Sacombank: Từ cho vay vượt ngưỡng đến tin đồn Bamboo
Sacombank: từ cho vay vượt ngưỡng đến tin đồn Bamboo

16 "đại gia" vay tổng dư nợ 15.218 tỷ đồng

Sacombank bắt đầu được nhắc đến nhiều khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra hoạt động ở một số ngân hàng, trong đó chỉ ra nhiều vi phạm. Đáng chú ý nhất là một số ngân hàng cho vay vốn tự có vượt hạn mức quy định (tối đa 15%). Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín Sacombank được lưu tâm khi cho 9 khách hàng vay để cùng đầu tư một dự án mà dư nợ cho vay chiếm gần 50% số vốn tự có. 9 khách hàng này nằm trong 16 doanh nghiệp vay nợ với tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 15.218 tỷ đồng và đều nằm trong một số nhóm doanh nghiệp trong nước giàu tiềm lực.

Nhóm thứ nhất là nhóm Đồng Tâm Group - CTCP Đồng Tâm và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Soài Rạp. Tại thời điểm 31/8/2018, dư nợ của 2 doanh nghiệp là 1.040 tỷ đồng (không còn ghi nhận dư nợ tính tới ngày 10/10/2021).

Đối với nhóm này, Sacombank đã có một số vi phạm như thẩm định phê duyệt cho vay đối với khách hàng chưa chính xác, không phân tích và thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu chứng minh nguồn trả nợ của khách hàng; cấp tín dụng cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại chính ngân hàng; phê duyệt giải chấp từng phần tài sản bảo đảm nhưng không thực hiện định giá lại tài sản đảm bảo; và việc kiểm tra sau cho vay được thực hiện chung chung; cho vay nhưng thực hiện dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh; thực hiện phân loại nợ không đúng quy định.

Nhóm thứ 2 là 10 doanh nghiệp có liên hệ một tập đoàn nổi danh khác, trong đó ngoại trừ CTCP Đầu tư Long Biên, 9 đơn vị khác đều còn dư nợ 48,52% vốn tự có của Sacombank, lên tới 9.262 tỷ đồng (tính đến ngày 10/10/2021 không còn dư nợ với Sacombank). Mục đích là vay vốn để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng 1 dự án bất động sản của Công ty SDI tại Sài Gòn.

“9 doanh nghiệp này không có mối quan hệ liên quan theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án, mà vay vốn để chuyển cho bên thứ 3 qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Trong khi đó, ngân hàng chỉ thẩm định năng lực tài chính với khách hàng vay vốn thay vì đơn vị thực hiện dự án. Việc này dẫn tới tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng. Khi thanh tra, dự án đang khó khăn về pháp lý đất đai, làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh của Sacombank.

Việc này dẫn tới rủi ro về tài sản đảm bảo dùng thế chấp chung cho khoản vay của 9 khách hàng là toàn bộ các quyền tài sản, lợi ích từ dự án bất động sản khi dự án chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu.

Đại diện của công ty SDI cho biết những khoản nợ liên quan đến dự án bất động sản nêu trên đã thực hiện thanh lý hợp đồng 100% vào năm 2021, do vậy đến thời điểm hiện nay sẽ không có rủi ro về tài sản. Hiện tại, dự án đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu.

Nhóm thứ 3 ghi nhận dư nợ với Sacombank tại thời điểm 31/8/2018 lên đến 4.311 tỷ đồng. Theo một số thông tin không chính thức, các pháp nhân này có nhiều liên hệ tới Vạn Thịnh Phát.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các vi phạm của Sacombank khi cho Công ty TNHH Đầu tư và phát triển BĐS Office 85 vay 1.000 tỷ đồng tới ngày 31/8/2018, dù phương án sử dụng vốn của khách hàng không khả thi, tiềm ẩn rủi ro; hồ sơ kiểm tra vốn vay không có chứng từ chứng minh CTCP Thương mại đầu tư Vimec sử dụng vốn hợp tác kinh doanh với khách hàng để thực hiện dự án Khu phức hợp Tô Hiến Thành.

Khả năng tài chính để trả nợ của một số khách hàngchưa được đảm bảo. Trong 16 doanh nghiệp thuộc diện thanh tra tín dụng của Sacombank, BĐS Dấu Ấn Sài Gòn tính tới ngày 10/10/2021 là đơn vị duy nhất còn dư nợ với số dư 2.335 tỷ đồng.

Sacombank cũng cho khách hàng là Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức vay vốn để mua 62% phần vốn góp và thế chấp bằng chính phần vốn góp của doanh nghiệp này trong 3 năm. Bản chất việc cấp tín dụng này tương tự việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

Sacombank: Từ cho vay vượt ngưỡng đến tin đồn Bamboo
Sacombank: từ cho vay vượt ngưỡng đến tin đồn Bamboo

Tin đồn với Bamboo Airways và phen náo loạn trên TTCK cuối tuần

Sau Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, cổ phiếu STB của Sacombank đã bị bán tháo và mất giá nhiều, tuy nhiên tai họa vẫn còn chưa hết với mã này. Khoảng 13h30 chiều 14/7, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin: CTCP hàng không Tre Việt (Bamboo Airway) đang nộp đơn lên Chính phủ xin bảo hộ phá sản, kéo theo đó là khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp này với các đối tác, trong đó "nặng" nhất là ngân hàng Sacombank (HoSE: STB) với 3.000 tỷ đồng. Ngay sau khi thông tin này phát ra, thị trường chứng khoán có một phen hoảng loạn, chỉ số và thị giá đều giảm mạnh. Diễn biến này cũng không khác tuần trước, khi có thông tin tiêu cực về Trung Nam và VNDirect mà hậu quả là giá cổ phiếu VND giảm sau, đến hôm nay mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

Phiên cuối tuần, sau khi có thông tin chưa xác thực về Bamboo Airways và Sacombank, cổ phiếu STB của Sacombank đã giảm xuống giá sàn với hàng loạt lệnh bán được kê. Cùng với đó là phản ứng tiêu cực của toàn thị trường, kéo chỉ số xuống mức 1.156,28 điểm, giảm sâu 13,6 điểm so với mức giá đỉnh của ngày hôm 1.169,84 điểm. Nhưng may mắn là sau đó chỉ số được kéo lên và hầu hết các mã, bao gồm cả STB, đều hồi phục. Trong thông tin gây hoảng hốt cho thị trường, nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng và mã bị bán nhiều nhất không có gì khó đoán: STB với hơn 100 tỷ đồng.

Từ hai câu chuyện trên, nếu xét đến phương diện hoạt động ngân hàng, vi phạm của Sacombank cũng tương tự như 3 ngân hàng khác được nhắc đến trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ, và các khoản nợ đều đã được tất toán. Đến thời điểm ngày 10/10/2021 chỉ còn khoản vay của BĐS Dấu Ấn Sài Gòn còn dư nợ với số dư 2.335 tỷ đồng. Tương tự, chưa có thông tin chính thức về việc Bamboo Airways xin phá sản cũng như những dính líu tài chính của Sacombank đối với hãng bay này, nhưng những mất mát của Sacombank trên thị trường chứng khoán là rất lớn. cách đây ít tháng, Sacombank đã bị một phen điên đảo khi người dân cho rằng 3 chữ viết tắt SCB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (liên quan đến Vạn Thịnh Phát) là viết tắt của Sacombank. Do đó, chuyện cung cấp thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính xác, phản hồi tích cực cũng là một cách để doanh nghiệp niêm yết ứng phó hiệu quả với khủng hoảng truyền thông.

Trở lại với câu chuyện vi phạm không chỉ của riêng Sacombank, vốn tự có, hay vốn chủ sở hữu, là nguồn vốn do ngân hàng thương mại tạo lập được, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn hoạt động nhưng có tính chất quyết định đến sự hình thành và tồn tại của ngân hàng. Ngân hàng thương mại mang vốn tự có ra cho vay với hạn mức vượt quá quy định sẽ làm giảm độ an toàn của hoạt động ngân hàng. Nếu khoản vay đó trở thành nợ xấu, nợ khó đòi hay khách hàng vay vốn mất khả năng thanh toán thì hoạt động của ngân hàng sẽ ra sao?

Điều may mắn là cho đến thời điểm này chưa ngân hàng nào rơi vào tình huống như vậy, nhưng không có nghĩa là sẽ không xảy ra. Do đó, bên cạnh việc nới lỏng các điều kiện tín dụng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, thì Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường thanh tra kiểm tra để hạn chế tình trạng ngân hàng thương mại "lách luật", cho vay sai quy định, làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và độ an toàn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng./.