Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tiếp tục được các doanh nghiệp thực hiện với khối lượng lớn. Nếu như cả quý 1/2022, khối lượng mua lại trước hạn là 12.800 tỉ đồng thì tính đến cuối tháng 4, tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 24.700 tỉ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý 1/2022.

4504-bidv-mua-trai-phieu-truoc-han
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo mua lại 5.108 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Hình minh họa

BIDV thông báo mua lại 5.108 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Ngày 10/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố thông tin về đợt mua lại trái phiếu trước hạn như sau:

Mã TP

Khối lượng mua lại

Ngày mua lại

BID2_RL_20.18

615 tỷ đồng

11/06/2022

BID2_RL_20.28

1.000 tỷ đồng

22/06/2022

BID2_RL_20.29

1.000 tỷ đồng

23/06/2022

BID2_RL_20.30

1.000 tỷ đồng

24/06/2022

BID2_RL_20.31

400 tỷ đồng

25/06/2022

BID2_RL_20.32

491 tỷ đồng

26/06/2022

BID2_RL_20.36

260 tỷ đồng

16/07/2022

BIDL2027039

342 tỷ đồng

30/07/2022

Phương thức tổ chức mua lại: Mua lại theo quyền mua lại trước hạn của Tổ chức phát hành.

Đây là trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán bằng Đồng Việt Nam, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, là nợ thứ cấp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của BIDV theo quy định hiện hành.

Lãi suất trái phiếu: Lãi suất thả nổi = Lãi Suất Tham Chiếu + 0,7% /năm.

Đầu tư Năm Bảy Bảy mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu của mình

Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE – Mã: NBB) cũng vừa thông báo kết quả mua trái phiếu trước hạn. Theo đó, NBB vừa mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu để giảm xuống từ 350 tỷ đồng về còn 300 tỷ đồng trong đợt phát hành tháng 6/2021, thời gian mua lại từ 9/5 đến 12/5. Đây là trái phiếu phát hành ngày 11/6/2021, đáo hạn ngày 11/6/2024 và mã trái phiếu là NBBH2124001. Như vậy, NBB đã thực hiện mua lại một phần trái phiếu phát hành sau gần 1 năm.

Trong quá khứ, NBB cũng từng phải lại 50 tỷ trái phiếu trước hạn sau 3 tháng phát hành. Cụ thể, ngày 20/9/2021, NBB mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu sau hơn 3 tháng phát hành cho HDBank. Đây là một phần trong lô trái phiếu 490 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn ngày 11/6/2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có lãi suất cố định 11% trong năm đầu tiên, các kỳ trả lãi tiếp theo là định kỳ 6 tháng/lần với lãi suất tối thiểu 11%/năm.

Trái phiếu được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản, quyền tài sản tại dự án Khu Dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi; quyền phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư giữa NBB và Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm; các cổ phiếu do công ty CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (HoSE: CII) sở hữu; và các tài sản khác.

Gelex hoàn tất mua lại 300 tỉ đồng trái phiếu

Tổng công ty Cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã GEX) do ông Nguyễn Văn Tuấn làm Tổng giám đốc vừa công bố hoàn tất mua lại 300 tỉ đồng trái phiếu có mã GEXH2124001. Số trái phiếu này được phát hành vào ngày 19.5.2021 có kỳ hạn 3 năm, kéo dài đến ngày 19.5.2024 với lãi suất cố định là 8,5%/năm. Giá mua lại bằng mệnh giá trái phiếu (100 triệu đồng/trái phiếu) cộng với tiền lãi trái phiếu tính theo số ngày thực tế.

Tính đến hết quý 1/2022, vay và nợ thuê tài chính của GELEX hơn 22.773 tỉ đồng, chiếm 57% nợ phải trả. Khoản mục này làm chi phí lãi vay tăng cao, cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ. Trong đó, vay ngân hàng khoảng 14.779 tỉ đồng và vay bằng trái phiếu dài hạn khoảng 6.769 tỉ đồng. Chỉ riêng năm 2021, GELEX đã phát hành hai đợt trái phiếu và huy động 1.800 tỉ đồng.

Ngoài Ngân hàng BIDV, Đầu tư Năm Bảy Bảy và Gelex, hàng loạt doanh nghiệp lớn khác cũng đã tiến hành mua lại trái phiếu trong tháng vừa qua. Đáng kể như An Phát Finance tất toán sớm toàn bộ các trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng vào ngày 25/4. Đây là 7 lô trái phiếu có kỳ hạn có thời điểm đáo hạn sớm nhất từ tháng 8 và trễ nhất là tháng 10/2024.

Công ty Intimex Việt Nam mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027. Chứng khoán MB mua lại toàn bộ 320 tỷ đồng trong gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 10.

Ngân hàng TPBank cũng tất toán sớm 2 gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 5/2024 và 800 tỷ đáo hạn tháng 4/2023. Ngân hàng MSB mua sớm 1.000 tỷ đồng gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2023…

Sau vụ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh của đại gia Đỗ Anh Dũng, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trở thành chủ đề nóng.

Theo Bộ Xây dựng nhận định, nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu gây rủi ro cho thị trường. Kỳ hạn phát hành trái phiếu ngắn, khoảng 3-5 năm nhưng lại huy động vốn để thực hiện các dự án kéo dài trên 5 năm nên rủi ro với nhà đầu tư là không nhỏ.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp thường là dự án bất động sản, nhưng công tác định giá tài sản đảm bảo lại không sát với thực tế, cao hơn giá trị thực, gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư mua trái phiếu bất động sản.