Tạo thêm dư địa giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp
Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, thời gian qua ngành Ngân hàng rất tích cực trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp thiết thực. Đặc biệt, trong khi nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát thì NHNN đã tận dụng mọi cơ hội để cắt giảm lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân doanh nghiệp.

Nhờ đó mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với cuối năm 2022. Theo ông Nguyền Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, thời gian qua các ngân hàng hội viên đã nghiêm túc thực hiện cam kết giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng, từ đó lập lại mặt bằng chung lãi suất huy động và trên cơ sở năng lực tài chính đã giảm lãi suất dư nợ hiện hữu cũng như những khoản cho vay mới từ 0,5-3%/năm.

Chẳng hạn như Agribank, từ đầu năm đến nay nhà băng này đã 7 lần cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với mức giảm từ 2 - 4% tùy theo khách hàng. Tính chung số tiền hỗ trợ mà Agribank chia sẻ với người dân, doanh nghiệp thông qua các đợt giảm lãi suất lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm BIDV cũng đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5%/năm - 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1%/năm - 1,5%/năm.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của các tổ chức hội viên Hiệp hội ngân hàng, các tổ chức tín dụng đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%; đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Điều đáng nói là những hỗ trợ của các ngân hàng được triển khai bằng chính nguồn lực của mình chứ không phải từ ngân sách nhà nước.

Việc giảm thuế cho các ngân hàng sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để giảm lãi suất, phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hơn nữa thuế VAT là thuế gián thu, nên đối tượng hưởng lợi chính từ chính sách giảm thuế VAT chính là khách hàng của ngân hàng. Thuế VAT trong lĩnh vực ngân hàng hiện cũng chủ yếu thu trên dịch vụ thanh toán, nên việc giảm thuế VAT đối với ngân hàng sẽ khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán qua ngân hàng, đặc biệt là thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

Phương Anh