Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn để tạo ra dòng tiền mới để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong bối cảnh thị trường vẫn ảm đạm.

Khó khăn bủa vây

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2023 – điều này có nghĩa Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực. Ba nội dung quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực trở lại, đó là quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra quốc tế. Nhiều ý kiến e ngại “phao cứu sinh” tạm thời của doanh nghiệp bất động sản sắp không còn nữa.

Gánh nặng mang tên “trái phiếu đáo hạn”
Năm 2024, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 123 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Ảnh Tuổi trẻ

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) năm 2024, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 123 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Đây là gánh nặng rất lớn với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn ảm đạm. Doanh nghiệp bất động sản vẫn phải liên tục xoay vần nhiều cách với trái phiếu đáo hạn.

Theo nhóm chuyên gia của VNDirect thì diễn biến áp lực trả nợ sẽ giảm trong hai tháng đầu năm, sau đó nhanh chóng tăng lên. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn được dự báo lên đến gần 34,5 nghìn tỷ đồng vào thời điểm tháng 4/2024. Trong khi đó, hoạt động mua lại trước hạn đang giảm do ảnh hưởng từ khó khăn của doanh nghiệp về tình hình kinh doanh và dòng tiền.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2023, quy mô nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản vào khoảng 79 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng gần 35 nghìn tỷ so với cuối năm 2022. Finn Group nhận định rằng bất động sản có số lượng tổ chức phát hành vỡ nợ lớn nhất (56/98); tỷ lệ vỡ nợ cao nhất và giá trị trái phiếu lưu hành lớn nhất lê tới gần 400 nghìn tỷ đồng.

Do chịu ảnh hưởng từ những vụ án liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…mà trong năm 2023 tín dụng thông qua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã giảm mạnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho niềm tin của các nhà đầu tư vẫn chưa thể quay trở lại thị trường bất động sản như trước đây.

Gánh nặng mang tên “trái phiếu đáo hạn”
Thị trường bất động sản và các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, tiếp cận tín dụng… Ảnh VnEconomy

Trong khi đó, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, tiếp cận tín dụng… Thực trạng này đang khiến nhiều dự án tạm dừng triển khai, nhiều doanh nghiệp xem xét phương án bán tháo tài sản để trả nợ. FiinRatings nhận định rằng các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn rất lớn trong việc huy động vốn và tạo ra dòng tiền mới để thực hiện các nghĩa vụ nợ.

Đâu là lối ra?

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản – Tổng Giám đốc EZ Property cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là "cục máu đông" cần phải “rã đông” của thị trường bất động sản. Điều nguy hiểm là hết năm 2023 là hết thời gian gia hạn theo Nghị định 08 nhưng phần lớn doanh nghiệp bất động sản không đủ dòng tiền để trả nợ trái phiếu.

Nhìn nhận chung, các chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp nhằm khôi phục niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, doanh nghiệp muốn hoãn, giãn nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu rất cần sự thấu hiểu của trái chủ. Thế nhưng để trái chủ tin và đồng ý hoãn, giãn cho doanh nghiệp phát hành thì lại rất cần vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo đó, vai trò của cơ quản quản lý Nhà nước trong việc giám sát quá trình đàm phán trả nợ của doanh nghiệp. Bà Mùi cũng cho rằng, để hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân tham gia thì cơ quan quản lý Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện khung chính sách để phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư.

Nhìn nhận trong quá trình TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế thông tin, các quy định của Nghị định 65 rất chặt chẽ dẫn đến việc thị trường bất động sản chững lại vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Mãi tới khi có Nghị định 08 mới “dễ thở” hơn thì lại sắp hết hiệu lực. TS Thịnh cho rằng, với việc tiếp tục có hiệu lực trở lại của Nghị định 65 trong năm 2024 khó lòng đem lại kết quả khả quan trên thị trường. Dẫn chứng việc yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm mới được phát hành trái phiếu, ông Thịnh cho rằng đây là điều kiện quá ngặt nghèo trong bối cảnh hiện nay, gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.

Gánh nặng mang tên “trái phiếu đáo hạn”
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia. Ảnh Bnews

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest đề xuất, để khơi dòng tài chính trên thị trường bất động sản cần tiếp tục khôi phục niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp. Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho rằng, để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện các dự án các doanh nghiệp phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản với mức giá hoà, thậm chí là lỗ vốn.

Theo đánh giá của chuyên gia, năm 2024, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một vấn đề cần được quan tâm. Về ngắn hạn, doanh nghiệp bất động sản vẫn cần dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Về dài hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần có thêm thời gian dài để tái cơ cấu trước khi hồi phục và phát triển bền vững hơn. Lúc đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới phát huy tốt vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp.

Hiện tại, để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động lên phương án trả nợ trái phiếu. Đàm phán gia hạn trái phiếu được doanh nghiệp bất động sản áp dụng và sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Bởi, những khó khăn vẫn đang vây quanh doanh nghiệp bất động sản, việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp doanh nghiệp có thời gian ổn định lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhìn rộng ra trên thế giới, các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan. Đơn cử tại Singapore không bắt buộc doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm, chỉ khuyến khích các doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm. Hay như tại Nhật Bản, nhà đầu tư phải là người có kiến thức về đọc báo cáo tài chính, đưa ra phân tích rủi ro lãi suất; từ đó có khả năng đánh giá, phân tích, đưa ra các quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm.