Theo chuyên gia của WB, bối cảnh quốc tế trong năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức. Sau đợt suy thoái toàn cầu diễn ra trong năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn thế giới trong năm 2024 dự kiến còn giảm tốc hơn nữa, bao gồm cả những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ.

Chuyên gia WB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng trưởng 5,5%
Sau đợt suy thoái toàn cầu diễn ra trong năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn thế giới trong năm 2024 dự kiến còn giảm tốc hơn nữa. Ảnh minh họa

Cụ thể, ông Andrea Coppola cho rằng, hiệu suất chưa cao trong năm 2024 có thể chính là kết quả của những tác động có độ trễ từ những xu hướng chính sách tiền tệ thắt chặt đang diễn ra vào thời điểm hiện tại, ngoài ra còn do điều kiện tín dụng hạn chế cùng với thương mại toàn cầu vẫn còn suy yếu.

Vị chuyên gia này bổ sung, những rủi ro chính trong năm tới gồm có: Rủi ro địa chính trị, căng thẳng tài chính liên quan đến sự gia tăng lãi suất dài hạn, tác động của các cuộc xung đột lên giá cả năng lượng, hoạt động kinh tế của Trung Quốc yếu hơn so với dự kiến. Liên quan đến vấn đề này, WB kỳ vọng rằng nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam từ phần còn lại của thế giới sẽ phục hồi trong năm tới. Đương nhiên, sự phục hồi này sẽ không thể diễn ra mạnh mẽ như trước. Sự giằng co đầy thách thức này có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.

Chuyên gia WB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng trưởng 5,5%
Theo dự báo của ADB, nền kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh, đạt 6%

Trong bối cảnh này, chuyên gia của WB cũng khuyến nghị, Việt Nam trong thời gian tới cần nâng cao sức chống chọi với những cú sốc bên ngoài, đồng thời tận dụng được sức mạnh nội tại và năng suất trong nước, từ đó hỗ trợ cho việc tăng trưởng kinh tế. Nếu áp dụng tốt, Việt Nam có thể dễ dàng biến thách thức từ suy thoái kinh tế toàn cầu trở thành cơ hội, từ đó củng cố vững chắc hơn mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước.

Đáng chú ý, Việt Nam có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng những chính sách tài khóa và đẩy nhanh việc thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư công mang tính chuyển đổi trạng thái, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 12/2023 cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2023 cũng như trong năm 2024 của một số nền kinh tế ASEAN. Theo đó, dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 giảm xuống mức 5,2%, trong khi dự báo hồi tháng 9 ở mức 5,8%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu bên ngoài yếu hơn so với dự kiến. Yếu tố này đã cản trở ngành công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng; việc làm và tiêu dùng phục hồi chậm.

Theo dự báo của ADB, nền kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh, đạt 6%. Ngoài ra, lạm phát chung của Việt Nam tăng lên đến 3,2% trong khi lạm phát cơ bản trong 11 tháng đầu năm nay ở mức 4,3%, chủ yếu là nhờ thương mại phục hồi, giá nhiên liệu nhập khẩu và giá điện tăng lên. Tuy nhiên, con số được ghi nhận vẫn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra trước đó là 4% đến 4,5%.

Chuyên gia WB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng trưởng 5,5%
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam qua các năm, dự báo cho năm 2023 và 2024

Chính sách tiền tệ thận trọng cộng thêm sự chủ động, hỗ trợ bởi kiểm soát hiệu quả các loại giá xăng dầu, điện, thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe đã có tác dụng đáng kể trong việc kiểm soát lạm phát. Theo dự báo, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ được duy trì ở mức 3,8%, đến năm 2024 tăng lên mức 4%. Đồng thời, Việt Nam trong năm 2024 cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%; lạm phát 4 - 4,5% trong khi GDP bình quân đầu người trong khoảng 4.700 - 4.730 USD.

Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% là nhiệm vụ khó

Trước đó, trong họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương chia sẻ, Bộ xác định mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% là một nhiệm vụ khó, dù mục tiêu này tương đương với mức bình quân chung của mục tiêu đặt ra trong cả 5 năm 2021 - 2025. Năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, thế nên nhiều con số cho đến nay vẫn chưa thể dự báo được.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024 có 2 động lực tăng trưởng đến từ đầu tư, xuất khẩu và cuối cùng là tiêu dùng. Trong đó, xuất khẩu đang ghi nhận đà phục hồi ấn tượng, tháng sau cao hơn tháng trước và dần lấy lại ‘phong độ’ như trước. Còn đối với tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thời điểm hiện tại đã hơn 9% và dần tiệm cận đến mức 2 con số.

Xét về lĩnh vực đầu tư gồm đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân và đầu tư FDI, cơ hội đầu tư trong năm tới được dự báo là khá tốt, có nhiều tiềm năng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Dự báo này dựa trên những kết quả ngoại giao trong năm 2023, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn cũng như ngành nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương từng nhận định, đánh giá sơ bộ cho thấy năm 2024, khả năng phục hồi và hoạt động trở lại của các thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán là khá tốt. Đầu tư trong nước được kích thích sẽ giúp thị trường xuất khẩu khởi sắc, phục hồi.