Bị cáo Vũ Huy Hoàng nói không can thiệp vào việc thoái vốn tại Sabeco

Cập nhật: 08:39 | 24/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Trả lời thẩm tại tòa, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng ông ta bị bãi miễn chức vụ vào tháng 4-2016 và sau đó Sabeco mới thoái vốn, khiến “đất vàng” tại TP HCM về tay tư nhân.

Vụ thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói không biết nhiều về Sabeco

Khoản tiền gần 2.300 tỷ đồng trong vụ Gang thép Thái Nguyên không biết đang ở đâu

Ngày 23-4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử bị cáo Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng 9 bị cáo liên quan, trong vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng, xảy ra tại Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Theo tài liệu truy tố, Sabeco lập liên doanh Sabeco Pearl để xây dựng cao ốc tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP HCM). Trong đó, Sabeco giữ 26% vốn; còn lại thuộc các công ty tư nhân. Bị cáo Vũ Huy Hoàng và các cấp dưới tại Bộ Công Thương đồng ý việc này và UBND TP HCM cũng chấp thuận cho xây dựng trên khu đất.

3725-by-cong-thyyng
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời thẩm vấn tại phiên tòa.

Ban đầu, khu đất chỉ có chức năng văn phòng nhưng sau đó được bổ sung căn hộ ở khiến giá trị tăng lên. Năm 2016, các doanh nghiệp tư nhân đề nghị Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh và được Sabeco cùng Bộ Công Thương đồng ý.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng còn chủ trì một cuộc họp ngày 29-3-2016 và cuộc họp này đã quyết định giá khởi điểm của Sabeco khi thoái vốn tại Sabeco Pearl là 13.247 đồng/cổ phần.

Theo truy tố, giá trị này thấp hơn thực tế rất nhiều nhưng Sabeco sau đó vẫn thoái vốn, dẫn tới khu đất số 2-4-6 bị chuyển từ sở hữu nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại 2.713 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Vũ Huy Hoàng khẳng định, sau cuộc họp ngày 29-3-2016, ông ta bị Quốc hội Khóa 13 bãi miễn chức Bộ trưởng Bộ Công thương (ngày 8-4-2016).

“Từ đó, tôi không tham gia bất cứ khâu, công đoạn nào của quá trình thoái vốn. Đến 30-5-2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức về giá, phương thức, cách thức… Và 26-8-2016, báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt. Quá trình thoái vốn của Sabeco kết thúc năm 2017 và tôi không hề can thiệp. Nếu cần kiểm tra, Hội đồng xét xử có thể hỏi những người liên quan” – bị cáo Hoàng phân trần.

Cựu Bộ trưởng này cũng khẳng định, bản thân không trực tiếp quản lý Sabeco nên cuộc họp nêu trên, ông ta chủ trì thay bị can Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công thương (hiện bỏ trốn) do lúc đó, bà Thoa đi vắng.

Về quá trình Sabeco thoái vốn, bị cáo Hoàng khai lý do vì Chính phủ có chủ trương yêu cầu doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính. Sau đó, các nhà đầu tư tư nhân trong Sabeco Pearl gửi văn bản cho ông, đề nghị để Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh này.

Bị cáo Hoàng nói: “Các nhà đầu tư này không đại diện cho Sabeco nên theo đúng thủ tục, tôi chuyển văn bản của họ cho Vụ Công nghiệp nhẹ để vụ này yêu cầu Ban quản lý vốn nhà nước và HĐQT Sabeco báo cáo Bộ. Sabeco sau đó đề nghị cho thoái vốn, chúng tôi đồng ý chủ trương và hướng dẫn trình tự thủ tục thoái vốn”.

Về việc cáo trạng xác định dự án tại số 2-4-6 được bổ sung chức năng căn hộ, đại diện Công ty Quảng trường Mê Linh bác bỏ và khẳng định UBND TP HCM mới đồng tình chủ trương, chưa có quyết định chấp thuận. Công ty Mê Linh là một đơn vị góp vốn thành lập liên doanh Sabeco Pearl.

Với tư cách đơn vị có quyền lợi liên quan, đại diện Công ty Mê Linh nói: “Chức năng ở chưa được thể hiện ở giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất. Về các thủ tục nhiều nhưng quan trọng nhất chủ đầu tư sau khi được UBND thông báo nghĩa vụ tài chính về chuyển mục đích, phải thực hiện nhưng thực tế chưa làm”.

Đồng tình ý kiến này, bị cáo Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM) khai: “Tôi biết, nếu có chức năng ở thì phải có quyết định của ủy ban chấp thuận chủ trương đầu tư và sau doanh nghiệp sẽ làm các thủ tục tiếp theo như Công ty Mê Linh nói là đóng thêm tiền chuyển đổi”.

Trước đó, ông Phan Đăng Tuất (cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco, Phụ trách bộ phận quản lý vốn Nhà nước – giai đoạn 2012- 2015) – người có nghĩa vụ liên quan cũng trả lời nhiều câu hỏi đặt ra tại phiên tòa. Ông Tuất cho biết suốt thời gian thực hiện dự án, ban đầu được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải phụ trách, sau đó là Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Ngoài ra, những phiên họp với Bộ phận quản lý vốn Nhà nước đều do Thứ trưởng Thoa chủ trì. Thời điểm đó, ông Tuất cho biết bản thân ông không gặp cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và không nhận được chỉ đạo từ bị cáo này.

Trong vụ án này, ông Phan Đăng Tuất được xác định là người ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương để liên doanh, liên kết thành lập công ty CP nhằm thực hiện dự án tiếp nối việc liên doanh, liên kết đã có từ trước.

Ngoài ra, sau khi Bộ Công Thương phê duyệt các nhà đầu tư mới để Sabeco liên doanh thành lập Sabeco Pearl; trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Phan Đăng Tuất ký văn bản đề nghị UBND TP HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án. Sau đó các sở, ngành TP HCM tham mưu cho lãnh đạo ủy ban cho thuê đất trái quy định pháp luật.

Theo anninhthudo.vn