Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng trưởng nhờ đâu?

Cập nhật: 14:36 | 18/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Thu nhập ngoài lãi ngày càng trở thành chỉ tiêu được các ngân hàng ngày càng chú trọng để đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động tín dụng. Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao.

KBSV: Nợ nhóm 2 của MB duy trì xu hướng tăng nhanh trong quý III

“Ồ ạt” tăng lãi suất huy động, NIM ngân hàng đang có xu hướng co lại

Thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng cho thấy, tổng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 102.228 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là nhà băng ghi nhận thu nhập ngoài lãi lớn nhất với 14.291 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ lãi thuần hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VPBank tăng 60% sau 9 tháng đầu năm, đạt 4.556 tỷ đồng, còn lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 9.685 tỷ đồng.

Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng trưởng nhờ đâu?

Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận thu nhập ngoài lãi đạt 12.253 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đứng ở vị trí thứ ba với thu nhập ngoài lãi đạt 10.983 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Trong kỳ này, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã vươn lên vị trí thứ 4 với 9.475 tỷ đồng thu nhập ngoài lãi, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này đến từ việc lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ lên 888 tỷ đồng và lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ, từ 182 tỷ đồng lên 813 tỷ đồng.

Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với thu nhập ngoài lãi đạt 9.471 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này đến từ việc các hoạt động đem lại nguồn thu chính cho thu nhập ngoài lãi là hoạt động dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác đều ghi nhận lãi thuần giảm. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh cũng ghi nhận lỗ 77 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 444 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác có tăng trưởng mạnh về thu nhập ngoài lãi 9 tháng đầu năm như: PGBank (tăng 211%), NCB (tăng 151%), Sacombank (tăng 99%), LienVietPostBank (tăng 94%), VietABank (tăng 76%), SeABank (tăng 70%).

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng có thu nhập ngoài lãi giảm là MB (giảm 4%), ABBank (giảm 3%), Vietbank (giảm 32%), VietCapitalBank (giảm 33%) và BaoVietBank (giảm 71%).

Thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tiếp tục tăng
Thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tiếp tục tăng

Theo Fiin Research, hai nhân tố đóng góp chính vào mức tăng trưởng cho thu nhập ngoài lãi là doanh thu bancassurance và phí dịch vụ thẻ, các chuyên gia kỳ vọng thu nhập ngoài lãi sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn và trung hạn.

Tại cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư, lãnh đạo VPBank cho biết nổi bật trong thu ngoài lãi của ngân hàng chính là các khoản doanh thu từ phí.

Theo VPBank, các nguồn thu ngoài lãi đóng góp vào tổng thu nhập hoạt động tại ngân hàng có thể kể tới hoạt động thanh toán và ngân quỹ trong 9 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ nhờ doanh số giao dịch POS tăng mạnh, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tiêu dùng phục hồi.

Trong khi đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm vẫn ghi nhận tăng trưởng, tăng 68% so với cùng kỳ. Tương tự, thu phí từ thẻ tăng 35% so với cùng kỳ, tương ứng với số lượng thẻ phát hành và giao dịch gia tăng trong 9 tháng đầu năm.

Chứng khoán Agriseco cũng cho rằng trong nửa cuối năm nay, thu ngoài lãi sẽ tiếp tục xu hướng tăng và kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh, với đóng góp chính là khoản thu dịch vụ bancassurance và phí thẻ.

Doanh thu bancassurance hiện chiếm đa số trong doanh thu phí của các ngân hàng. Mảng kinh doanh bảo hiểm đang dần tăng trưởng tích cực và còn nhiều dư địa với tỷ lệ thâm nhập cùng phí bảo hiểm bình quân vẫn ở mức thấp.

Trong thời gian tới, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục được ghi nhận các khoản phí trả trước phân bổ từ các thương vụ ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm, đóng góp tích cực vào sự phát triển lợi nhuận các ngân hàng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Hồng Giang