Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (HOSE: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 với khoản chênh lệch lớn nhất là lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2023 tăng từ 139 tỷ đồng trong báo cáo tự lập lên 177 tỷ đồng ở báo cáo soát xét, tương ứng tăng 27%.

Theo đó, trong nửa đầu năm, Công ty mẹ Vinaconex đạt hơn 4.109 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do các chi phí đầu vào tăng mạnh, trong đó chi phí tài chính tăng 48,6% so với cùng kỳ nên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 62 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét, các chỉ tiêu doanh thu ghi nhận 6.533,6 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCG
Cổ phiếu VCG "bật tăng" ngay trong ngày khởi công Sân bay Long Thành

Tương tự phần lớn doanh nghiệp xây lắp khác, chi phí của Vinaconex trong nửa đầu năm 2023 tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp là 5.721 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ; chi phí tài chính lên tới 490 tỷ đồng, tăng 24%; riêng chi phí lãi vay lên tới 480 tỷ đồng, tăng 93 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương mức tăng 24%.

Nhìn trong cơ cấu doanh thu, 6 tháng đầu năm, doanh thu chính của Vinaconex đến từ hoạt động xây lắp, với hơn 3.993 tỷ đồng; kế đến là kinh doanh bất động sản, với 1.608 tỷ đồng; còn lại là các hoạt động sản xuất – kinh doanh khác.

Quy mô tổng tài sản của Tổng công ty tại ngày 30/6/2023 đạt hơn 31.367 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý II/2023, nợ phải trả của Công ty giảm gần 700 tỷ đồng so với đầu năm.

So với báo cáo tài chính tự lập, báo cáo kiểm toán riêng và hợp nhất của Tổng công ty không có sự chênh lệch đáng kể. Kết quả của Vinaconex được đánh giá là tích cực so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng bất động sản, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chi phí ngày càng tăng cao gây áp lực không nhỏ đến hầu hết các doanh nghiệp.

Năm 2023, Vinaconex đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, lãi sau thuế 860 tỷ đồng, tăng 70% về doanh thu và giảm 8% về lợi nhuận so với mức thực hiện trong năm 2022. Thông thường, nửa cuối năm cũng là điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp xây lắp bất động sản, do đó, cũng là thời điểm doanh nghiệp tăng tốc để hoàn thành kế hoạch năm đã đề ra.

Được biết, Vinaconex vừa hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đơn cử như các đoạn cao tốc thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đã khánh thành vào ngày 30/08/2023. Vinaconex đang đẩy mạnh thi công các đoạn cao tốc thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, dự án Đường vành đai 4…

Vinaconex cũng là một thành viên trong liên danh Vietur trúng thầu thi công gói 5.10 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 chính thức được khởi công ngày hôm nay 31/8/2023.

Cổ phiếu VCG
Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng

Công trình nhà ga hành khách được xem là “trái tim” của sân bay Long Thành giai đoạn 1 và cũng là đường găng chung của toàn dự án. Đây cũng là gói thầu có giá trị lớn với tính chất kỹ thuật phức tạp nhất hiện nay.

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh.

Nhà ga được thiết kế gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, tổng diện tích sàn hơn 376.000 m2, chiều cao đỉnh mái 45,55m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay code C, E, F. Nhà ga khi hoàn thành sẽ có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Cùng với gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách, trong ngày 31/8, ACV cũng sẽ khởi công các hạng mục của gói thầu số 4.6 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay sân bay Long Thành giai đoạn 1. Gói thầu có giá trị hơn 7,3 ngàn tỷ đồng, thời gian thi công 700 ngày. Đây là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3.

Sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu của các doanh nghiệp trong liên danh VIETUR - đơn vị trúng thầu dự án diễn biến tương đối tích cực, Cụ thể, HAN, CC1, PHC, VCG đồng loạt tăng trên 3% với thanh khoản lớn.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối trước kỳ nghỉ lễ 2/9, VCG tăng mạnh 5,28% lên 28.900 đồng/cp, đây là phiên ghi nhận sắc xanh thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu xây dựng này.

Cổ phiếu VCG
Nguồn: fireant.vn