Bộ Công Thương yêu cầu chủ động giải pháp khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường

Bắt đầu từ cuối ngày 20/7, chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti - loại gạo chiếm 25% tỷ trọng xuất khẩu gạo của quốc gia này - với hiệu lực ngay lập tức nhằm kiểm soát giá lương thực nội địa tăng cao.

Theo tuyên bố từ Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng Ấn Độ, lệnh cấm này là nhằm đảm bảo thị trường trong nước “có đủ gạo” cũng như phần nào “làm dịu đà tăng giá” của các sản phẩm gạo trắng không phải gạo bamasti.

Trong những tuần gần đây, mưa lớn ở phía bắc Ấn Độ đã làm hư hại cây trồng ở các bang bao gồm Punjab và Haryana. Các cánh đồng lúa ở các bang phía bắc đã bị nhấn chìm trong hơn một tuần, phá hủy những cây mạ mới trồng và buộc nông dân phải đợi nước rút để họ có thể tiến hành cấy lại. Ngược lại, ở các bang trồng lúa chủ yếu khác, nông dân đã chuẩn bị vườn ươm lúa nhưng không thể cấy mạ do không đủ mưa.

Lệnh cấm này nhằm đảm bảo an ninh lương thực của Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh diện tích trồng lúa của nước này suy giảm 6% so với năm 2022, nhưng khiến giá gạo toàn cầu vốn đang cao còn tăng cao hơn nữa. Ấn Độ vốn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu và chiếm hơn 40% thương mại gạo trên thế giới nên bất kỳ sự sụt giảm nào trong số lượng gạo xuất khẩu sẽ ảnh hưởng lên giá lương thực toàn cầu. Ngoài ra, nguyên nhân còn một phần tới từ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm được chính phủ nước này ban hành hồi tháng 9 trước đó.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có hiệu lực ngay lập tức.

Thị trường gạo thế giới chao đảo

CNBC trích dẫn ý kiến của ông Eve Barre, nhà kinh tế ASEAN tại công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface, cho biết: “Nguồn cung gạo toàn cầu sẽ thắt chặt đáng kể do Ấn Độ là nhà sản xuất lương thực thứ hai thế giới”. Công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho biết lệnh cấm có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào gạo.

Cụ thể, báo cáo của Go Intelligence cho biết: “Các điểm đến hàng đầu của gạo Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Benin và Nepal. Các nước châu Phi khác cũng nhập khẩu một lượng lớn gạo Ấn Độ”.

Để ứng phó với tình trạng này, nhà kinh tế cấp cao Radhika Rao của Ngân hàng DBS cho biết các nhà nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ có thể chuyển sang tìm kiếm các nguồn cung thay thế trong khu vực ASEAN như Thái Lan và Việt Nam.

Ngoài việc gây tác động tới nguồn cung, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti của Ấn Độ còn có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới giá gạo. Ông Barre nhận định: “Ngoài việc giảm nguồn cung gạo toàn cầu, phản ứng hoảng loạn và đầu cơ trên thị trường gạo toàn cầu sẽ làm trầm trọng thêm việc tăng giá”.

Trên thực tế, giá gạo thô kỳ hạn đã tăng cao hơn 1% lên mức 15,8 USD/tạ ngay sau thông báo của Ấn Độ ngày 20/7. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam - nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan - hiện tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ do lo ngại nguồn cung. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam được bán ở mức 515- 525 USD/tấn trong tuần này - mức cao nhất kể từ năm 2011. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ dao động gần mức cao nhất trong 5 năm ở mức 421- 428 USD/tấn.

Một phần nguyên nhân dẫn tới giá gạo tăng mạnh tới từ việc lương thực này trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, giá của các loại ngũ cốc chính khác như lúa mỳ tăng mạnh. Trong tuần này, giá lúa mỳ tiếp tục tăng vọt sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nhằm tạo một hành lang an toàn cho Ukraine xuất khẩu lương thực.

Phản ứng kịp thời của Việt Nam

Trước tình hình trên, để góp phần tiêu thụ thóc, gạo; bình ổn giá thóc, gạo trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, Cục Xuất nhập khẩu đã có các Văn bản số 584/XNK-NS ngày 21/7 gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và Văn bản số 585/XNK-NS gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị phối hợp triển khai một số nội dung liên quan.

Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp thực hiện đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Hiệp hội tăng cường yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Hiệp hội tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các Bộ, ngành liên quan.

Đối với thương nhân, Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thu mua thóc, gạo hàng hoá nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.

Các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp, đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, gửi về Cục Xuất nhập khẩu và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Đồng thời, chủ động trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cung ứng, lưu thông thóc, gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Bộ Công Thương yêu cầu chủ động giải pháp khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

Doanh nghiệp cần liên hệ ngay đối tác xuất khẩu

Ấn Độ chỉ cho một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm: các lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo.

Các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp.

Lô hàng đã được chuyển cho hải quan trước khi thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm thông báo. Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31-8.

Lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của chính phủ nước đó.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong tháng 5-2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 56% so với tháng 5-2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng.

Tính trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 367.000 tấn gạo Ấn Độ, tăng 32% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cần liên hệ ngay với các đối tác xuất khẩu để kiểm tra tình trạng hàng hóa và đề nghị doanh nghiệp Ấn Độ liên hệ ngay với văn phòng Tổng cục Ngoại thương ở các khu vực để được hướng dẫn.

Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 20-7, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 533 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 11 USD/tấn. Còn gạo 25% tấm ở mức 513 USD/tấn, hơn gạo cùng loại của Thái Lan 10 USD/tấn.

Như vậy từ đầu tuần đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có 3 phiên tăng với mức tăng 20 USD/tấn.

Giá gạo Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh nhu cầu đối với gạo Việt Nam ở mức cao. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thu mua gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp toàn cầu.

Xuất khẩu gạo đang có những tín hiệu vui khi tăng cả về sản lượng và giá trị. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm tiếp tục thuận lợi do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 xuất khẩu gạo của nước ta đạt 618.000 tấn, trị giá 340 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 14% về trị giá so với tháng trước.

Tuy nhiên tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tăng mạnh 21% về lượng và tăng 32% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 2,2 tỉ USD. Đây cũng là kết quả xuất khẩu tốt nhất của ngành gạo trong 13 năm trở lại đây./.