Cụ thể, ngày 21/8, Chứng khoán VIX đã mua vào 4,617 triệu cổ phiếu VIT của CTCP Viglacera Tiên Sơn, qua đó nâng sở hữu tại Viglacera Tiên Sơn lên 7,067 triệu cổ phần, tương đương 14,13% vốn điều lệ công ty này. Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận với tổng giá trị 81,6 tỷ đồng.

Được thành lập vào năm 2001 với tiền thân là Công ty Gạch Granite Tiên Sơn, Viglacera Tiên Sơn là thành viên của Tổng Công ty Viglacera – CTCP. Tính đến ngày 28/2/2023, Viglacera sở hữu 25,5 triệu cổ phiếu VIT, tương đương 51% vốn điều lệ công ty này.

Viglacera Tiên Sơn là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh gạch ốp lát cao cấp với 3 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Bình và Bà Rịa Vũng Tàu.

Trước khi chi tiền mua vào lượng lớn cổ phiếu VIT, vào ngày 18/8, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, Chứng khoán VIX đã mua vào 1,51 triệu cổ phiếu TBD, qua đó nâng sở hữu tại Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP từ 2,6 triệu cổ phần lên 4,1 triệu cổ phần, tương đương 12,61% vốn điều lệ công ty này.

Thống kê giao dịch cổ phiếu VIT trong phiên 21/8 đã thỏa thuận thành công đúng lượng cổ phiếu Chứng khoán VIX mua vào, với tổng giá trị 81,55 tỷ đồng, tương đương mức giá giao dịch bình quân là 17.662 đồng/CP. Trong khi kết phiên giao dịch ngày 29/8, cổ phiếu VIT đang có mức giá là 16.900 đồng/CP.

Chi gần 82 tỷ đồng, Chứng khoán VIX tăng sở hữu tại Viglacera Tiên Sơn lên 14%

Tuy nhiên, HNX mới đây đã có thông báo về việc bổ sung cổ phiếu VIT vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, từ ngày 22/8. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của Viglacera Tiên Sơn tại báo cáo bán niên năm 2023 đã được soát xét là số âm.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 đã soát xét, nửa đầu năm nay Viglacera Tiên Sơn ghi nhận doanh thu đạt hơn 872,88 tỷ đồng, tăng 10,77% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, do chi phí tài chính, với chi phí lãi vay tăng mạnh hơn 83% lên hơn 54 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 19,93 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 7,15 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản VIT xấp xỉ 2.408 tỷ đồng, tăng 9,1% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm gần 60% xuống còn hơn 18,2 tỷ đồng; nhưng hàng tồn kho tăng mạnh 38,37% lên hơn 785,1 tỷ đồng.

Nợ phải trả chiếm hơn 75% tỷ trọng tổng nguồn vốn, với gần 1.810 tỷ đồng, tăng 14,94% so với đầu năm; trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 726,33 tỷ đồng và hơn 683 tỷ đồng.

Chi gần 82 tỷ đồng, Chứng khoán VIX tăng sở hữu tại Viglacera Tiên Sơn lên 14%

Về tình hình kinh doanh của VIX, trong 3 tháng quý 2/2023, VIX ghi nhận doanh thu hoạt động gần 688 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ ở mức 461 tỷ đồng, tăng 94,5% so với quý 2/2022, còn lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 154,5 tỷ đồng, hoạt động cho vay và phải thu đạt gần 50 tỷ đồng, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán là 16,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, các loại chi phí của VIX cũng giảm đáng kể, riêng chi phí hoạt động môi giới chứng khoán giảm 60% xuống còn 8,4 tỷ đồng. Kết quả, Chứng khoán VIX báo lợi nhuận trước thuế 703 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 566 tỷ đồng, tăng lần lượt gấp 10 lần và 9,7 lần so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, công ty lãi ròng 576 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, VIX đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế 540 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, công ty chứng khoán này đã vượt mục tiêu lợi nhuận chỉ sau 6 tháng đầu năm.

Cũng chính vì sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh, vào ngày 23/8, Chứng khoán VIX đã có Nghị quyết HĐQT về việc thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua việc điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh và trả cổ tức năm 2023.

Cụ thể, trong khoảng từ ngày 20/9 – 16/10, Chứng khoán VIX sẽ tiến hành lấy ý kiến cổ đông, thông qua việc điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lên 1.150 tỷ đồng và 920 tỷ đồng, lần lượt tăng 70,1% và 70,4% so với kế hoạch đã thông qua tại ĐHĐCĐ ngày 15/4/2023.