Sau ba tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường đã chững lại trong tuần qua để đóng cửa với mức giảm nhẹ. Thanh khoản cũng suy giảm so với tuần tăng mạnh trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 12, VN-Index giảm 2,6% xuống 1.051,81 điểm, HNX-Index tăng 0,5% lên 217 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5,2% so với tuần trước đó xuống 86.890 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 6,9% xuống 5.098 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 28% lên 9.392 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 9,8% lên 656 triệu cổ phiếu.

Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm. Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa. Với các cổ phiếu tiêu biểu như VCB (giảm 9,1%), BID (giảm 4,9%), TCB (giảm 3,5%), VPB (giảm 2,3%), ACB (giảm 1,9%), SHB (giảm 5,4%)...

Tiếp theo là nhóm ngành tài chính với mức giảm 3,2% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu thuộc ngành con bất động sản như NVL (giảm 30%), HPX (giảm 22,9%), VIC (giảm 1,5%), VHM (giảm 5,4%)... đều giảm. Trong khi đó, ngành con chứng khoán phục hồi khá tốt với SSI (tăng 4,1%), VCI (tăng 5,8%), VND (tăng 11,5%), FTS (tăng 11,6%)...

Thị trường chứng khoán điều chỉnh trở lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng là tác nhân chính

Cổ phiếu tiện ích cộng đồng giảm mạnh thứ ba với 3,1% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm của các cổ phiếu thuộc ngành con điện, nước, xăng dầu, khí đốt như POW (giảm 4,3%), GAS (giảm 3%), DTE (giảm 18,4%), CNG (giảm 4,3%)…

Ngành hàng tiêu dùng giảm 2,8% với các cổ phiếu trụ cột như như VNM (giảm 4,8%), MSN (giảm 6,6%)… Ngành dầu khí giảm 1,6% và nguyên vật liệu giảm 0,6%.

Ở chiều ngược lại, ngành dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh nhất với 2,2% giá trị vốn hóa với các mã thuộc ngành con du lịch và giải trí như VJC (tăng 4,1%), HVN (tăng 10,3%), VTD (tăng 3,2%), GTT (tăng 14,3%), VNS (tăng 3,1%), VTR (tăng 2,4%)... Ngành công nghiệp tăng 1,2%.

Vẫn duy trì xu hướng tích cực như những tuần trước đó, khối ngoại có tuần mua ròng thứ năm liên tiếp trên hai sàn với tổng giá trị mua ròng đạt 4.351,24 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, SSI là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 21,9 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là FUEVFVND và STB với lần lượt 18,9 triệu chứng chỉ quỹ và 18,9 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, PDR là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 5 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12/2022 đang cao hơn so với chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh 4,92 điểm cho thấy các trader đang lạc quan với xu hướng của thị trường trong tuần tới.

Trên thế giới, chứng khoán Mỹ tiếp tục trượt dốc khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khép lại một tuần đầy thách thức đối với các nhà đầu tư khi chỉ số S&P 500 sụt giảm ở bốn trong năm phiên giao dịch.

Khi tiếng chuông đóng cửa vang lên ở Phố Wall, cả ba chỉ số chính đều giảm, trong đó SP 500 giảm 0,7%, Dow Jones giảm 0,9% và Nasdaq giảm 0,7%.

Xét theo đơn vị tuần, SP 500 giảm 3,4% trong khi chỉ số Dow Jones giảm 2,8%. Nasdaq cũng giảm 4%. Sự sụt giảm trong tuần này của S P 500 và chỉ số Dow Jones là mạnh nhất kể từ cuối tháng Chín.

Dữ liệu về giá sản xuất được công bố trong báo cáo vào sáng thứ Sáu khiến hợp đồng tương lai sụt giảm trước khi có thông tin tích cực hơn về tâm lý người tiêu dùng khiến thị trường hưng phấn vào giữa buổi sáng.

Báo cáo giá sản xuất tháng 11 cho thấy giá cơ sở tăng 0,3% so với tháng trước và 0,4% trên cơ sở "cốt lõi", không bao gồm thực phẩm và năng lượng. Con số này cao hơn so với mức kỳ vọng của các nhà kinh tế là 0,2%. So với năm trước, giá sản xuất đã tăng 7,4%.

Còn tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán tăng điểm trong phiên ngày 9/12. Cụ thể, chứng khoán Nhật Bản phiên này đóng cửa cao hơn nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ sau khi chứng khoán Phố Wall phục hồi. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,18% lên 27.901,01 điểm.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính cũng đóng cửa trong sắc xanh, nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Theo đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 2,32% lên 19.900,87 điểm. Tại thị trường Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,30% lên 3.206,95 điểm.

Tương tự, chứng khoán Hàn Quốc phá vỡ chuỗi giảm điểm kéo dài năm ngày nhờ hoạt động mua vào khi giá xuống thấp của các nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài. Chỉ số Kospi tại Seoul tăng 0,76% lên 2.389,04 điểm.

Cùng với đó, các thị trường như Sydney, Singapore, Bangkok, Mumbai và Manila cũng trong vùng tăng điểm.

Theo phân tích kỹ thuật, mặc dù điều chỉnh trong tuần qua nhưng VN-Index vẫn duy trì kết tuần trên ngưỡng tâm lý 1.050 điểm tương ứng với ranh giới giữa thị trường bò và gấu nếu tính từ mức đáy quanh 874 điểm thiết lập trong phiên 16/11 đến nay. Điều này cho thấy, phe bò vẫn đang chiếm ưu thế trước phe gấu và thị trường có khả năng sẽ hồi phục trong tuần tới với kháng cự gần nhất là ngưỡng tâm lý 1.100 điểm và xa hơn là ngưỡng kháng cự quanh 1.125 điểm (MA100 ngày).

Theo nhận định, sau 3 tuần hồi phục liên tiếp, đặc biệt là tuần 28/11-2/12 thị trường phục hồi mạnh mẽ, dứt khoát và có tính bùng nổ thì tuần này thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh là vận động hết sức bình thường. Sự điều chỉnh này còn có tính tích cực giúp thị trường tích lũy lại và củng cố nền tảng trước khi có đợt tăng tiếp theo, trạng thái thị trường đã hình thành đáy trung hạn và bước vào giai đoạn phục hồi là trạng thái chủ đạo tích cực của thị trường giai đoạn hiện nay.

Đợt điều chỉnh đang diễn ra sẽ vẫn là cơ hội cho những nhà đầu tư ngắn hạn gia nhập thị trường để đón đầu giai đoạn hồi phục tiếp theo. Đối với nhà đầu tư trung dài hạn vẫn có thể tận dụng giai đoạn điều chỉnh hiện tại để cơ cấu lại danh mục hợp lý hơn, mục tiêu giải ngân nên hướng tới nắm giữ trung hạn và lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản và đà tăng trưởng tốt bị bán quá đà trong giai đoạn Downtrend vừa qua.