Trong quý, Xây dựng Hòa Bình (HBC) ghi nhận doanh thu tăng mạnh 38,2% so với cùng kỳ năm trước (YoY), đạt 1.651 tỷ đồng. Việc khắc phục tình trạng kinh doanh dưới giá vốn giúp công ty ghi nhận lợi nhuận gộp dương trở lại, mức 21,3 tỷ. Dù vậy, biên lãi gộp quý này chỉ vỏn vẹn 1,3%.

Thu không đủ bù chi song nhờ khoản doanh thu tài chính đột biến 113,7 tỷ đồng (gấp 44,6 lần YoY - chủ yếu là lãi bán các khoản đầu tư) nên sau trừ thuế phí, công ty báo lãi 56,5 tỷ đồng - cải thiện hơn mức lỗ 445 tỷ của quý I năm ngoái.

Cũng cần nhấn mạnh, trong quý đầu năm, việc giảm 38 tỷ đồng chi phí tài chính (còn 99,8 tỷ) và được hoàn nhập chi phí quản lý doanh nghiệp 21,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chịu mức chi gần 100 tỷ) đã đóng góp tích cực giúp Hòa Bình đảo chiều kết quả kinh doanh.

Xây dựng Hòa Bình (HBC) thoát lỗ quý I, trích lập dự phòng nợ xấu gần 2.400 tỷ đồng
Thuyết minh chi tiết chi phí quản lý doanh nghiệp quý I/2024 của HBC

Cùng thời điểm năm trước đó, những vấn đề phát sinh từ xung đột bộ máy quản lý thượng tầng đã khiến HBC có quỹ lỗ nặng, mở đầu cho khoản lỗ 1.115 tỷ đồng cả năm. Đây cũng là mức lỗ năm thứ 2 liên tiếp của "đại gia làng thầu xây dựng".

Xây dựng Hòa Bình (HBC) thoát lỗ quý I, trích lập dự phòng nợ xấu gần 2.400 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh của HBC những năm gần đây

Năm 2024, Xây dựng Hòa Bình thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, công ty vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra.

Thời điểm cuối tháng 3, tổng tài sản của HBC giảm 350 tỷ so với đầu năm còn gần 14.900 tỷ đồng. Trong số này, 10.240 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn (đã bao gồm khoản trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 2.400 tỷ), chiếm gần 69%. Lượng tiền mặt của công ty giảm còn 315 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Hòa Bình giảm còn 14.700 tỷ đồng (cao hơn tổng tài sản); gần 4.500 tỷ đồng là nợ vay tài chính. Vốn chủ sở hữu cải thiện nhẹ từ 93,4 tỷ đồng lên 149 tỷ đồng.

Tập đoàn hiện đang lỗ lũy kế 3.182 tỷ đồng.

Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2024 (tổ chức chiều ngày 25/4), lãnh đạo Hòa Bình cho biết, trong 10 năm tới, công ty sẽ tăng quy mô vốn chủ sở hữu lên trên 10.000 tỷ đồng, đẩy mạnh xây dựng trên thị trường nước ngoài và hướng đến Top 50 công ty xây dựng lớn nhất thế giới.

Tổng Giám đốc Hòa Bình đưa ra 8 giải pháp để tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ, bán dự án, tăng cường thu hồi công nợ... nâng vốn chủ sở hữu lên mức 4.765 tỷ đồng.

Ngoài ra, HBC dự kiến phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu (giá 12.000 đồng) cho cổ đông chiến lược. Vốn chủ sở hữu đến năm 2026 dự kiến là 7.165 tỷ.