Phiên 13.7: Thị trường hưng phấn trở lại sau thông tin lạm phát Mỹ giảm
Phiên 12.7: Thị trường hưng phấn trở lại sau thông tin lạm phát Mỹ giảm

Số liệu vừa công bố cho thấy lạm phát cơ bản của Mỹ trong tháng 6 là 4,8%, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021. Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và thấp hơn dự báo tăng 3,1% của các chuyên gia kinh tế.

Tốc độ này đã chậm lại tháng thứ 12 liên tiếp. Trong khi tháng 6 năm ngoái, Mỹ lạm phát lên tới 9,1%, cao nhất kể từ năm 1981. Nếu loại bỏ thực phẩm và năng lượng, lạm phát cơ bản tăng 4,8% so với cùng kỳ và là tốc độ chậm nhất kể từ cuối năm 2021. Dù vậy, tốc độ này vẫn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là 2%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng lần tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 7 tới đây của Fed sẽ là lần cuối cùng trong năm 2023.

Từ những thông tin tích cực này, kết thúc phiên giao dịch 13/7 chỉ số Dow Jones tăng gần 90 điểm, tương đương 0,25%. S&P 500 tăng 0,74% còn Nasdaq tăng 1,15%. Đà tăng của thị trường chứng khoán phản ánh tâm lý hứng khởi của các nhà đầu tư khi đón nhận dữ liệu mới về tình hình lạm phát của Mỹ, vốn tăng thấp hơn so với dự kiến.

Những tín hiệu tích cực này cũng được phản chiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đều giao dịch khởi sắc và giữ màu xanh trong suốt toàn thời gian giao dịch, ngoại trừ UPCoM có ít phút "nhúng" đỏ trong buổi chiều.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,22 điểm so với phiên trước, tương đương tăng 0,97%, lên 1.165,42 điểm. Thanh khoản phiên này ngang bằng phiên trước khi đạt 16.684 tỉ đồng với gần 807 triệu cổ phiếu được giao dịch. Ưu thế phiên này nghiêng mạnh về bên mua khi số mã tăng giá gấp khoảng 3 lần rưỡi số mã giảm giá: 334 mã tăng giá, với 10 mã tăng trần, trong khi chỉ có 97 mã giảm giá nhưng có 2 mã giảm sàn, 70 mã vẫn giữ giá tham chiếu.

Giống như chỉ số chính, VN30-Index tăng 9,57 điểm tương đương 0,83% và đạt lại ở 1.156,11 điểm. Thanh khoản rổ này đạt hơn 6.000 tỉ đồng với gần 210 triệu cổ phiếu được giao dịch. 90% số mã trong rổ VN30 tăng giá, 1 mã đứng ở tham chiếu và chỉ có 2 mã giảm giá là PLX (Petrolimex) và VNM (Vinamilk).

Dù kém hưng phấn hơn so với HoSE, nhưng HNX-Index cũng suýt lấy lại được ngưỡng 230 điểm khi đạt 229,97 điểm, tăng 1,09 điểm tương đương tăng 0,48%. Thanh khoản trên sàn HNX đạt hơn 1.733 tỉ đồng với gần 104 triệu cổ phiếu giao dịch. Cũng như sàn HoSE, ưu thế trên sàn HNX cũng nghiêng về phía bên mua khi có 112 mã tăng giá trong khi có 72 mã giảm giá, 64 mã đứng giá, số mã tăng trần nhỉnh hơn số mã giảm sàn 1 mã (8/7).

UPCoM-Index đã chinh phục được ngưỡng 86 điểm khi phiên này tăng 0,3 điểm tương đương 0,35%, lên 86,21 điểm. Tuy nhiên thanh khoản phiên này vẫn thấp hơn phiên trước khi chỉ đạt gần 892 tỉ đồng với gần 66 triệu cổ phiếu sang tay. Sàn này cũng có số cổ phiếu tăng giá gấp hơn 2 lần số cổ phiếu giảm giá với 198 mã tăng giá, 94 mã đứng giá, 93 mã giảm giá, trong đó số mã tăng trần bằng số mã giảm sàn - đều là 11.

Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua ròng các mã thuộc nhóm bán lẻ với MSN (Masan) dẫn đầu danh mục 10 mã được mua ròng nhiều nhất - 104,18 tỉ đồng. Trong danh mục này còn có 2 mã bán lẻ khác là MWG và DGW. Cùng với đó là 2 mã chứng khoán (SSI và VND), 3 mã ngân hàng (VCB, SHB và STB), VNM và VHM.

Nhóm 10 mã khối ngoại bán ròng mạnh nhất cũng có 3 mã ngân hàng là EIB, VPB và BID, nhưng không có mã chứng khoán nào lọt top này./.