Lũy kế 5 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.227 tỷ đồng; lãi sau thuế 2.598 tỷ đồng; lần lượt tăng 22,2% và 30,6% so với cùng kỳ.

Xét về cơ cấu doanh thu, mảng công nghệ đạt 9.159 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 56% tổng doanh thu; mảng xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu 7.006 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29%; mảng viễn thông ghi nhận doanh thu 5.822 tỷ đồng, tăng 15,2% và chiếm 36% tổng doanh thu tập đoàn; mảng giáo dục, đầu tư và khác ghi nhận doanh thu 1.245 tỷ đồng, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm trước.

0400-fpt-1
Tập đoàn FPT báo lãi gần 2.600 tỷ đồng sau 5 tháng đầu năm 2022

FPT được vinh danh Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất” năm 2022. Theo đó, Tập đoàn FPT lần thứ 10 liên tiếp được vinh danh trong bảng xếp hạng thường niên này.

Để thực hiện Danh sách 50 Công ty niêm yết tốt nhất 2022, Forbes Việt Nam xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX, HNX và sắp xếp theo từng nhóm ngành. Ở vòng sơ loại những công ty đang thua lỗ, hay trong quá trình hủy niêm yết, có quy mô giá trị vốn hóa và doanh thu dưới 500 tỷ đồng, các công ty con có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào công ty mẹ (đã được xem xét) đều bị loại.

Ở vòng kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2017 — 2021. Tiếp theo, vòng định tính, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững.

Theo thống kê của Forbes Việt Nam, tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty trong danh sách đạt 193.183 tỷ đồng, tăng 10,7% so với danh sách năm ngoái. Tổng doanh thu các công ty trong danh sách đạt 1.192.754 tỷ đồng.

10 năm là khoảng thời gian tương đối dài để đánh giá những sự thay đổi. Vào năm 2013, Forbes Việt Nam lần đầu tiên thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất. Trải qua một thập niên, có 138 doanh nghiệp được vinh danh nhưng chỉ có 9 công ty có mặt đầy đủ tất cả 10 lần gồm: Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT), Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: DHG), Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan (mã chứng khoán: MSN), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán: REE), Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (mã chứng khoán: GAS), Vinamilk (mã chứng khoán: VHM) và Vietcombank (mã chứng khoán: VCB).

0527-fpt-2
FPT khẳng định vị thế dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là đối tác tư vấn chiến lược – triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Ảnh: FPT

Theo Forbes, một trong những dấu ấn đáng nhớ năm 2021 của FPT là việc xử lý sự cố tắc nghẽn giao dịch trên sàn HOSE. Đội ngũ chuyên gia công nghệ và tài chính chứng khoán cùng các kỹ sư hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) và hạ tầng của FPT đã hỗ trợ xử lý các vấn đề kỹ thuật của HOSE với tiến độ “thần tốc” trong 100 ngày. Hệ thống do FPT thực hiện đã được triển khai, chuyển giao và đưa vào hoạt động thông suốt từ tháng 7.2021 với công suất gấp 3-5 lần hệ thống cũ, xử lý lên tới 3-5 triệu lệnh/ngày.

Trong thời gian tới, FPT sẽ tiếp tục khai phá cơ hội, mở rộng tăng trưởng, trong đó công nghệ và viễn thông sẽ tiếp tục là những lĩnh vực kinh doanh trọng tâm. Tập đoàn theo đuổi mục tiêu lớn và dài hạn là tham gia quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tổ chức trên toàn cầu, đứng trong Top 50 công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới và tiên phong chuyển đổi số quốc gia hướng đến mô hình quốc gia số./.