Người thu nhập thấp không có nhiều sự lựa chọn về nơi ở

Trong nhiều năm qua, giá nhà ở hầu như chỉ có xu hướng tăng cao chứ không hề giảm, thậm chí có những thời điểm giá bán bất động sản tăng phi mã so với thu nhập thực tế của hàng triệu người lao động, dẫn đến việc tiếp cận nhà ở của đối tượng này trở nên vô cùng khó khăn.

Nguyên nhân xuất phát từ thị trường bất động sản phát triển không đồng đều, chênh lệch cung cầu và thiếu tính ổn định. Trong khi, nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội được xem là phân khúc có nhu cầu cao nhất nhưng lại thiếu nguồn cung trầm trọng. Điều này khiến những người thu nhập thấp có xu hướng lựa chọn ở trong những khu vực thiếu đảm bảo an toàn, không có các dịch vụ đi kèm.

Nguồn cung nhà ở xã hội ít ỏi, không đáp ứng đủ người dân

Nhu cầu nhà ở xã hội tăng cao nhưng không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận được. (Ảnh minh họa)

Anh Quốc Bảo (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, số lượng các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội tại Hà Nội chỉ “lác đác” vài khu, để mua được nhà ở tại đó thì cần rất nhiều điều kiện đi kèm, lãi suất vay ngân hàng vẫn còn cao và phải qua rất nhiều thủ tục hành chính mới vay được thì mới có thể mua nhà.

“Thực sự, giá bán của những căn hộ nhà ở xã hội chưa phù hợp với mức thu nhập của tôi hiện tại. Do đó, bản thân tôi không có nhiều sự lựa chọn về nơi sống, ở chung cư mini vẫn là lựa chọn phù hợp với tôi nhất hiện giờ vì nó đáp ứng được việc đi lại thuận tiện, có trường học cho các con,...”, anh Bảo chia sẻ.

Tương tự, chị Lan Hạ (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, chị và một số bạn bè đều là những người từ quê nghèo lên Hà Nội tìm kiếm việc làm, điều kiện kinh tế không cho phép nên nhiều năm qua vẫn phải “bám trụ” đi thuê ở phòng trọ nhà dân hoặc chung cư mini.

Nguồn cung nhà ở xã hội ít ỏi, không đáp ứng đủ người dân
Nhà ở xã hội dù đã được phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân. (Ảnh minh họa)

“Nói về điều kiện sinh sống tại những loại hình ở này thì chắc chắn là có rất nhiều điều bất cập và các nguy hiểm thì luôn rình rập. Chẳng hạn như dù cho có trang bị đầy đủ chuông báo cháy, bình chữa cháy mà không có lối thoát hiểm thì cũng bằng không. Biết là thiếu an toàn nhưng vẫn phải ở thôi vì còn do túi tiền của mình không cho phép, chứ bất kể ai chả muốn ở chỗ tốt, chỗ đẹp”, chị Hạ nói.

Thống kê của bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước mới hoàn thiện 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 7,3 triệu m2/sàn nhưng số lượng này chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động. Nguồn cung nhà lưu trú cho công nhân cả nước hiện mới đáp ứng 10% nhu cầu. Những con số này dự kiến sẽ tăng nhanh nếu hệ thống chính sách hợp lý được ban hành kịp thời

Cần cơ chế khơi thông phát triển nhà ở xã hội

Theo PGS. TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII, chính từ thực trạng cung không đáp ứng đủ cầu đã dẫn đến việc nhiều người dân có thu nhập thấp không có nhiều sự lựa chọn về nhà ở, từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình nhà ở tự phát như chung cư mini, người dân cho thuê nhà. Do vậy, nơi nào giải quyết vấn đề an cư thuận lợi, nơi nào phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân thì họ sẽ lựa chọn nơi đó là điều đương nhiên.

“Các chính sách phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, cho nên dù đã chú ý nhiều đến phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp nhưng đến nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu nhà ở. Đây là một vấn đề đáng báo động của bối cảnh xã hội hiện nay”, bà An cho hay.

Bà An cho biết thêm, xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội còn quan niệm là nhà ở tạm bợ, hay mang tính chất “ban phát”. Vì vậy, xây dựng nhà ở dù diện tích bao nhiêu đi chăng nữa cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định đi kèm như có nhà vệ sinh, bếp nấu, các thiết bị phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm,…

Nguồn cung nhà ở xã hội ít ỏi, không đáp ứng đủ người dân
PGS. TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII

Bên cạnh đó, khi xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho người dân cũng phải chú ý phát triển các cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và các tiện ích xung quanh như trường học, sân chơi, chợ mua bán,… để phục vụ cuộc sống cho người dân.

“Chúng ta không thể định nghĩa nhà ở xã hội tức là nhà ở chất lượng thấp, kém an toàn mà không xây dựng những tiện ích đi kèm. Nếu không làm được những điều này thì sao có thể thu hút được người dân về đây sinh sống được, rồi lại để bỏ hoang lãng phí”, bà An nói.

Vị chuyên gia này kiến nghị, Chính phủ nên chỉ đạo rõ chủ đầu tư nào xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thì cần phải đảm bảo chất lượng xây dựng, tránh trường hợp xây dựng qua loa dẫn đến chất lượng nhà ở xuống cấp. Xây dựng phải luôn đảm bảo các điều kiện sinh sống đi kèm để sao cho những người có thu nhập thấp hay trung bình thấp phải ở được, thuê được. “Nếu ai không làm được thì phải kỷ luật nghiêm minh!”, bà An nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhu cầu về nhà ở của người lao động, sinh viên, công nhân, thậm chí công chức, viên chức tại các đô thị lớn là rất cấp thiết. Do vậy, cần có các chính sách cho doanh nghiệp để có thể huy động hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội trong việc xây dựng nhiều nhà ở an toàn, chất lượng cho những người lao động thu nhập thấp.

Ngoài ra, để người thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở xã hội thì cần “nới lỏng” các quy định để mở rộng đối tượng mua nhà. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay xác định đối tượng mua nhà ở xã hội đang dựa trên các tiêu chí về cư trú, thu nhập và diện tích nhà ở tuy nhiên điều này còn gây cản trở tiếp cận nhà của những người có nhu cầu. Do đó, cần điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội. Đồng thời, cần nới một số điều kiện về cư trú, thu nhập để người dân có nhu cầu tiếp cận được nhà ở xã hội dễ dàng hơn, đảm bảo an toàn nơi ở cho họ hơn.