Lý do từ phía HNX bởi Chứng khoán APEC chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 quá 30 ngày so với hạn quy định.

Về vấn đề này, APS cho biết công ty đã có sự thay đổi về đơn vị kiểm toán trong năm 2023. Do đó, đơn vị kiểm toán cần có thêm thời gian để kiểm toán lại số dư đầu kỳ và dữ liệu phát sinh trong năm. Mặt khác, Chứng khoán APEC cũng đang hoàn hiện thủ tục xin cấp phép thay đổi người đại diện trước pháp luật (sau sự kiện một số lãnh đạo chủ chốt bị bắt vì thao túng giá cổ phiếu) và đang đợi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn và cho ý kiến về vấn đề này.

APS hiện đã công bố báo cáo tài chính tự lập 6 tháng năm 2023 và đã ký hợp đồng kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY vào ngày 22/8/2023.

"Công ty đang tích cực phối hợp với đơn vị kiểm toán, dự kiến phát hành và công bố BCTC trước ngày 29/9/2023", APS giải trình.

Ghi nhận tại báo cáo tài chính, Chứng khoán APEC đạt 360 tỷ đồng doanh thu hoạt động sau nửa đầu năm - tăng 127% so với bán niên 2022; lãi sau thuế ở mức 46 tỷ trong khi cùng kỳ lỗ 304 tỷ đồng.

Theo quy định tại Điều 39, 40, 41 Quyết định 17/QĐ-HĐTV và Luật Chứng khoán (sửa đổi) năm 2019, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch thuộc 1 trong 5 trường hợp trong đó "Khi tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát quá 45 ngày so thời hạn quy định".

Như vậy, nếu tiếp tục chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên thêm 3 tuần giao dịch, cổ phiếu APS có thể bị HNX chuyển sang diện hạn chế giao dịch.

Chứng khoán APEC làm gì để cổ phiếu APS thoát nguy cơ hạn chế giao dịch?
Chứng khoán APEC làm gì để cổ phiếu APS thoát nguy cơ hạn chế giao dịch?

Về kết quả kinh doanh quý 2/2023, chứng khoán APEC ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 316% so với cùng kỳ, lên mức 233 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ khoản lãi từ tài sản FVTPL cao gấp 14 lần, đạt 226 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc đánh giá lại danh mục tự doanh.

Ở chiều ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu cùng doanh thu môi giới đều giảm so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động ghi nhận giảm 58% so với quý 2/2022, xuống mức 209 tỷ đồng.

Kết quả, APS thu về lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng trong quý 2/2023, cùng kỳ năm trước lỗ đậm 363 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, APS ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 126% so với cùng kỳ lên 360 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 57 tỷ đồng và 46 tỷ đồng, được cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2022 khi lỗ ròng hơn 300 tỷ.

Trước đó, ông Nguyễn Đỗ Lăng – nguyên Tổng giám đốc Công ty APS, Phạm Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT APS và bà Huỳnh Thị Mai Dung – vợ ông Lăng đã có hành vi mở 40 tài khoản chứng khoán để thực hiện việc thao túng giá cổ phiếu, tạo cung cầu giả trên thị trường và đã thu lời bất chính hơn 157 tỷ đồng từ hành động trên.

Sau khi vụ án được khởi tố không lâu, Chứng khoán APS cũng đã có động thái miễn nhiệm chức vụ tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Đỗ Lăng và chức vụ Kế toán trưởng với bà Nguyễn Thị Thanh sau khi cả 2 người đều đã bị bắt tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự 2015.