Investing cho biết, đồng USD giảm so với đồng euro phiên thứ ba liên tiếp sau thông tin các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang xem xét tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản, cao hơn dự kiến trước đó tại cuộc họp vào ngày mai để kiềm chế lạm phát cao kỷ lục.

Đồng thời, kỳ vọng ngày càng giảm về khả năng tăng lãi suất lên 100 điểm cơ bản từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng này cũng đã góp phần làm suy yếu đồng USD.

Tỷ giá USD ngày 20/7/2022: USD tiếp tục suy yếu khi ECB đang xem xét tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản
Hình minh họa

Joe Manimbo, chuyên gia cấp cao tại Western Union Business Solutions ở Washington, cho rằng diễn biến tiền tệ những ngày tới sẽ tiếp tục xoay quanh kỳ vọng đối với chính sách của các ngân hàng trung ương.

Đối với đồng euro, ông cho rằng đồng tiền này đang được ủng hộ bởi triển vọng đối với chính sách tiền tệ xuyên Đại Tây Dương, đưa đồng tiền chung phục hồi xa hơn so với mức dưới ngang giá USD như giữa tuần trước. Hiện có tới 60% thị trường tiền tệ định giá khả năng tăng 50 điểm cơ bản vào thứ 5 tới của ECB, thay vì 25% hôm đầu tuần.

Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến bất ổn chính trị ở Rome với việc chính phủ Ý đang không chắc chắn về việc liệu Mario Draghi có tiếp tục làm Thủ tướng hay không. Ông Manimbo nhận định nếu Ý không có Draghi sẽ gây mất ổn định và có xu hướng làm tăng thêm sự suy yếu của đồng euro. Ngoài ra, những lo ngại liên tục về nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và tác động đến nền kinh tế của nó có thể ảnh hưởng đến sự “diều hâu” của ECB khi quyết định chính sách.

Ở một diễn biến khác, đồng đô la Úc đã tăng đáng kể sau khi các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Dự trữ Úc cho biết họ thấy cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa sau những đợt tăng gần đây.

Về thị trường chứng khoán Mỹ, trong ngày 19/7, các chỉ số bất ngờ bật tăng khi nhà đầu tư kỳ vọng báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ của các doanh nghiệp và dự báo rằng thị trường đã tìm thấy đáy.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vọt lên 754 điểm, tương đương 2,43%, và đóng cửa ở 31.827 điểm – gần với mức cao nhất trong ngày. Đà tăng mạnh lên đáng kể trong giờ giao dịch cuối cùng của buổi chiều.

S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên mạnh hơn với mức tăng lần lượt là 2,76% và 3,11%. Theo CNBC, cả ba chỉ số chính hiện nay đều ở trên đường trung bình trượt 50 phiên (MA 50) lần đầu tiên kể từ tháng 4. S&P 500 đã hồi phục 7,4% kể từ đáy trong phiên 16/6.

Nhà đầu tư cho rằng thị trường đã chạm đáy sau khi giảm điểm mạnh từ đầu năm nay. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa được công bố cho thấy họ có khả năng chống chọi lại những "cơn gió chướng" tốt hơn so với những gì nhà đầu tư lo ngại trước đó.

“Lạm phát cao là điều đã được dự báo từ trước, do đó, nó không mang lại quá nhiều bất ngờ. Điều bất ngờ ở đây là các doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt trước lạm phát”, Kim Forrest, Giám đốc đầu tư kiêm đồng sáng lập Bokeh Capital Partners, chia sẻ.

Sự hoảng loạn của nhà đầu tư trong suốt thời gian qua đã tạo ra một cơ hội đầu tư không thể tốt hơn, theo khảo sát của Bank of America (BoA) đối với nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp.