Sau tuần hồi phục nhẹ trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã quay lại trạng thái điều chỉnh. Dù số điểm mất đi không quá lớn, nhưng thanh khoản trong tuần qua lại gia tăng và vượt lên trên mức trung bình 20 tuần gần nhất thể hiện áp lực bán vẫn còn khá mạnh.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 31/10 đến 04/11, VN-Index giảm 2,9% xuống 997,15 điểm, HNX-Index giảm 4,3% xuống 204,56 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 7,3% so với tuần trước đó xuống 52.992 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 4,4% xuống 2.826 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 25,9% so với tuần trước đó xuống 3.683 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 25,2% xuống 280 triệu cổ phiếu.

Thị trường giảm điểm trong tuần qua khiến cho toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường đều điều chỉnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với mức giảm 8,5% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhóm ngành con là thép giảm mạnh với các đại diện như HPG (giảm 12,8%), HSG (giảm 9,4%), NKG (giảm 17,5%)... do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022.

Thị trường chứng khoán tuần từ 31/10 - 04/11: Áp lực bán còn rất mạnh

Bên cạnh đó, ngành con hóa chất cũng giảm rất mạnh với các đại diện tiêu biểu như DGC (giảm 8,3%), DPM (giảm 8,1%), DCM (giảm 8,9%)...

Tương tự, ngành dịch vụ tiêu dùng cũng mất tới 8,5% giá trị vốn hóa, chủ yếu do đà giảm mạnh từ ngành con bán lẻ như MWG (giảm 13,4%), DGW (giảm 11,3%), FRT (giảm 11,3%)...

Cùng với đó, nhóm tài chính cũng đánh mất 5,1% giá trị vốn hóa. Các ngành con trong nhóm này giảm như bất động sản với DIG (giảm 12,6%), IDC (giảm 8,4%), KBC (giảm 7,3%), DXG (giảm 6,3%)...; bảo hiểm với BVH (giảm 4,8%), BMI (giảm 11%), PVI (giảm 2,5%)...

Các ngành còn lại cũng đồng loạt đi xuống. Cụ thể, ngành công nghệ thông tin (giảm 3,9%), công nghiệp (giảm 3,1%), dầu khí (giảm 2,6%), dược phẩm và y tế (giảm 2,5%), hàng tiêu dùng (giảm 0,8%), ngân hàng (giảm 0,5%), tiện ích cộng đồng (giảm 0,5%).

Ngoài diễn biến tiêu cực về điểm số, khối ngoại tuần qua cũng giao dịch kém khả quan khi họ bán ròng mạnh trên cả hai sàn với giá trị ròng đạt 549,13 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, HPG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 74,2 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là KBC và HDB với lần lượt 16,9 triệu cổ phiếu và 4,8 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, FUESSVFL là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 21,8 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11/2022 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh -17,92 điểm cho thấy các trader đang nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới.

Theo phân tích kỹ thuật, với việc điều chỉnh trong tuần qua, hiện VN-INDEX vẫn đang nằm dưới ngưỡng tâm lý 1.100 điểm, tương ứng với trendline nối các đáy vào tháng 5 và tháng 7 với nhau. Do đó, VN-INDEX vẫn còn đối diện với rủi ro tiếp tục đà giảm với vùng giá mục tiêu trong trường hợp này là quanh ngưỡng 950 điểm tương ứng với kênh giá sideway down.

Việc test thành công ngưỡng 962 điểm trong phiên 25/10 rồi bật lên từ đây có thể coi là một tín hiệu sớm cho việc hoàn thành đợt điều chỉnh với target quanh 950 điểm kể trên. Tuy nhiên, với sự suy yếu của thị trường trong tuần qua, chỉ số vẫn đang tạo đỉnh sau ( ở 1045 điểm) thấp hơn đỉnh trước (ở 1070 điểm).

Kỳ vọng trong ngắn hạn, thị trường có thể tạo đáy sau (hiện là 975 điểm) cao hơn đáy trước đó (962 điểm) trong tuần giao dịch tiếp theo. Điều này sẽ mở ra khả năng kết thúc xu hướng giảm hiện tại để chuyển sang quá trình sideway tích lũy ở vùng giá thấp.

Theo nhận định, thị trường VN-INDEX tiếp tục trải qua tuần giao dịch giảm điểm tiêu cực đối với nhà đầu tư, rất nhiều mã, nhóm mã luân phiên chịu áp lực bán tháo mạnh trong tuần qua. Áp lực bán tháo, giải chấp vẫn tăng lên trong quá trình thị trường giảm điểm. Tâm lý nhà đâu tư vẫn tiêu cực dưới những động thái về lãi suất, tỷ giá và thị trường trái phiếu.

Thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch covid tháng 3 năm 2020 cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa.

Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thị trường chung ổn định trở lại. Có thể xem xét, lên lại danh mục theo dõi đầu tư. Ưu tiên các mã cơ bản tốt, tỉ trọng tiền mặt cao, các mã ít chịu ảnh hưởng từ diễn biến của tình hình trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng hoàn tất một tuần giảm điểm, trong bối cảnh nhà đầu tư tranh luận về ảnh hưởng của thống kê việc làm mới nhất đến các đợt tăng lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang. Giá dầu thô bùng nổ vì nỗi lo thiếu cung, bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu.

Đóng cửa phiên ngày 4/11, chỉ số Dow Jones tăng 401,97 điểm, tương đương tăng 1,26% lên mức 32.403,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,36%, đạt 3.770,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,28%, đạt 10.475,25 điểm.

Cả ba chỉ số cùng giảm điểm trong tuần này, với Dow Jones giảm 1,4%, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 3,35% và 5,65%, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp.

Báo cáo việc làm tháng 10 do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu khiến nhà đầu tư tranh cãi. Một số lo ngại rằng con số 261.000 việc làm mới, nhiều hơn dự báo, sẽ là cơ sở để Fed duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn để chống lạm phát. Số khác lại cho rằng thị trường lao động đã bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, dù với tốc độ còn chậm chạp, vì tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,7%.

Còn tại châu Á, các thị trường chứng khoán hầu hết tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 4/11 với hy vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách "Zero COVID" ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế.

Tại Trung Quốc chốt phiên 4/11, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 5,4% lên 16.161,14 điểm và tăng gần 9% trong tuần. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 2,4% lên 3.070,80 điểm. Thị trường chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Đài Bắc, Manila, Jakarta, Bangkok và Wellington cũng tăng điểm. Riêng chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 1,7% xuống 27.199,74 điểm.

Các thị trường chứng khoán châu Á đi lên dù cho Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cảnh báo còn quá sớm để nói đến việc dừng tăng lãi suất sau đợt tăng 0,75% trong ngày 2/11.