Lạm phát đình trệ - Cơn ác mộng đối với mọi NHTW

Thoạt nhìn, báo cáo GDP Mỹ quý I công bố tối thứ 5, ngày 25/4 (theo giờ Việt Nam) không có quá nhiều điều cần tranh cãi. Nền kinh tế đã tăng trưởng yếu hơn dự đoán - GDP tăng 1,6% trong quý I/2024, dựa trên dữ liệu được điều chỉnh theo mùa và theo lạm phát. Mức tăng này thấp hơn đáng kể so với dự báo tăng 2,4% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Fed có nguy cơ sắp đụng độ ‘cơn ác mộng’ tồi tệ nhất của mọi NHTW, chuyên gia lập tức cảnh báo khẩn
GDP Mỹ QI/2021-QI/2024. Ảnh: CNBC

Tuy nhiên lại có một vấn đề đang nhấp nháy cảnh báo trong bản báo cáo lần này. Đó là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất cho thấy lạm phát đang gia tăng và ngày càng rời xa mục tiêu 2% của Fed. Một số nhà kinh tế cũng đã đưa ra dự báo rằng dữ liệu lạm phát được công bố vào tối nay, thứ 6, ngày 26/4 cũng sẽ vẽ nên viễn cảnh tương tự.

Và thị trường không thể xem thường tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng lạm phát vẫn gia tăng đó. Đây được gọi là lạm phát đình trệ (stagflation). Cụ thể, lạm phát đình trệ là trạng thái tăng trưởng kinh tế chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao, hoặc kinh tế trì trệ nhưng đồng thời lạm phát lại tăng cao.

Lạm phát đình trệ cũng được định nghĩa là khoảng thời gian mà lạm phát tăng cao kết hợp với sụt giảm GDP. Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970 khi mà cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã kéo theo một thời kỳ dài giá cả hàng hóa tăng và GDP giảm mạnh.

Và chắc chắn đây là một trong những kịch bản xấu nhất đối với các ngân hàng trung ương.

Công bằng mà nói, một báo cáo GDP không đại diện cho một xu hướng. Và trên hết, dữ liệu GDP được công bố tối ngày 25/4 sẽ còn có 2 lần sửa đổi tiếp theo, điều này có thể cho thấy nền kinh tế không chậm lại quá nhiều. Và ngay cả khi dữ liệu không thay đổi, kinh tế Mỹ vẫn ở vị trí tốt hơn nhiều so với Anh và Đức, nơi lạm phát cao đi đôi với việc tăng trưởng GDP gần như “không tồn tại”.

Tuy nhiên, báo cáo GDP mới nhất của Mỹ không phải là một dấu hiệu “dễ chịu” đối với Fed hoặc các nhà đầu tư, bằng chứng là đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm thứ 5.

Liệu có nguy hiểm ở phía trước?

Fed có nguy cơ sắp đụng độ ‘cơn ác mộng’ tồi tệ nhất của mọi NHTW, chuyên gia lập tức cảnh báo khẩn
Dữ liệu GDP mới nhất của Mỹ không phải là một dấu hiệu “dễ chịu” đối với Fed hoặc các nhà đầu tư

Tỷ lệ thất nghiệp thấp có xu hướng bù đắp một số nỗi đau mà mức lạm phát cao mang lại. Đó là bởi các doanh nghiệp thường chỉ có thể tăng giá khi mọi người kiếm đủ tiền để mua. Ngược lại, khi tỷ lệ thất nghiệp cao và mọi người đang cắt giảm chi tiêu, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển mức giá cao hơn cho khách hàng, điều này khiến lạm phát ở mức thấp.

Một trong những đợt lạm phát đình trệ tồi tệ nhất xảy ra vào những năm 1970 sau khi giá dầu tăng vọt do Ả Rập thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ đối Mỹ với các đồng minh của Israel năm 1973, khiến chi phí sinh hoạt tăng lên đáng kể. Nhưng khi Fed cố gắng giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất, nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.

Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon lo ngại rằng lịch sử có thể lặp lại. Hồi đầu tuần này, ông có nói rằng: “Tôi lo ngại rằng nền kinh tế bây giờ đang giống với những năm 1970 hơn những gì chúng ta từng trải qua trong 20 năm qua”. Và ông cũng ngay lập tức lặp lại thông điệp đó trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal công bố hôm thứ 5 trước khi báo cáo GDP được công bố.

Chắc chắn có những điểm tương đồng kỳ lạ với những năm 1970, khi căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và giá dầu tăng cao, nhưng nhiều nhà kinh tế cũng cảm thấy Mỹ còn lâu mới quay về tình trạng mà nước này phải đối mặt khi đó.

Ngay cả ở thời kỳ “đỉnh cao khủng khiếp” gần đây, lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất trong thập kỷ đó là gần 12%. Với tốc độ hiện nay, giá cả thậm chí còn tăng chậm hơn so với những năm 1970.

Nhiều nhà kinh tế, chiến lược gia đầu tư cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm này. Họ cho rằng hiện tại là thời của “kịch bản Goldilocks”, khi lạm phát được kiểm soát mà không gây ra suy thoái kinh tế.