Trong phiên thảo luận kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, cổ đông rất quan tâm đến dư nợ cho vay của MB đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản. Một cái tên nổi trội được nhắc tới là Novaland (NVL). Cụ thể, cổ đông hỏi ngân hàng có cân nhắc lại đối với các khoản vay đối với NVL không?

Chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết, điều quan trọng là cần phân biệt loại trái phiếu, nhà phát hành, đồng thời xem lại cách quản lý của ngân hàng đối với trái phiếu. Các nhà phát hành là khách hàng của MB, thay vì cho vay trung và dài hạn, chúng tôi cho vay thông qua đầu tư trái phiếu. Ngân hàng quản lý các dự án đầu tư này không khác gì các khoản cho vay trung và dài hạn. Một điểm mạnh của đầu tư trái phiếu là các ngân hàng có thể tăng giảm quy mô tín dụng cho phù hợp.

Riêng trường hợp của NVL, MB tiếp cận và giải quyết các khoản vay của Novaland tốt trong thời gian qua. Cụ thể, MB giảm một nửa dư nợ. Hai dự án của NVL được ngân hàng cho vay đều có sự hỗ trợ của Chính phủ trong vấn đề đầu tư pháp lý và dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành. Quy mô khách hàng lớn dẫn đến rủi ro phát sinh là không thể tránh khỏi, nhưng cách thức giải quyết của ngân hàng mới là yếu tố quan trọng.

Trước đó, Tổng Giám đốc MB - ông Phạm Như Ánh cũng đã thông tin tới cổ đông về quá trình thu hồi nợ của ngân hàng. Trong năm 2023, MB đã thu hồi nợ được 2.400 tỷ đồng và hiện nay dư nợ không còn nhiều, các dự án ở Novaland cũng đang được giải quyết, tháo gỡ, dự kiến trong quý II này. Vấn đề quản trị rủi ro vẫn là trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển của MB ở bất kỳ thời điểm nào.

Novaland cho biết với khoản vay số 1, doanh số MBBank giải ngân tối đa tại mọi thời điểm là 10.000 tỷ đồng và dư nợ của Delta - Valley Bình Thuận tối đa là 6.000 tỷ đồng. Khoản vay này dùng để thanh toán tiền sử dụng đất, nhu cầu đầu tư, xây dựng và phát triển dự án Novaworld Phan Thiet. Bên cạnh đó, Novaland cũng bảo lãnh các khoản vay khác theo quy định tại các văn kiện tín dụng được ký kết giữa MBBank và Delta - Valley.