Hiện nay, các ứng dụng gọi xe công nghệ đang phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới nhưng việc thu phí hoa hồng quá cao đã gây ra những tình trạng bất cập giữa tài xế chạy xe và ứng dụng gọi xe. Jitu Jisan là tài xế công nghệ ở Dhaka nhưng anh lại chia sẻ việc nhận khách qua ứng dụng gọi xe là lựa chọn cuối cùng. Thông thường, anh này thường tìm khách qua ứng dụng Pathao sau đó tắt app để giao dịch trực tiếp với khách và đi ‘khep’.

‘Khep’ là thuật ngữ mới phổ biến tại quốc gia Bangladesh dùng để ám chỉ tài xế hợp đồng lách khỏi luật của những nền tảng gọi xe như Pathao và Uber để tránh trả phí hoa hồng. Thông thường, tài xế sẽ yêu cầu khách hàng đã đặt chuyến qua nền tảng ứng dụng hủy chuyến rồi thanh toán trực tiếp. Đồng thời, họ cũng có thể bắt khách dọc đường và đưa mức giá tương đương hoặc rẻ hơn trên ứng dụng một chút.

Tài xế này cũng chia sẻ: “Chúng tôi thích đi ‘khep’ hơn là làm việc trên ứng dụng. Dù sao thì mọi nỗ lực đều đến từ phía tài xế chúng tôi. Xe của chúng tôi, tiền xăng cũng là của chúng tôi. Các nền tảng chỉ hỗ trợ đưa chúng tôi vào ứng dụng và tính phí hoa hồng”.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm những nhà nghiên cứu kết hợp với Đại học BRAC ở Dhaka, có hơn 60% tài xế tham gia cuộc khảo sát vào tháng 4/2023 cho biết họ chọn hình thức “khep” mỗi khi nhận khách. Trong năm 2020, người ta ước tính có khoảng 7,5 triệu chuyến xe mỗi tháng trên khắp cả nước, nhưng sang đến đầu năm 2023 thì số lượng chuyến xe đã giảm xuống vì tài xế “lách luật” hủy chuyến giữa chừng.

Tài xế công nghệ “lách luật” gạ khách hủy chuyến để không phải trả phí hoa hồng
Các tài xế đang tìm cách lách luật để không phải trả phí hoa hồng cho ứng dụng gọi xe công nghệ

Tại quốc gia này, hình thức “khep” đã phổ biến đến mức các ứng dụng gọi xe phải điều chỉnh lại chính sách để hạn chế tối đa việc tài xế lách luật. Ví dụ như Uber đã giới thiệu đến khách hàng hình thức đăng ký mới khuyến khích các tài xế ở Bangladesh trả trước một phần nhỏ cước chuyến đi để tránh mất phí hoa hồng.

Đại điện Uber cho biết: “Chúng tôi tin rằng chính sách này sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho các tài xế. Điều này cũng góp phần đảm bảo sự an toàn của họ. Hy vọng điều này sẽ giúp giảm đáng kể số lượng tài xế thực hiện chuyến đi ‘ngoại tuyến”.

Trong khi đó, ứng dụng gọi xe Pathao cũng đang thực hiện thí điểm chính sách mới, cho phép tài xế thoải mái dành thời gian cho ứng dụng với mức giá nằm trong khả năng chi trả của họ. Các gói đăng ký được đưa ra trong 1 ngày, 7 ngày, 15 ngày hoặc 30 ngày với giá dao động từ 0,27 USD đến 4 USD.

Các ứng dụng gọi xe khác cũng áp dụng các mô hình đăng ký khuyến mại tương tự. Chẳng hạn tại Ấn Độ ứng dụng chia sẻ chuyến đi Namma Yatri đã giới thiệu tới các tài xế gói dịch vụ đăng ký cho phép họ được nhận cuốc không giới hạn hàng ngày chỉ với 0,3 USD.

Theo Belal Ahmed Khan - tổng thư ký Hiệp hội Lái xe chia sẻ ở Dhaka hình thức “khep” ra đời và phổ biến là do sự bất mãn của các tài xế diễn ra trong một thời gian dài, nên họ phải tìm cách để cải thiện tài chính bằng cách giảm bớt phí hoa hồng bị thu lại từ các ứng dụng công nghệ.

Ông cho biết: “Tài xế chọn ‘khep’ vì tiền hoa hồng cao. Các công ty ứng dụng gọi xe không quan tâm đến họ. Tại Bangladesh, Uber tính phí hoa hồng lên tới 25% trong khi Pathao tính phí 15%. Các tài xế thường tập trung tại những con đường đông đúc ở Dhaka và Chittagong, sau đó thương lượng giá với khách hàng”.

Theo những nhà nghiên cứu, đi “khep” giúp cho tài xế không mất thêm phần trăm hoa hồng, mà lại còn tăng thu nhập nên đương nhiên họ sẽ chọn hình thức này nhiều hơn. Trước đây, đã có nhiều cuộc đình công diễn ra nhưng không thể cải thiện tình hình, các hãng gọi xe vẫn thu phần trăm rất cao đối với tài xế chạy xe.

Chia sẻ với Rest of World, một tài xế cho biết anh thích đi ‘khep’ hơn vì đình công không mang lại hiệu quả, còn nếu chọn khep thì vừa cải thiện được vấn đề tài chính vừa khiến cho hãng xe công nghệ phải chịu thiệt hại.

Tài xế này cho biết: “Nếu đình công, hành khách sẽ không thể gọi xe. Chúng tôi cũng mất thu nhập. Tốt hơn hết là nên đi ‘khep’. Đó là lý do vì sao chúng tôi ngừng đình công”.

Tài xế công nghệ “lách luật” gạ khách hủy chuyến để không phải trả phí hoa hồng
Các cuộc đình công của tài xế không ảnh hưởng và thay đổi được gì đối với các ứng dụng gọi xe công nghệ

Thời gian đầu, khách hàng chưa quen nhưng đến hiện tại họ cũng đã đi “khep” nhiều hơn vì thông cảm cho tài xế. Thông thường, khách hàng sẽ gọi xe rồi thương lượng giá cả với tài xế nên họ cũng không cần trả phí quá cao như khi đặt trên ứng dụng.

Tuy nhiên, hình thức này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì bỏ qua việc gọi xe trên nền tảng thì quá trình di chuyển sẽ không thể theo dõi và đảm bảo an toàn cho cả tài xế và khách hàng. Họ cũng không thể kiến nghị lên hãng nếu như thái độ tài xế không tốt hay xảy ra những sự việc phát sinh.

Những rủi ro này đã khiến một số tài xế vẫn chọn cách chạy xe truyền thống thông qua các nền tảng ứng dụng kết nối. Rất nhiều tài xế bày tỏ lo ngại về việc họ có thể bị đánh đập, bị bùng tiền… khi gặp khách hàng không tốt.

Bangladesh là một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới nên việc các ứng dụng gọi xe chọn đây là mảnh đất phát triển là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải nền tảng nào cũng thành công và trụ vững được trước số lượng khách hàng, tài xế quá lớn cần được quản lý chặt chẽ.