Gần một phần ba ô tô ở Trung Quốc và hơn một phần năm ô tô tại Mỹ và Châu Âu sẽ chạy bằng điện vào năm 2030, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra dự báo trong một báo cáo được công bố hôm thứ Ba (23/4).

Chỉ riêng trong năm nay, khoảng 20% số lượng ô tô – tương đương 17 triệu chiếc - được bán trên toàn thế giới sẽ là xe điện, theo báo cáo Global EV Outlook 2024.

Điều này xảy ra sau một năm bùng nổ kỷ lục đối với các nhà sản xuất xe điện, họ đã bán được 14 triệu xe vào năm 2023, tăng 35% so với năm trước. Đồng thời, xe điện chiếm 18% doanh số bán ô tô trên toàn thế giới vào năm 2023, tăng 4% so với năm 2022.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Thay vì giảm dần, cuộc cách mạng xe điện toàn cầu dường như đang chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng mới. Làn sóng đầu tư vào sản xuất pin cho thấy chuỗi cung ứng xe điện đang ngày càng tiến lên để đáp ứng kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của các nhà sản xuất ô tô. Do đó, thị phần xe điện trên đường dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng nhanh”.

Được 'hậu thuẫn' bởi siêu cường châu Á, xe điện sắp bước vào thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử, 17 triệu chiếc chuẩn bị được bán ra trong năm nay
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Thay vì giảm dần, cuộc cách mạng xe điện toàn cầu dường như đang chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng mới”. Ảnh: Internet

Hơn một nửa số xe điện toàn cầu được sản xuất bởi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vào năm 2023, cao hơn nhiều so với chỉ 10% số ô tô động cơ đốt trong. Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu ô tô lớn nhất vào năm 2023, bán được khoảng 4 triệu chiếc tại thị trường nước ngoài, trong số đó hơn 1,2 triệu là xe điện.

Các công ty Trung Quốc như BYD là những người chiến thắng lớn nhất trong thị trường xe điện đang phát triển, nhờ năng lực sản xuất lớn và các khoản trợ cấp của Chính phủ cho phép họ giảm giá và dẫn dầu tại nhiều thị trường. IEA ước tính rằng 60% xe điện được bán tại Trung Quốc đã có giá rẻ hơn xe động cơ đốt trong.

Sự bùng nổ sản xuất ở Trung Quốc đang tạo sức nóng cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, hầu hết hàng xuất khẩu của Trung Quốc đều hướng đến châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Mỹ đang chịu áp lực ngày càng tăng khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu quy mô lớn và đang điều chỉnh chiến lược doanh nghiệp cho phù hợp”.

Báo cáo cũng chỉ ra những tuyên bố của Ford và General Motors vào tháng 2/2024 về việc hợp tác để cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, đặc biệt là BYD. Được biết, bộ phận xe điện của hai "gã khổng lồ" Ford và GM đều đang thua lỗ.

Không chỉ là nhà sản xuất lớn, Trung Quốc còn là nước mua xe điện lớn nhất năm ngoái, chiếm 60% tổng lượng mua, cao hơn hẳn so với 25% của châu Âu và 10% của Mỹ.

Bùng nổ tại thị trường Đông Nam Á

Trong khi sự tăng trưởng tập trung ở những thị trường chính này, nhu cầu về những phương tiện trên cũng đang tăng lên ở một số nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Việt Nam chứng kiến ​​​​sự tăng trưởng chưa từng có về doanh số bán xe điện mặc dù thị trường ô tô đang bị thu hẹp, với xe điện chiếm 15% số ô tô bán ra vào năm 2023.

VinFast chiếm gần như toàn bộ doanh số bán hàng trong nước, tự khẳng định mình là đối thủ chính đối với các thương hiệu Trung Quốc trong khu vực như Chery Automobile và BYD, đồng thời nhắm tới các thị trường xuất khẩu châu Á khác như Ấn Độ và Philippines.

Được 'hậu thuẫn' bởi siêu cường châu Á, xe điện sắp bước vào thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử, 17 triệu chiếc chuẩn bị được bán ra trong năm nay
VinFast chiếm gần như toàn bộ doanh số bán hàng trong nước tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Thái Lan cũng là một thị trường đang phát triển cho xe điện. Khoảng 10% số ô tô được bán ở đó vào năm ngoái là xe điện, tăng gấp 4 lần so với năm 2022, bất chấp tổng doanh số bán ô tô trong nước giảm vào năm 2023. Góp phần vào sự bùng nổ doanh số bán xe điện là các khoản trợ cấp và ưu đãi mới của Chính phủ nước này dành cho các nhà sản xuất pin, đồng thời giảm thuế nhập khẩu.

Trong khi các mẫu xe Trung Quốc chiếm một nửa doanh số thì Thái Lan đang hướng tới trở thành trung tâm sản xuất. Cả Chery Automobile và BYD đều dự kiến ​​sẽ thành lập các nhà máy sản xuất ở nước này, trong khi các công ty Trung Quốc cùng ngành khác là Great Wall Motor và Changan đã có cơ sở sản xuất ở đó.

Được 'hậu thuẫn' bởi siêu cường châu Á, xe điện sắp bước vào thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử, 17 triệu chiếc chuẩn bị được bán ra trong năm nay
BYD đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Thái Lan. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ở Ấn Độ và Indonesia, chỉ có 2% số ô tô bán ra năm ngoái là xe điện, nhưng Chính phủ đang kỳ vọng thu hút các nhà đầu tư quốc tế thông qua các ưu đãi hỗ trợ lĩnh vực này. Cả BYD và VinFast đều có kế hoạch mở nhà máy tại Indonesia vào năm 2024.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện đã thúc đẩy các khoản đầu tư lớn trên toàn thế giới, đặc biệt là vào sản xuất pin, nơi công suất hiện đang vượt quá nhu cầu.

Theo báo cáo hôm thứ Ba (23/4), các nhà máy sản xuất pin đang hoạt động đã cam kết đã có khả năng đáp ứng khối lượng sản xuất xe điện dự kiến đến năm 2030.

IEA nhấn mạnh thực tế là doanh số bán xe điện tăng vọt bất chấp những căng thẳng trên thị trường, chẳng hạn như giá nguyên liệu thô không ổn định, tỷ suất lợi nhuận nhỏ và các thay đổi chính sách của Chính phủ.

IEA cũng dự báo rằng việc đẩy nhanh sử dụng xe điện sẽ giúp tiết kiệm được 10 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2035, tương đương với lượng cần thiết để cung cấp nhiên liệu cho tất cả các phương tiện giao thông đường bộ của Mỹ hiện nay.

Báo cáo cho biết, trong một kịch bản lạc quan, có tới 2/3 tổng doanh số bán ô tô có thể là xe điện vào năm 2035, nếu tất cả các Chính phủ đáp ứng các cam kết về mục tiêu khí hậu.