Vỡ mộng vì đầu tư chứng khoán “ảo”

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ việc đối tượng xấu lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích từ ứng dụng công nghệ để thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Nhiều người dân tham gia đầu tư chứng khoán “ảo” trên không gian mạng với cam kết lợi nhuận cao và số tiền đầu tư đã "không cánh mà bay" cùng đối tượng lừa đảo.

Chị N.T.N.H. (trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đến trình báo cơ quan chức năng về việc bị lừa đảo tiền khi tham gia đầu tư chứng khoán trên không gian mạng. Theo đó, khi tham gia nhóm học tập, trao đổi kinh nghiệm về chứng khoán trên mạng xã hội, chị H. được hướng dẫn tải ứng dụng (App) chơi chứng khoán để đầu tư. Dù nghi ngờ app lừa đảo, song được các “tư vấn viên” trong nhóm khuyến khích và gửi các hình ảnh minh chứng, chị H. quyết định tải app chơi thử và nạp số tiền ban đầu là 10 triệu đồng.

Chỉ sau một ngày, chị H. rút được 25 triệu đồng trên ứng dụng. Thấy lợi nhuận cao, cách “đầu tư” lại quá đơn giản, chị H. đã nạp thêm hơn 30 triệu đồng để tiếp tục “đầu tư” sinh lời, nhưng lần này không rút tiền ra được. Theo hướng dẫn, chị H. thực hiện lại các bước thì được yêu cầu đóng phí 10% mới được rút tiền. Thế nhưng, sau khi chị đóng phí và thực hiện lệnh rút tiền vẫn không được. Đến lúc này, chị H. mới ngã ngửa biết mình bị lừa.

Cảnh giác lừa đảo đầu tư chứng khoán “ảo” trên không gian mạng
Người dân cần cảnh giác chiêu đầu tư chứng khoán "ảo" trên không gian mạng

Một vụ việc khác, vào khoảng 11 giờ ngày 11/8/2023, chị H. (trú tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), đến phòng giao dịch của ngân hàng LienVietPostBank, chi nhánh tỉnh Bắc Kạn yêu cầu giao dịch viên rút tiền từ tài khoản tiết kiệm đang gửi tại ngân hàng với số tiền 150 triệu đồng, mục đích để nạp vào tài khoản chuyển tiền vào gói đầu tư chứng khoán chị H. mới tham gia.

Quá trình rút tiền tiết kiệm, nghi ngờ việc chị H. rút tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán có dấu hiệu lừa đảo, giao dịch viên của ngân hàng đã nhắc nhở chị H. về việc có thể bị lừa đảo. Sau đó, các cán bộ giao dịch viên của ngân hàng và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn kịp thời phân tích và ngăn chặn, nên chị H. đã không chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

Tuy nhiên, theo chị H, vào ngày 10/8/2023, nạn nhân đã thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình mở tại một ngân hàng khác với số tiền 90 triệu đồng đến số số tài khoản 768550875 mang tên NGUYỄN THỊ NGỌC TRINH. Sau đó, các đối tượng lừa đảo đã yêu cầu chị H. tiếp tục chuyển tiền, thì may mắn được cảnh báo.

Trên đây chỉ là số ít những vụ việc các đối tượng lừa đảo lợi dụng không gian mạng, để kêu gọi đầu tư tài chính nhằm chiếm đoạt tài sản. Có thể thấy, thông qua mời gọi “đầu tư tài chính” trên mạng xã hội, thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo tài khoản facebook, zalo "ảo" với hồ sơ cá nhân giàu có, công việc ổn định rồi kết bạn, làm quen. Sau đó, đối tượng thường xuyên nhắn tin chia sẻ, hỏi han, quan tâm và lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư tiền ảo trên một số sàn giao dịch (trên điện thoại di động) để kiếm số tiền lợi nhuận lớn. Để tạo lòng tin, các đối tượng lừa đảo thậm chí còn hỗ trợ nạn nhân tiền để tham gia đầu tư.

Khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo dẫn dụ người chơi bỏ tiền ra để đầu tư. Theo đó, các nạn nhân sẽ nhận được lợi nhuận vài lần giao dịch với số tiền đầu tư nhỏ. Thế nhưng, khi các nạn nhân “cắn câu” đầu tư số tiền lớn, thì những kẻ lừa đảo lại đưa ra nhiều lý do nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân và sau đó "cao chạy xa bay".

Làm thế nào để tránh “bẫy” đầu tư tài chính?

Các cơ quan chức năng cảnh báo, tội phạm lừa đảo qua ứng dụng chứng khoán “ảo” thường đánh vào tâm lý của nạn nhân là không phải mất nhiều công sức và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhuận một số tiền lớn. Đây được cho là cái “bẫy” mà các đối tượng lừa đảo thường xuyên áp dụng và không ít “con mồi” bị "sập bẫy".

Các chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên, người dân tuyệt đối không nghe, không làm theo lời dụ dỗ về việc đầu tư tài chính trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán, càng tuyệt đối không nên đánh cược vào sự may rủi.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các website đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía người chủ quản hoặc công ty chủ quản quản trị trang, cũng như không tham gia vào các trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo... Bởi vì, toàn bộ các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép.

Nếu bất chấp tham gia đầu tư, người đầu tư sẽ đứng trước rủi ro rất lớn, có thể bị chiếm đoạt, mất toàn bộ tiền đầu tư. Người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực. Nếu muốn đầu tư, người dân có thể tìm hiểu về các app, dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, khi nhận thấy có dấu hiệu hay bị lừa đảo, người dân cần đến cơ quan công an trình báo để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Để tránh trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ lừa đảo, người dân hãy là nhà đầu tư thông thái để đưa ra lựa chọn đúng đắn trước khi “chọn mặt gửi vàng”.

Khôi Nguyên/congthuong.vn