Bài toán “áp lực nợ xấu” ngày càng lớn

Bài toán “áp lực nợ xấu” ngày càng lớn

Gần đây, trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc cho thấy tình trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng đáng lo ngại. Thực tế, không ít ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, dù đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo lại khá gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để.

Đáng nói, có những khoản nợ được hạ giá đến vài lần, đấu giá cả chục lần nhưng vẫn không có người mua.

Từ đầu năm đến nay hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm 2022. Số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng trên 50%, thậm chí có ngân hàng tăng gấp đôi so với cuối năm trước.

Trong tổng số 29 ngân hàng niêm yết thì có tới 27 ngân hàng có nợ xấu tăng. Tổng nợ xấu của 29 ngân hàng tính đến hết quý 2 ở mức gần 220.000 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cuối năm trước.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định nợ xấu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực gia tăng trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng.

Nguy cơ nợ xấu gia tăng đã được nhiều ngân hàng lường trước từ đầu năm nay. Ngay cả “ông lớn” Agribank, vốn có thành tích xử lý nợ xấu rất tốt 5 năm trước đây (giai đoạn 2016-2020 đưa nợ xấu từ 8,1% xuống còn 1,86%) hiện cũng đang "ngồi trên đống lửa" vì nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank thừa nhận trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng dẫn đến nợ xấu gia tăng dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.

“Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của Agribank ở thời điểm 30/6 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn,” ông Ấn cho biết.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm là gần 62.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nợ xấu tiềm ẩn có thể được đẩy về tương lai cao hơn con số thực tế hiện nay.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận: “Sáu tháng đầu năm 2023, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao, nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống.”

Mặt khác, Dù đánh giá nợ xấu gia tăng là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, tuy nhiên, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia vẫn lạc quan cho rằng nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát khi các ngân hàng đang chủ động trích lập dự phòng để tăng nguồn lực xử lý.

Hà Anh