Bamboo Airways - hãng hàng không lớn thứ ba tại Việt Nam, mới đây đã chia sẻ với Reuters rằng, hãng đang nỗ lực tiến hành tái cấu trúc, cả về mạng lưới đường bay, đội bay và nguồn nhân lực.

Cụ thể, hãng hàng không này cho biết: “Bamboo Airways gần đây đã cắt giảm một số nhân sự phi công để phục vụ mục tiêu này”, đồng thời phủ nhận việc chậm thanh toán lương là nguyên nhân dẫn tới tình trạng phi công xin nghỉ việc. Số lượng phi công xin nghỉ cụ thể không được tiết lộ.

Theo nguồn tin của Reuters, nhiều nhân viên tại Bamboo đôi khi vẫn phải đối mặt với tình trạng chậm trả lương. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với các phi công nước ngoài, vốn chiếm phần lớn trong đội ngũ phi công của hãng, mãi cho tới gần đây.

Reuters cũng có được nội dung tin nhắn cho thấy một số khoản thanh toán lương đã bị trễ, từ một diễn đàn trò chuyện nội bộ của Bamboo Airways – nơi ban lãnh đạo hãng bay này liên lạc với các phi công nước ngoài.

Đại diện Bamboo Airways thông báo với các phi công nước ngoài rằng, họ sẽ được nhận 35% tiền lương vào ngày hôm đó, sau một tuần chậm lương. Thông tin về phần lương còn lại sẽ được thông báo sau.

Đáng nói, một tin nhắn tương tự cũng đã được gửi đi vào một tháng trước đó.

Theo Reuters, số tiền này sau đó đã được thanh toán đầy đủ nhưng đến ngày 25/9, các phi công nước ngoài vẫn chưa nhận được tiền lương tháng 8, vốn phải được thanh toán vào ngày 15/9.

Chia sẻ với Reuters, Bamboo Airways khẳng định, họ đang hoạt động ổn định và đang có kế hoạch huy động vốn từ cổ đông chiến lược. Theo đó, Sacombank – nhà cấp vốn lớn nhất của họ đã bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn và mong muốn tăng cường đầu tư vào hãng hàng không này.

Tuy nhiên, Sacombank chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Trong một lá thư gửi nhân viên vào tháng trước, ông Nguyễn Ngọc Trọng, người vừa mới nhậm chức Giám đốc điều hành Bamboo Airways vào tháng 7 thừa nhận, hãng hàng không này đang phải đối mặt với “thời kỳ khó khăn” nhưng cũng nói thêm rằng, Chính phủ đã cam kết hỗ trợ hãng.

Hiện Văn phòng Chính phủ Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận từ phía Reuters.

Bamboo đã lên kế hoạch niêm yết tại Mỹ vào năm 2021 nhưng đang phải “vật lộn” những biến động liên tục ở đội ngũ nhân sự cấp cao và đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ, kể từ khi cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị bắt vào tháng 3/2022 vì cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

Theo Reuters, hiện chưa rõ doanh nghiệp nào đang nắm giữ nhiều cổ phần nhất tại Bamboo Airways. Người phát ngôn của Bamboo Airways cho hay, thông tin chi tiết về quyền sở hữu hãng hàng không này sẽ được tiết lộ sau.

Thông tin từ Giám đốc điều hành của Bamboo Aiways hồi tháng 3 cho biết, hãng hàng không này khai thác cả đường bay quốc tế và nội địa, chiếm khoảng 17% thị phần tại Việt Nam. Năm 2022, hãng thua lỗ 17.600 tỷ đồng (722 triệu USD).

Hiện tại, các chuyến bay của Bamboo vẫn đang được khởi hành đều đặn, lịch trình tại 2 sân bay chính của cả nước đều như nhau. Theo Planespotters.net, 7 trong số 30 máy bay của hãng, bao gồm một số chiếc mới mua gần đây, hiện đang được bảo trì.

Một hãng hàng không đang chật vật trả lương cho phi công
Một hãng hàng không đang chật vật trả lương cho phi công

Về hoạt động kinh doanh, Bamboo Airways tiết lộ, năm 2022, Công ty tiếp tục lỗ thêm 17.619,3 tỷ đồng so với năm 2021 lỗ 2.280,8 tỷ đồng.

Trong đó, Bamboo Airways ghi nhận lỗ do tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp ghi nhận âm 3.209,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 4.060,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2022, doanh thu tài chính giảm 95,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 2.450,29 tỷ đồng, về 121,14 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 371,7%, tương ứng tăng thêm 1.107,8 tỷ đồng, lên 1.405,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 26,7 lần, tương ứng tăng thêm 12.625,4 tỷ đồng, lên 13.098,1 tỷ đồng (chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Với việc ghi nhận lỗ thêm 17.619,3 tỷ đồng trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, tổng lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối của Bamboo Airways là âm 19.335,9 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng.

Với việc lỗ vượt vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đã ghi nhận âm 835,9 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận dương 16.783,5 tỷ đồng.

Quy mô tài sản của Bamboo Airways tính tới cuối năm 2022 đã giảm 33% so với đầu năm, tương ứng giảm 8.849,9 tỷ đồng, về 18.007,6 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 92,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.037,34 tỷ đồng, về 85,42 tỷ đồng và chiếm 0,5% tổng tài sản.

Ngược lại, tổng nợ vay lại tăng 121,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 5,829,9 tỷ đồng, lên 10.623,4 tỷ đồng và chiếm 59% tổng nguồn vốn (đầu năm ghi nhận 4.793,5 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng nguồn vốn).

Điểm đáng lưu ý, tính tới 31/12/2022, Bamboo Airways đã bất ngờ ghi nhận dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi là 9.692,2 tỷ đồng so với đầu năm không trích lập. Ngoài ra, Công ty cũng dự phòng phải thu dài hạn khó đòi 2.800,1 tỷ đồng so với đầu năm không trích lập.

Nếu đối chiếu sang báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2022, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến 79,49 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 12.591,4 tỷ đồng, lên 12.749,8 tỷ đồng.

Như vậy, nhiều khả năng, việc trích lập các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn khó đòi dẫn tới việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao và công ty phải ghi nhận lỗ kỷ lục trong năm 2022.

Được biết, Bamboo Airways đang khai thác 41 đường bay nội địa và 15 đường bay quốc tế. Với 29 tàu bay, Bamboo Airways đã thực hiện 51.236 chuyến bay, vận chuyển hơn 7 triệu lượt khách trong năm 2022.

Sang năm 2023, Bamboo Airways định hướng tăng trưởng kinh doanh dự kiến trên hai con số, trong khoảng 15-20% tùy theo diễn biến thị trường. Hãng cũng dự định sẽ triển khai đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương cho phép tăng đội tàu bay lên hơn 30 tàu.