Chứng khoán Mỹ “xanh sàn”

Trong phiên giao dịch đầu tuần (8/1), chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh khi các nhà đầu tư ồ ạt bắt đáy cổ phiếu công nghệ sau đợt giảm mạnh vào tuần trước.

Đóng cửa phiên, chỉ số S&P 500 tăng 1,41% lên 4.763,54 điểm; Nasdaq tăng 2,2% lên 14.843,77 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ phiên 14/11; Dow Jones tăng 0,58% lên 37.683,01 điểm.

Ở phiên này, các nhà đầu tư phố Wall gom mạnh cổ phiếu công nghệ - nhóm đã giảm 4% vào tuần trước. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm là một trong các động lực quan trọng để bắt đáy những cổ phiếu này. Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể: Nvidia tăng 6,4% tiến đến mức cao nhất lịch sử; Amazon tăng 2,7%; Alphabet tăng 2,3%; Apple tăng 2,4%.

Chứng khoán Mỹ “xanh sàn” nhờ cổ phiếu công nghệ, giá dầu tụt 4% sau động thái của Ả Rập
Các nhà đầu tư phố Wall gom mạnh cổ phiếu công nghệ

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm về mức 4,012% (giảm 3 điểm cơ bản). Vào tuần trước, lợi suất kỳ hạn này tăng từ 3,8% lên 4%. Khi giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng vào việc Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Áp lực giảm giá lên cổ phiếu nhóm công nghệ tới từ việc lợi suất tăng.

Trong phiên đầu tuần, Dow Jones yếu hơn 2 chỉ số còn lại là vì cú giảm mạnh của cổ phiếu Boeing - hãng sản xuất máy bay Mỹ vừa trải qua cú giảm 8% sau khi hàng chục chiếc Boeing 737 Max 9 bị đình chỉ bay tạm thời để kiểm tra an toàn. Nguyên nhân vì sự cố khi một chiếc phi cơ loại này của hãng hàng không Alaska Airlines bị bung cửa khi đang bay.

Việc cổ phiếu Boeing giảm mạnh khiến Dow Jones có thời điểm giản hơn 200 điểm, trước khi hồi lại và tăng điểm ở cuối phiên.

Hãng tin CNBC cho hay, chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial cho rằng việc thị trường trong phiên tuần trước và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đều giảm mạnh đã mang lại cho các nhà đầu tư sự tự tin để quay lại mua cổ phiếu công nghệ.

Ông Turnquist nói: “Câu chuyện là vào cuối năm ngoái, cổ phiếu tăng giá quá nhiều và lợi suất cũng giảm quá nhiều. Sang đến năm nay, thị trường đã xoay chiều trong tuần trước. Còn hiện tại, thị trường lại đảo ngược một lần nữa. Thực tế là vẫn chưa có gì gây lo ngại nhiều ở thời điểm này cả”.

Chứng khoán Mỹ “xanh sàn” nhờ cổ phiếu công nghệ, giá dầu tụt 4% sau động thái của Ả Rập
Cổ phiếu công nghệ vừa trải qua tuần giảm đầu tiên sau 10 tuần tăng liên tiếp

Sau 10 tuần liên tiếp tăng thì tuần trước là tuần giảm đầu tiên của cổ phiếu công nghệ. Sang tuần này, giới đầu tư có thể nhìn nhận rõ ràng hơn về hướng đi của lãi suất quỹ liên bang khi các số liệu về lạm phát mới đây đã được công bố.

Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của nước này vào thứ 5 tuần này, ngày thứ 6 sẽ công bố chỉ số giá nhà sản xuất (PPI). Với các dữ liệu này, cho thấy sự nỗ lực của Fed trong việc đưa lạm phát về mục tiêu 2% có tiếp tục mang lại hiệu quả như kỳ vọng hay không.

Ả Rập mạnh tay giảm giá dầu

Dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 3,04 USD/thùng, còn 70,77 USD/thùng (giảm 4,12%). Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 2,64 USD/thùng còn 76,12 USD/thùng (giảm 3,35%).

Nguyên nhân khiến dầu thô bị bán tháo là Saudi Arabia đã cắt giảm mạnh giá dầu - diễn biến này đẩy cao mối lo ngại dư thừa nguồn cung trong lúc nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu.

Chủ nhật vừa qua, hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco thông báo giảm 2 USD/thùng giá dầu thô nhẹ Arab cho khách hàng châu Á.

Việc giảm giá dầu diễn ra trong bối cảnh xu hướng giảm gần đây của giá dầu quốc tế, nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ cùng nhu cầu tiêu thụ dầu yếu tại Trung Quốc. Liên minh OPEC+ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh cam kết giảm sản lượng khai thác dầu tới 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024 nhằm cân bằng thị trường. Song, đây là thỏa thuận tự nguyện nên tính hiệu lực của cam kết đang bị hoài nghi.

Chứng khoán Mỹ “xanh sàn” nhờ cổ phiếu công nghệ, giá dầu tụt 4% sau động thái của Ả Rập
Giá dầu quốc tế vẫn đang trong xu hướng giảm

Nhà phân tích Phil Flynn của the Price Futures Group nhìn nhận: “Saudi Arabia giảm giá bán dầu có thể nhằm mục đích duy trì thị phần trong bối cảnh sản lượng dầu bị cắt giảm. Nhưng thị trường lại xem đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc. Nền kinh tế có thể không thể hạ cánh mềm”.

Giá dầu Brent và WTI trong tuần trước đều tăng hơn 2% vì căng thẳng tại Trung Đông, nhưng mối lô về cung - cầu trên thị trường dầu còn lấn át cả mối lo về địa chính. “Thị trường có vẻ cho rằng rủi ro địa chính trị sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu, và nếu có ảnh hưởng thì nhu cầu đang yếu nên cũng sẽ không gây tác động lớn” - Phil Flynn nhận xét.

Thực tế, nguồn cung dầu vẫn đang dồi dào trên toàn cầu. Mỹ khai thác khoảng 13,2 triệu thùng dầu/ngày trong tuần cuối cùng năm 2023, trong khi lượng tồn kho xăng và những sản phẩm chưng cất của họ tăng thêm hơn 10 triệu thùng trong tuần. Đồng thời, xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng lên 5,2 triệu thùng/ngày, tức tăng thêm hơn 1 triệu thùng/ngày.

Chiến lược gia Bob Yawger của ngân hàng Mizuho cho rằng, việc Ả Rập mạnh tay giảm giá dầu là để ngăn chặn việc khách hàng chuyển sang mua dầu Mỹ. “Dĩ nhiên, động thái này của Saudi Arabia đã gây hoảng sợ một chút” - Yawger nói.

“Chúng ta đang tiến gần tới một tình huống tương tự như năm 2020, khi Saudi Arabia cố gắng giành lại thị phần bằng cách giảm giá tối đa, và dẫn tới một cuộc chiến giá dầu” - Chiến lược gia phát biểu thêm.