E-Land tiếp tục mua thành công hàng trăm nghìn cổ phiếu TCM
Nguồn: Internet

Cụ thể, Công ty E-land Asia Holdings đã mua 258.260 cổ phiếu TCM của Công ty Cổ phần Dệt May – Đầu tư – Thương mại Thành Công, đưa số cổ phiếu TCM mà công ty này nắm giữ tăng lên mức 38.526.935 cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ sở hữu đạt 46.96%). Trước đó, E-land Asia Holdings nắm giữ 38.268.675 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu đạt 46.64%.

Thời gian thực hiện giao dịch là vào ngày 04/08/2023 với phương thức giao dịch thỏa thuận. Hiện nay, giao dịch đã được hoàn tất. Nếu dựa vào giá thị trường của cổ phiếu vào ngày 04/08, ước tính số tiền E-land Asia Holdings bỏ ra lên đến hơn 13.3 tỷ đồng.

Được biết, E-Land Asia Holding Singapore là một pháp nhân tại Singapore, trực thuộc tập đoàn E-Land Group, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Hàn Quốc. Hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn E-Land là sản xuất và phân phối hàng hóa tiêu dùng bao gồm quần áo thời trang, tạp hóa và đồ gia dụng. Các sản phẩm được bán thông qua 5,000 cửa hàng nhượng quyền và 59 cửa hàng thuộc sở hữu của E-Land. Những hệ thống phân phối bán lẻ nổi bật của E-Land có thể kể đến như Kim's Club, NC Department Store, NewCore Outlet, 2001 Outlet, và DongA Department Store.

Trong mảng kinh doanh bán lẻ của E-Land, thì kinh doanh quần áo thời trang là một trong những hoạt động nổi bật khi tập đoàn này sở hữu rất nhiều thương hiệu thời trang như Underwood, Hunt, R.Athletic, Teenie Weenie, Who.A.U, Shane Jeans, So Basic, There's, Coin, C.o.a.x, Prich, G-Star, SPAO, Deco, Ana Capri, Telegraph, XIX, Dia, EnC, 96 New York, A6...Ngoài mảng bán lẻ, E-Land cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản khi sở hữu nhiều nhà hàng và khách sạn đẳng cấp tại Hàn Quốc như Lexington Hotel, Kensington Resort, Kensington Flora Hotel, Ashley, Pizza Mall, Rimini, Cafe Lugo, The Caffe, EWorld Daegu.

Về kết quả kinh doanh quý 2/2023, TCM ghi nhận doanh thu đạt 714,5 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 45% còn 95 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của Dệt may Thành Công trong quý tăng 42,4% lên gần 18 tỷ đồng, cùng với doanh thu tài chính tăng, chi phí cho hoạt động này cũng tăng 32,8% lên 38,5 tỷ đồng.

Mặc dù doanh nghiệp đã cắt giảm được 22% chi phí bán hàng và 48% chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng lãi ròng của TCM chỉ đạt gần 1,9 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, TCM thu về lợi nhuận sau thuế đạt 2,2 tỷ đồng, giảm tới 96% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà doanh nghiệp dệt may này ghi nhận kể từ quý III/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.591 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 56,4 tỷ đồng, giảm 56% so với thực hiện nửa đầu năm 2022. Với kết quả này, TCM chỉ mới thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản của TCM đạt 3.348 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với 1.225 tỷ đồng, tài sản cố định gồm nhà máy, trang thiết bị là hơn 1.000 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, nợ vay tài chính đạt gần 800 tỷ đồng với phần lớn là nợ vay ngắn hạn, còn lại là vốn chủ sở hữu đạt 1.933 tỷ đồng.

Về tình hình xuất khẩu, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của TCM sang thị trường châu Á tiếp tục dẫn đầu, với 65,1%. Trong đó, thị trường Hàn Quốc 25,3%; Nhật Bản 21,76%; Trung Quốc 7,19%. Tiếp đến là thị trường châu Mỹ chiếm 29,2%, trong đó, thị trường Mỹ 25,78%; Canada 3,42%. Trong khi đó, thị trường châu Âu chỉ chiếm 4,8%, riêng thị trường Anh chiếm 4,41%.