2023 khép lại với thành công lớn của ngân hàng MBBank (MBB) ở hàng loạt thông số.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì, cả năm đạt 28,2%. MBBank đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất 7 lần trong năm 2023 với mức giảm từ 2 - 4% để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay. Ngân hàng cho biết đã phục vụ gần 27 triệu khách hàng nhờ nền tảng công nghệ thông tin được đầu tư tiêu chuẩn.

MBB duy trì CASA ổn định ở mức cao với mức 40,1%. Tiền gửi của khách hàng đạt 569.640 tỷ đồng, tăng 27,3% so với đầu năm. Số dư CASA năm 2023 cũng tăng trưởng gần 27% so với năm 2022.

Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MBBank đạt hơn 26.306 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với năm 2022. Khả năng sinh lời ở mức cao, ROA và ROE lần lượt là ~2,5% và ~25%.

MBBank cũng chứng kiến quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, tỷ lệ CIR tiếp tục được tối ưu năm thứ 4 liên tiếp (từ mức 35,56% năm 2020 về 29,15% năm 2023). Tỷ lệ nợ xấu cả năm ở mức 1,4%.

[LIVE] ĐHCĐ MBB: Dự kiến tăng vốn lên 61.000 tỷ đồng, trả cổ tức hậu hĩnh cho cổ đông
Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của MBBank

Dành hơn 10.000 tỷ đồng để chia cổ tức

Trong năm 2024, MBBank dự chia cổ tức 2023, với tỷ lệ 20%. Số lợi nhuận còn lại sau khi thực hiện chia cổ tức là 8.339 tỷ đồng. Cụ thể, ngân hàng sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chưa được công bố. Tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 dự kiến là 10 - 20%, trong khi trung bình trong 5 năm tới sẽ là 15 - 20%/năm.

Mặt khác, MBBank cũng dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2024, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, ngoài việc nâng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng.

Vào đầu năm 2024, ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch chào bán 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến quý II/2025.

Nếu hoàn thành hai cấu phần, vốn điều lệ của MBBank sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng gần 16% trong năm 2023, bước sang năm 2024, MB đưa ra kế hoạch lợi nhuận tương đối khiêm tốn.

Cụ thể, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 - 8%, thấp hơn mục tiêu được công bố tại Hội nghị nhà đầu tư hồi đầu năm. Như vậy, có thể ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MBBank trong năm 2024 dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.

Nâng cấp lên 40 triệu khách hàng

Trong giai đoạn từ năm 2024 - 2029, ngân hàng kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực hơn, trung bình khoảng 12%/năm.

Về chỉ tiêu tổng tài sản, MBBank đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,23 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành nhà băng cổ phần đầu tiên vượt qua cột mốc này.

MBBank kỳ vọng tài sản sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm. Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn trong khi mục tiêu trung bình trong 5 năm tới là 15%/năm.

Tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng từ 15% đến 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 5 năm tới, Ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng trung bình tăng 15% mỗi năm. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II ở mức tối thiểu là 9%.

Về các chỉ số như ROE, ROA hay CIR, ngân hàng phấn đấu nằm trong top đầu ngành.

Tới cuối năm 2024, MBBank đặt mục tiêu phục vụ 30 triệu khách hàng. Con số này sẽ tăng lên mốc 40 triệu khách vào năm 2029.

Ngoài ra, tại ĐHCĐ kỳ này, ngân hàng sẽ bầu HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo đó, số lượng thành viên trong HĐQT là 11 người, với 1 thành viên độc lập. Số lượng thành viên của Ban Kiểm soát là 5 người.