Doanh nghiệp muốn tiếp tục ngưng 3 quy định tại Nghị định 65

Trước những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cộng với những quy định khá chặt chẽ tại Nghị định 65, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP hoãn một số quy định tại Nghị định số 65 để trung hòa lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.

Tính từ khi Nghị định 08 có hiệu lực, có 68 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 189,7 nghìn tỉ đồng. Dư nợ TPDN riêng lẻ tại thời điểm cuối tháng 10.2023 là khoảng 1 triệu tỉ đồng, chiếm 10,5% GDP năm 2022.

Tuy nhiên, Nghị định 08 chỉ ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Nghị định 65 đến hết ngày 31.12.2023. Ví dụ như quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân mua TPDN riêng lẻ, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và giảm thời gian phân phối trái phiếu.

Khó khăn còn lớn, doanh nghiệp muốn ngưng tiếp 3 quy định về trái phiếu
Nghị định 08 chỉ ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Nghị định 65 đến hết ngày 31.12.2023

Hiện nay, thời điểm ngưng hiệu lực các quy định này sắp hết, trong khi các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó không ít doanh nghiệp đề xuất tiếp tục gia hạn các quy định này.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Nghị định 08/2023 đã đạt được một số kết quả rất thiết thực, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường TPDN. Tuy nhiên, sang năm 2024, trị giá TPDN đáo hạn lên đến 329.500 tỉ đồng - cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong khi, nhiều quy định trong Nghị định 08, chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31.12.2023.

Ông Châu cho rằng rất cần thiết tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của nghị định số 08 trong năm 2024. Đồng thời, để từng bước xây dựng hoàn thiện thị trường TPDN Việt Nam dần tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, cần phải có thời gian và thông qua một quá trình chuyển đổi phù hợp.

Vì vậy, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh rằng, rất cần thiết gia hạn việc áp dụng điều 3 Nghị định số 08 để bảo đảm sự phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Nói với phóng viên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng nếu đòi hỏi doanh nghiệp buộc phải xếp hạng tín nhiệm là rất khó. Số lượng doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm khá ít, chỉ có 3 doanh nghiệp, trong khi số lượng doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu thì rất lớn.

“Nhiều quốc gia họ khuyến khích xếp hạng tín nhiệm chứ không bắt buộc. Quy định này có thể nói là quá khắt khe và khó khăn đối với doanh nghiệp”, ông Thịnh nêu.

Về điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo ông Thịnh, Nghị định 65 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.

“Việc nắm giữ số tiền 2 tỉ đồng trong 180 ngày không quá khó, nhưng nếu chỉ nắm giữ như vậy mà để thành nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không phải. Bởi nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có kiến thức, phân tích được báo cáo, tình hình của doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm với các rủi ro”, ông Thịnh nêu.

Khó khăn còn lớn, doanh nghiệp muốn ngưng tiếp 3 quy định về trái phiếu
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Ngoài ra, Nghị định 65 quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày. Ông Thịnh đánh giá quy định này cũng quá ngặt nghèo và không cần thiết.

“Thực ra quyền phân phối, chào bán trái phiếu có thể trong thời gian dài hơn để các nhà đầu tư chú ý và tiến hành mua bán. Nếu chỉ quy định trong 30 ngày thì khá ngắn. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới thông báo thì có thể nhà đầu tư chưa kịp chú ý thì đã hết thời gian”, ông Thịnh chia sẻ.

Bộ Tài chính không đồng ý

Trước các kiến nghị này, trong cuộc họp vừa diễn ra, Bộ Tài chính không đồng ý tiếp tục ngưng hiệu lực thi hành đối với 3 quy định của Nghị định 65.

Bộ Tài chính lý giải: Để duy trì nhu cầu mua TPDN của các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính nhưng chưa tích lũy đủ thời gian 180 ngày theo quy định tại Nghị định số 65 và thị trường có thêm thời gian điều chỉnh, Nghị định 08 quy định ngưng thực hiện quy định nêu trên đến hết ngày 31.12.2023.

Đến nay, sau hơn 8 tháng triển khai, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Do đó, không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này.

“Việc thực hiện quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65 sẽ giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu, tăng cường tính an toàn và bền vững của thị trường TPDN”, Bộ Tài chính nêu.

Bộ Tài chính cũng cho biết, từ ngày 1.1.2023, TPDN chào bán ra công chúng đã thực hiện quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với các đợt chào bán bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm. Các doanh nghiệp phát hành ra công chúng năm 2023 đều không thuộc trường hợp bắt buộc xếp hạng tín nhiệm.

Khó khăn còn lớn, doanh nghiệp muốn ngưng tiếp 3 quy định về trái phiếu
Bộ Tài chính không đồng ý tiếp tục ngưng hiệu lực thi hành đối với 3 quy định của Nghị định 65

Đối với phát hành riêng lẻ, từ khi Nghị định 08 có hiệu lực thi hành đến 3.11.2023, nếu áp dụng quy định của Nghị định 65 thì có ít doanh nghiệp thuộc trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm theo quy định.

Như vậy, theo quy định tại Nghi định 65, tương tự như trái phiếu phát hành ra công chúng, chỉ một số trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện thì phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm nên số đợt phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm dự kiến còn hạn chế. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định 65 sẽ không có vướng mắc.

Bộ Tài chính cũng cho rằng Nghị định 65 quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày. Mục tiêu của quy định này là nhằm hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng thời gian phân phối trái phiếu dài, chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Trước đây, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cân đối và huy động các nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn, Nghị định 08 quy định ngưng thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu đến hết ngày 31.12.2023.

“Đến nay, thanh khoản của thị trường đã ổn định trở lại, đồng thời để hạn chế rủi ro đối với thị trường TPDN, hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nên không cần thiết kéo dài quy định này”, Bộ Tài chính nêu.