Cụ thể, SHB sẽ chào bán 45,12 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tỉ lệ phát hành dự kiến là 1,25% số cổ phiếu đang lưu hành. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 18 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu ESOP dự kiến là 451,2 tỷ đồng sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay, đầu tư, cấp tín dụng của SHB. Trong đó, 50 tỷ đồng cho vay cá nhân, 401 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp. Thời gian giải ngân dự kiến trong quý III-IV/2023 hoặc cho đến khi hoàn thành thủ tục phát hành theo quy định.

Đối tượng phát hành là người lao động của SHB theo danh sách HĐQT phê duyệt, bao gồm các cán bộ quản lý, chuyên gia, trợ lý HĐQT, trợ lý ban Tổng Giám đốc, thư ký HĐQT, thư ký ban Tổng Giám đốc và các chức danh tương đương đã ký hợp đồng lao động chính thức tại SHB từ 12 tháng trở lên;

Các chuyên viên/nhân viên và các chức danh tương đương đã ký hợp đồng lao động chính thức 24 tháng trở lên tại SHB tính đến 15/5/2023. Nguyên tắc phân phối cổ phiếu được xác định trên cơ sở các nhóm yếu tố gồm hiệu quả làm việc (80% số cổ phiếu ESOP phát hành) và thâm niên làm việc (20% số cổ phiếu ESOP phát hành).

Đối với phần lẻ cổ phần sẽ được phân phối cho Chủ tịch Công đoàn SHB. Cổ phần không phân phối hết sau đợt phát hành (nếu có) sẽ phân phối lại cho người lao động khác của SHB với cùng mức giá chào bán cho người lao động theo danh sách ban đầu.

Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/10, giá cổ phiếu SHB dừng ở mức 10.700 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá chào bán cổ phiếu cho người lao động chỉ “rẻ” hơn một chút so với thị giá hiện nay.

Trước đó, hồi tháng 8, SHB đã thông báo về kết quả phát hành 552.014.917 cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022. Theo đó, 552.014.917 cổ phiếu đã được phân phối cho 69.056 cổ đông. Số cổ phiếu lẻ là 23.258 cổ phiếu sẽ bị hủy bỏ.

Như vậy, qua đợt phát hành trên, SHB đã tăng số lượng cổ phiếu lên hơn 3,6 tỷ, tương ứng vốn điều lệ của SHB đã tăng lên gần 36.194 tỷ đồng. Dự kiến sau khi phát hành ESOP, vốn điều lệ của SHB sẽ tiếp tục tăng lên 36.645 tỷ đồng.

SHB chuẩn bị phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên
SHB chuẩn bị phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên

Về tình hình kinh doanh, theo dữ liệu tài chính hợp nhất quý 2/2023, tổng thu nhập hoạt động của SHB tăng 21% so với cùng kỳ lên mức 11.311 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần và khoản thu đột biến từ việc thoái vốn SHBFinance.

Sau khi trừ chi phí hoạt động và chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của SHB đạt 6.073 tỷ đồng, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, SHB đã vươn lên vị trí thứ 7 về lợi nhuận trong số các ngân hàng trên sàn chứng khoán trong bối cảnh nhiều “ông lớn” trong ngành sụt giảm mạnh.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của SHB đạt 585.112 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm trong đó cho vay khách hàng tăng 6% lên 407.634 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tại SHB trong 6 tháng đầu năm cũng tăng hơn 13% lên 409.618 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của SHB ghi nhận giảm 3,4% so với đầu xuống 10.481 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này từ mức 2,81% xuống còn 2,57%. Đây là ngân hàng hiếm hoi ghi nhận số dư nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu giảm trong nửa đầu năm 2023.

Được biết, năm 2023, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trên 10.600 tỷ đồng, tăng 9,67%; tổng tài sản sẽ tăng trưởng 10,09%; huy động vốn thị trường 1 tăng 14,78%; dư nợ cấp tín dụng tăng 14%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 15% và qua đó dự kiến vốn điều lệ đạt trên 40.000 tỷ đồng.