai đoạn khó khăn này và thời gian rảnh khá nhiều nên tôi tăng cường rèn luyện sức khỏe bằng các môn thể thao phù hợp”, ông chủ doanh nghiệp bao bì nói.

Thậm chí, vị này còn khoe: “Chưa bao giờ trong cuộc đời kinh doanh của tôi mà tháng 11 lại rảnh như vừa rồi, để tôi tham gia tới 3 giải chạy bộ trong 4 tuần của tháng. Cụ thể, tuần 1 là Long Biên với 42 km, tuần 2 là TP.HCM với 21 km và tuần 4 là Hà Nội Midnight với 42 km”.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng “may mắn” khi chủ động mọi việc, đặc biệt là về nguồn vốn như 2 doanh nghiệp trên. Ông Tịnh cho biết, ông mua nhà của một dự án bất động sản lớn tại Đồng Nai, nhân viên của dự án này đề nghị ông đứng tên vay ngân hàng, tiền giải ngân cho chủ đầu tư, phần lãi vay ngân hàng, chủ đầu tư cam kết trả hàng tháng. Khi ông Tịnh thắc mắc sao phải lòng vòng thế thì nhân viên này cho biết: “Room tín dụng rất hạn hẹp, khó khăn lắm nên phải tìm cách lách”.

Ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới thêm room tín dụng từ 1,5-2% cho toàn hệ thống ngân hàng, tương đương với 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%, nên room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn còn 1,8% (cả năm 2022 là 14%), cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới. Mặc dù tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, song Ngân hàng Nhà nước đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng tổ chức tín dụng nào có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được hạn mức cao hơn.

Trước câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về kỳ vọng đợt nới room tín dụng này sẽ có tác động như nào đối với thị trường, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trả lời: “Giảm áp lực của thị trường”.

Nới room, nhưng không nới điều kiện cho vay

Nới room tín dụng không có nghĩa là nới điều kiện cho vay. Tất cả phải đảm bảo đúng nguyên tắc.

Chiều muộn ngày 8/12/2022, SHB gửi thông cáo báo chí công bố chương trình giảm lãi suất lên tới 2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm…

Trước đó, ngày 2/12/2022, Agribank cho biết, về dư nợ phát sinh trong tháng 12/2022, Ngân hàng sẽ giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Trước nữa, từ 1/11 đến 31/12/2022, HDBank công bố giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng.

Cũng trong chương trình ưu đãi lãi suất được triển khai cùng thời điểm trên, Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay bằng tiền đồng cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu.

“Việc phân bổ tín dụng có nhiều mong muốn và mục tiêu đặt ra. Bên cạnh làm sao tạo điều kiện có thêm dư địa để các ngân hàng mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực cần thiết, việc phân bổ tín dụng cũng khuyến khích dành cho những ngân hàng có khả năng thanh khoản dồi dào thực hiện chính sách giảm lãi suất”, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

Liên quan đến việc kiểm soát nới room để nguồn vốn đi đúng mục đích đang được thị trường rất quan tâm, ông Tú cho biết, việc quản lý dòng tiền, theo dõi hoạt động của các ngân hàng là rất cần thiết. Đối tượng Ngân hàng Nhà nước muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước tiên là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế lúc này. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại hướng dòng vốn vào lĩnh vực đó.

Đồng thời, thời gian qua, Thủ tướng cũng có chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ người có nhu cầu ở thực tiếp cận được nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng và thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện về nguồn vốn để khơi thông lĩnh vực nhà ở xã hội cũng như hỗ trợ người mua nhà.

“Ngân hàng Nhà nước dành room tín dụng, ưu tiên thỏa đáng cho những ngân hàng có khả năng thanh khoản cao, nhất là những ngân hàng đang giảm lãi suất hiện nay. Đây là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tất nhiên, cùng với đó là sự cố gắng của các ngân hàng trong việc giảm chi phí hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, dự án, lĩnh vực cần thiết lúc này”, ông Tú nói.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm, doanh nghiệp bất động sản kêu khó là một chuyện, việc xem xét các điều kiện do ngân hàng đưa ra, doanh nghiệp có đáp ứng được hay không lại là chuyện khác.

“Nhiều doanh nghiệp bất động sản ‘cầm đèn chạy trước ô tô’, dự án chưa thực hiện xong đã bán hàng, hoặc hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ mà ngân hàng đã cho vay vốn là rất rủi ro. Tóm lại, nới room tín dụng không có nghĩa là nới điều kiện cho vay. Tất cả phải đảm bảo đúng nguyên tắc”, ông Hùng nhấn mạnh.